Đại biểu Quốc hội sẽ đối thoại với công nhân về nhiều vấn đề "nóng"
Chương trình tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa đại biểu Quốc hội với công nhân lao động sẽ tập trung vào nhiều vấn đề “nóng” được người lao động quan tâm như: Vấn đề tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống; rút bảo hiểm xã hội một lần; tình trạng “tín dụng đen”…
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết cơ quan này sẽ tổ chức các chương trình tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa đại biểu Quốc hội với công nhân lao động.
Chương trình nhằm tạo diễn đàn để đại biểu Quốc hội tiếp xúc, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử tri là công nhân lao động về việc làm, thu nhập và đời sống cũng như hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; để đại biểu Quốc hội tổng hợp và phản ánh ý kiến với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Đồng thời góp phần xây dựng chính sách, pháp luật đảm bảo khả thi, sát thực tế. Đây cũng là một hoạt động trọng tâm của Tháng Công nhân năm 2023.
Chương trình tiếp xúc cử tri tập trung vào 3 nội dung chính gồm: Vấn đề tạo việc làm, duy trì việc làm bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động; các giải pháp phát triển nhà ở, nơi vui chơi, giải trí, trường học cho con của đoàn viên, người lao động; vấn đề rút bảo hiểm xã hội 1 lần và tình trạng “tín dụng đen” trong công nhân…
Phản ánh thực tiễn thi hành, nêu ý kiến góp ý đối với các dự án luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Công đoàn, Luật Việc làm…
Đồng thời, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất các ý tưởng, giải pháp và khẳng định quyết tâm vượt mọi khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Ủy ban nhân dân và các sở, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương sẽ trao đổi trực tiếp với đoàn viên công đoàn, công nhân lao động.
Thời gian diễn ra chương trình ít nhất 1 buổi, từ ngày 20/4 - 20/5/2023; khuyến khích các tỉnh, thành phố tổ chức được nhiều buổi tiếp xúc chuyên đề.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng lưu ý, việc tổ chức chương trình được tổ chức khoa học, thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức.
Theo Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), công nhân lao động trong doanh nghiệp chiếm khoảng 27% lực lượng lao động xã hội, nhưng đã đóng góp trên 75% ngân sách và trên 65% GDP của cả nước. Những năm qua, dù mức sống, điều kiện làm việc của người lao động từng bước được cải thiện, song vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc, cấp bách kéo dài chưa được quan tâm, giải quyết thỏa đáng.
Đặc biệt, qua đại dịch, những vấn đề này càng được thể hiện rõ hơn, đó là tiền lương thấp và thiếu tích luỹ; việc làm, thu nhập bấp bênh; nhà ở và điều kiện sinh hoạt, giáo dục, y tế khó khăn; an sinh và phúc lợi xã hội thiếu bảo đảm…
Khảu sát về Chỉ số hài lòng về cuộc sống (chỉ số hạnh phúc) của đoàn viên công đoàn do Viện Công nhân và Công đoàn thực hiện hồi tháng 10 – 11/2022 cũng cho thấy, khoảng hơn 58% công nhân lao động không có tích luỹ; 11,7% có tích luỹ đủ chi tiêu dưới 1 tháng; 16,7% có tích luỹ đủ chi tiêu 1 – 3 tháng; 12,7% có tích luỹ đủ chi tiêu trên 3 tháng.
Mặc dù đã có không ít người lao động phải đi làm thêm ở ngoài, song do tiền lương thu nhập thấp lại không có tích luỹ nên có đến hơn 43% đoàn viên thuộc tình trạng đang có vay nợ.
Các chỉ số có mức độ hài lòng rất thấp đều liên quan đến các vấn đề rất khó khăn, bức xúc của phần lớn người lao động là bảo đảm việc làm, thu nhập, cuộc sống hằng ngày như: Mức thu nhập; số tài sản, tiền bạc tích luỹ được; dịch vụ việc làm ở địa phương…
Người lao động cũng mong muốn được tham gia đầy đủ các chế độ như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; nhà nước kịp thời điều chỉnh tiền lương tối thiểu; đi làm phải đủ sống và có tích luỹ phòng khi bị giảm hoặc mất việc làm...