“Đào, mai, quất” quan trọng hơn giao dịch, thanh khoản thấp kỷ lục
Chỉ còn 2 phiên giao dịch nữa là thị trường tạm nghỉ dài ngày cho dịp Tết Nguyên đán. Nhà đầu tư cũng đang giảm dần cường độ giao dịch khiến thanh khoản sáng nay tụt xuống mức thấp kỷ lục kể từ chạy hệ thống mới. Tuy vậy trừ số ít cổ phiếu đang bị bán tháo, phần còn lại của thị trường không biến động quá nhiều. Duy có vốn ngoại không nghỉ Tết, mua ròng mạnh cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng...
Chỉ còn 2 phiên giao dịch nữa là thị trường tạm nghỉ dài ngày cho dịp Tết Nguyên đán. Nhà đầu tư cũng đang giảm dần cường độ giao dịch khiến thanh khoản sáng nay tụt xuống mức thấp kỷ lục kể từ chạy hệ thống mới. Tuy vậy trừ số ít cổ phiếu đang bị bán tháo, phần còn lại của thị trường không biến động quá nhiều. Duy có vốn ngoại không nghỉ Tết, mua ròng mạnh cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng.
VN-Index kết phiên sáng giảm nhẹ 0,48% so với tham chiếu tương đương 4,2 điểm. VN30-Index giảm 0,42%, Midcap giảm 0,38%, Smallcap giảm 0,89%.
Nhìn thoáng qua các chỉ số này thì thị trường vận động khá ổn định và mức giảm nhẹ tương xứng với dòng tiền đang co lại đột biến. Tuy vậy một nhóm nhỏ cổ phiếu đầu cơ vẫn đang gây “khó ở” cho các nhà đầu tư dịp Tết khi giảm giá mạnh.
Trên cả sàn HoSE hiện đang còn 11 cổ phiếu giảm sàn, trong đó 9 mã mất thanh khoản và có dư bán sàn. CII, FTM, DPG, NBB, HAR, FCN, LDG tiếp tục tìm đáy mới và gây thua lỗ nặng hơn cho các nhà đầu tư bắt đáy. Hiện tượng mất thanh khoản giá sàn kéo dài tuy không còn diễn ra với số đông, nhưng vẫn dai dẳng ở không ít cổ phiếu cho thấy vẫn còn nhu cầu thoát khỏi cái bẫy kẹp.
Ngoài số giảm sàn, HoSE cũng có khoảng 64 cổ phiếu đang giảm trên 2%, trong đó rổ blue-chips VN30 đóng góp 3 mã là MSN giảm 3,2%, VCB giảm 2,43%, HPG giảm 2,19%. Đây lại là 3 cổ phiếu có khả năng ảnh hưởng mạnh đến các chỉ số. 3 cổ phiếu này khiến VN-Index mất hơn 5 điểm, nghĩa là nhiều hơn cả điểm số mất thực tế. 5 cổ phiếu khác giảm trên 1% là BID giảm 1,04%, STB giảm 1,13%, ACB giảm 1,41%, MBB giảm 1,8%, CTG giảm 1,86%.
Độ rộng của VN30 vẫn khá tốt với 17 mã tăng/11 mã giảm, nhưng ảnh hưởng vốn hóa ở nhóm giảm là lớn hơn. Cổ phiếu ngân hàng chững giá lại là nguyên nhân chính vì nhóm này đóng vai trò lớn trong các chỉ số. Trong tổng số 27 mã ngân hàng, chỉ có 12 mã tăng giá. Blue-chips duy nhất tăng đáng kể ở nhóm này là TPB tăng 1,66%. Mã này vốn hóa cũng không đáng kể trong VN-Index.
Nhóm phục hồi mạnh sáng nay là cổ phiếu chứng khoán. Các mã nhóm này vừa qua có đợt điều chỉnh mạnh. BSI bật tăng kịch trần, FTS, CTS, VND, HBS, BMS, HCM tăng trên 3%. Nhóm SSI cũng tăng 2,59%, VCI tăng 2,21%...
Cổ phiếu dầu khí cũng tiếp tục đà tăng nhờ giá dầu đang phục hồi tốt. GAS tăng 1,07%, PLX tăng 0,88%, PVD tăng 1,38%, PVS tăng 1,41%...
Độ rộng tổng thể của VN-Index hơi kém với 165 mã tăng/253 mã giảm. 130 mã ở sàn này đang giảm trên 1% tiếp tục thể hiện sự yếu ớt ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Trong bối cảnh tổng thanh khoản HoSE cực thấp, tỷ lệ giao dịch tại hai nhóm cổ phiếu này vẫn cho thấy sự suy giảm: Smallcap mới khớp được 998,1 triệu đồng, chiếm 10% sàn. Midcap khớp 2.947,4 tỷ đồng, chiếm 33,5% sàn. Vn30 khớp 3.905 tỷ đồng, chiếm 44,3%. Khi nhìn theo tỷ lệ tương đối, thị trường vẫn đang duy trì tỷ trọng dòng vốn cao ở các blue-chips.
Nhà đầu tư nước ngoài là đối tượng duy nhất không nghỉ Tết. Sáng nay khối này giải ngân 1.005,3 tỷ đồng trên HoSE, chiếm 10,7% tổng giá trị sàn (bao gồm cả thỏa thuận). Giá trị bán ra là 547,8 tỷ đồng, tương ứng mức mua ròng gần 457,6 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán được mua ròng nổi bật: LPB +104,3 tỷ đồng ròng, VND +63,2 tỷ, SSI +53,1 tỷ, STB +50 tỷ, TPB +39,2 tỷ. Ngoài ra VHM, DGW, VRE, DXG cũng được mua ròng tốt. Phía bán ròng chỉ có MSN -34 tỷ đồng là đáng kể.