21:34 03/08/2011

Đại biểu Quốc hội đề nghị sớm có Luật Biểu tình

Nguyên Vũ

Một số vị đại biểu đề nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án luật cuộc sống đang đòi hỏi

Đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Biểu tình để người dân có thể bày tỏ chính kiến chính đáng, đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu tại phiên thảo luận chiều 3/8 của Quốc hội.

Ông Quốc nêu hiện tượng gần đây dân muốn bày tỏ chính kiến của mình một cách có tổ chức, có luật pháp nhưng đang khó khăn dẫn đến sự phân tâm trong nhận thức của dân để nhấn mạnh sự cần thiết phải sớm cho ra đời Luật Biểu tình.

Ý kiến này đã nhận được sự đồng tình của một số vị đại biểu khá. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, nhiều quyền của công dân chưa được luật hóa, như tự do báo chí, hội họp, biểu tình...

Vì các luật này chậm nên phát sinh một số vấn đề, công dân biểu tình dẫn tới sự lúng túng của cơ quan công quyền khi hành xử. Ông Nghĩa đề nghị “nên đưa luật biểu tình vào chương trình chuẩn bị năm 2012”.

Theo dự kiến, một số dự án luật quan trọng sẽ được Quốc hội cho ý kiến hoặc thông qua ngay cuối năm nay (Luật Biển Việt Nam) và trong năm sau. Như Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (cuối năm 2012) cùng với Luật hoặc Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.

 Sẽ được thông qua ngay tại kỳ họp thứ 3 là Luật Quản lý giá, Luật bảo hiểm tiền gửi…

Nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, cùng với Luật Thủ đô, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.

Trong số 29 dự án luật được đề nghị đưa vào chương trình chuẩn bị của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, có Luật ngân sách Nhà nước (sửa đổi), Luật Đầu tư công, Luật mua sắm công, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)....

Với quan điểm ưu tiên chế định các vấn đề đang được cuộc sống đòi hỏi, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị nên đưa Luật Đầu tư công, Luật mua sắm công, Luật Quy hoạch đô thị vào chương trình chính thức của năm sau. Và cần có thêm luật về quản lý kinh doanh vốn của nhà nước, như ông đã từng đề nghị từ Quốc hội khóa trước.

Để khắc phục việc chỉ thông qua những dự án luật dễ làm, còn dự án luật có ý nghĩa cấp thiết nhưng thấy khó, ý kiến khác nhau là để lại, đại biểu Lịch đề nghị Quốc hội phải xác định trách nhiệm chính trị của người đứng đầu cơ quan được giao trình dự án luật đã được Quốc hội đưa vào chương trình.

Nhiều ý kiến khác cũng đồng tình với đề nghị của đại biểu Lịch là nên đưa từ chương trình dự bị lên chính thức các luật về đầu tư công, mua sắm công, quản lý kinh doanh vốn từ ngân sách nhà nước.

Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Thủ tướng nên giao cho một phó thủ tướng có trách nhiệm đôn đốc công tác lập pháp.

Vị đại biểu này cũng đề nghị cần phải có luật hoặc pháp lệnh về tiến cử và trọng dụng nhân tài.

Tại phiên thảo luận chiều nay, sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng là nội dung được nhiều vị đại biểu quan tâm, đề nghị sớm bắt tay chuẩn bị và bàn thảo thật thấu đáo trước khi thông qua.

Theo nghị trình, vào chiều mai (4/8) Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về việc triển khai chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.