Đại hội XX và một số điểm nhấn mới về định hướng kinh tế của Trung Quốc
Báo cáo Đại hội 20 cho thấy rằng Trung Quốc đã thành công trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả, hoàn thành các mục tiêu phấn đấu 100 năm lần thứ nhất. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với rất nhiều khó khăn từ cả bên trong lẫn bên ngoài...
Với việc hoàn thành cuộc chiến công kiên thoát nghèo, xây dựng toàn diện xã hội khá giả và hoàn thành mục tiêu phấn đấu 100 năm lần thứ nhất, báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội 20) tiếp tục đưa ra những kế hoạch, sự sắp xếp chiến lược cho sự nghiệp của Đảng Cộng sản và đất nước Trung Quốc trong chặng đường mới xây dựng một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại toàn diện. Bài viết nhận diện và đánh giá một số điểm mới về định hướng kinh tế của Trung Quốc qua Báo cáo chính trị Đại hội 20.
Về tổng thể, Báo cáo Đại hội 20 vẫn tiếp tục kế thừa và phát triển logic lý luận và các chủ trương từ Đại hội 18, 19 đến nay về các vấn đề quan trọng, như: mục tiêu phấn đấu, các nhiệm vụ trọng tâm, định hướng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, đổi mới sáng tạo, phát triển chất lượng cao, thúc đẩy cục diện mới mở cửa toàn diện, thúc đẩy sự “thịnh vượng chung” và chiến lược “tuần hoàn kép” với định hướng tập trung vào mở rộng nhu cầu trong nước để tự chủ hơn,… mà không có sự đảo ngược hay thay đổi đáng kể trong định hướng chính sách; nhưng có sự nâng cấp trong một số nội hàm phát triển cụ thể và có một số điểm mới đáng chú ý về mặt định hướng trọng tâm. Đại hội 20 làm rõ các ưu tiên đối với Trung Quốc trong tương lai, hướng dẫn cho các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan quản lý của nước này trong 5 năm tới, đồng thời đặt ra một số mục tiêu cụ thể hơn đến năm 2035 và giữa thế kỷ này. So với trước đây, các trọng tâm kinh tế tập trung hơn vào việc nâng cao chất lượng và sự công bằng trong phát triển kinh tế.
MỘT SỐ ĐIỂM MỚI VỀ ĐỊNH HƯỚNG ƯU TIÊN KINH TẾ
Báo cáo chính trị của Đại hội và dự kiến bộ máy lãnh đạo chủ chốt sau Đại hội 20 cho thấy một số điểm nhấn mới về mặt chủ trương phát triển kinh tế và xu hướng chính sách kinh tế trọng tâm của Trung Quốc so với ĐH 19.
Một là, “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” và “thịnh vượng chung” sẽ là chủ trương điều hướng phát triển kinh tế của Trung Quốc trong giai đoạn tới.
“Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” là một khái niệm mới lần đầu tiên được nêu rõ trong báo cáo Đại hội 20 với 6 đặc trưng cụ thể: (i) hiện đại hóa XHCN do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo; (ii) hiện đại hóa với dân số khổng lồ; (iii) hiện đại hóa vì sự thịnh vượng chung cho tất cả mọi người; (iv) hiện đại hóa kết hợp hài hòa giữa văn minh vật chất và văn minh tinh thần; (v) hiện đại hóa trong đó con người và thiên nhiên cùng tồn tại hài hòa; (vi) hiện đại hóa theo con đường phát triển hòa bình.
Tờ Globaltimes (2022) trong bài “China expounds indigenous way to achieve modernization, to navigate nation’s economy toward fairer, innovative growth” cho biết, “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” được xác định là sứ mệnh cốt lõi của Đảng cộng sản Trung Quốc trên hành trình mới của kỷ nguyên mới và sẽ được thúc đẩy toàn diện nhằm thực hiện “sự trẻ hóa vĩ đại của đất nước Trung Quốc”. Bên cạnh đó, trong bài viết “Pursuing Chinese-style modernization”, Taylor (2022) đã nhận định, “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” sẽ đóng vai trò là động lực chính cho các sáng kiến chính sách quan trọng trong 5 năm tới và xa hơn nữa của nước này.
Yang Zhicheng, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh về Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, khi phân tích nội hàm của “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” đã nhấn mạnh, đây là con đường hiện đại hóa dựa trên sở hữu công cộng đối với tư liệu sản xuất, lấy con người làm trung tâm và một nền hiện đại hóa trong đó tất cả người dân đều thịnh vượng, khác với kiểu hiện đại hóa lấy tư bản làm trung tâm, hiện đại hóa phân cực, hiện đại hóa vật chất như phương Tây. Tuy nhiên, Taylor (2022) cho rằng “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” sẽ đòi hỏi một quá trình hiện đại hóa dựa trên cơ sở “tự cung tự cấp, an ninh quốc gia và sự thịnh vượng chung”. Liệu mô hình này có thể giải quyết được các vấn đề tồn đọng mà hiện đại hóa phải đối mặt cũng như các vấn đề kinh tế nổi cộm của Trung Quốc hay không còn tùy thuộc vào cách thức hiện thực hóa nó cũng như các biện pháp triển khai cụ thể của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, “thịnh vượng chung”, một trong những chính sách kinh tế và xã hội quan trọng nhất được ban hành trong thời gian vừa qua ở Trung Quốc, sẽ là chủ trương mang tính định hướng việc thực thi các chính sách và mục tiêu “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” trong giai đoạn tới.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 45 phát hành ngày 07-11-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam