Đáo hạn bình yên, cổ phiếu vừa và nhỏ lao dốc nặng
Nhóm cổ phiếu blue-chips khá ổn định trong những phút cuối của phiên đáo hạn phái sinh, tuy nhiên sức ép ở nhóm cổ phiếu và và nhỏ đã tăng lên đáng kể. VN-Index đóng cửa giảm nhẹ 0,55% nhưng tới 125 cổ phiếu (34,2% số mã sàn HoSE) giảm quá 1%, trong đó blue-chips chỉ đóng góp 8 mã...
Nhóm cổ phiếu blue-chips khá ổn định trong những phút cuối của phiên đáo hạn phái sinh, tuy nhiên sức ép ở nhóm cổ phiếu và và nhỏ đã tăng lên đáng kể. VN-Index đóng cửa giảm nhẹ 0,55% nhưng tới 125 cổ phiếu (34,2% số mã sàn HoSE) giảm quá 1%, trong đó blue-chips chỉ đóng góp 8 mã.
Những cổ phiếu giảm hơn 1% trong rổ VN30 cũng không phải là các mã trụ lớn nhất. Trong Top 10 vốn hóa thị trường giảm sâu nhất là GAS và HPG cũng chỉ mất 0,98%. Mở rộng ra Top 15 vốn hóa xuất hiện GVR giảm 2,25% và MSN giảm 1,96%.
Các cổ phiếu lao dốc nặng nhất nhóm blue-chips ngoài GVR và MSN là POW giảm 2,25%, BCM giảm 1,67%, SSI giảm 1,59%, BVH giảm 1,27%... Đây cũng không phải là các cổ phiếu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chỉ số. VN30-Index đóng cửa giảm 0,4% với 5 mã tăng/22 mã giảm. Trong 15 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục và đợt ATC (thời gian tính giá thanh toán cuối cùng trong ngày đáo hạn phái sinh), chỉ số này dao động thông thường, kết lại một phiên đáo hạn khá bình yên, dù cổ phiếu tổn thương khá nặng.
Thực vậy, tuy các chỉ số đại diện giảm khá nhẹ (Midcap cũng chỉ mất 0,46%, Smallcap giảm 0,76%) nhưng tới 125 cổ phiếu trên sàn HoSE đóng cửa giảm quá 1%. Số này tập trung khoảng 38,4% tổng giá trị khớp lệnh của sàn. Nhiều cổ phiếu giảm rất mạnh với thanh khoản khá lớn so với mặt bằng chung như HSG giảm 3,69%, khớp 219,4 tỷ đồng; PDR giảm 1,68% khớp 132,1 tỷ; DCM giảm 1,92% khớp 125,5 tỷ; CSV giảm 5,35% với 120,5 tỷ; NKG giảm 2,7% với 99,7 tỷ… Nhóm MWG, SSI, MSN, VRE cũng đều sụt giảm hơn 1% với thanh khoản cả trăm tỷ đồng mỗi mã.
Toàn sàn HoSE cũng có tầm 30 cổ phiếu sụt giảm từ 3% tới 6%, tập trung hết vào nhóm midcap và smallcap. Diễn biến giảm từ sáng ở nhóm này thậm chí còn mạnh lên trong phiên chiều, cho thấy sức ép bán ra đã tăng lên với bối cảnh dòng tiền quá yếu.
Giao dịch khớp lệnh hai sàn chiều nay cũng tăng 34% thanh khoản so với phiên sáng, đạt 6.150 tỷ đồng. Dù vậy đây vẫn là phiên chiều có thanh khoản kém nhất 15 ngày.
Nhìn từ góc độ chỉ số, VN-Index điều chỉnh giảm 6,8 điểm không phải là nhiều nhưng vẫn là một phiên đi lùi mạnh thứ 2 trong nhịp tăng từ đáy ngày 5/8 vừa qua. Chỉ số quay đầu chiều chỉnh sau nhịp tăng khoảng 3,6%. Biên độ này lớn hơn một chút so với nhịp phục hồi cuối tháng 7 vừa qua nhưng vẫn chỉ trong giới hạn của một nhịp nảy kỹ thuật. Chỉ số này đang gặp trạng thái xấu khi nhóm cổ phiếu blue-chips mất dần sức mạnh. Tuy các trụ hôm nay vẫn chưa giảm nhiều (dưới 1%) nhưng sự suy yếu là rõ. Thanh khoản nhóm VN30 sụt giảm đáng kể khi 4 phiên của tuần này chỉ đạt trung bình 5.441 tỷ đồng/ngày, giảm tới 29% so với mức trung bình tuần trước.
Đối với các blue-chips thì dòng tiền yếu không bao giờ là một tín hiệu tốt, vì sức nặng vốn hóa khiến giá rất khó tăng. Tiền yếu chỉ có thể giúp giá cầm cự nếu bên bán không xả nhiều.
Nhóm đi ngược dòng phiên này có 109 mã nhưng đại đa số là không có thanh khoản đủ tin cậy. Việc giao dịch chỉ vài triệu hay 1-2 tỷ đồng đã khiến giá tăng – thậm chí tăng mạnh – mang tính nhiễu nhiều hơn là thực chất. Vài cổ phiếu đáng kể là VHM tăng 1,75% thanh khoản 671,5 tỷ đồng, FTS tăng 1,5% khớp 144,7 tỷ; LPB tăng 2,08% với 127,4 tỷ; HHV tăng 3,59% với 83,8 tỷ; KSB tăng 1,38% với 15,9 tỷ.
Nhà đầu tư nước ngoài phiên chiều tăng cả mua lẫn bán nhưng cũng không chênh lệch nhiều, mức vốn vào ròng đạt 67,8 tỷ đồng. Phiên sáng khối này cũng chỉ mua ròng nhẹ 52,1 tỷ. Một số giao dịch lớn nổi bật là VNM +103,1 tỷ, FPT +79,2 tỷ, CTG +63,7 tỷ, GMD +29 tỷ, DGW +28,1 tỷ, HVN +24,4 tỷ, TCH +24,4 tỷ, HDG +21,6 tỷ. Bên bán có VHM -105,6 tỷ, TCB -73,6 tỷ, HPG -40,3 tỷ.