16:03 12/08/2024

Đầu tư công trong lĩnh vực giáo dục cải thiện rõ nét

Đỗ Như

Tổng hợp kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục Đào tạo là 3.322 tỷ đồng, tăng 198% so với giai đoạn 2016-2020 (giai đoạn 2016-2020 là 1.674 tỷ đồng)…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Vụ Giáo dục đại học, kể từ năm 2020 đến nay, thực hiện quy định của Luật Đầu tư công năm 2019 (thay thế Luật Đầu tư công năm 2014), Nghị định số 40/2020/NĐ-CP, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, đồng thời Luật Xây dựng cũng được sửa đổi, bổ sung theo đó công tác quản lý đầu tư được phân cấp mạnh cho Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt đối với các đơn vị tự chủ.

Thực hiện Luật Đầu tư công mới và Nghị định số 40/2020/NĐ-CP, chỉ tính riêng Bộ Giáo dục Đào tạo, kết quả bố trí nguồn thu để đầu tư phát triển cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học đã được cải thiện rõ nét so với giai đoạn 2010-2020.

Tổng hợp kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục Đào tạo là 3.322 tỷ đồng, tăng 198% so với giai đoạn 2016-2020 (giai đoạn 2016-2020 là 1.674 tỷ đồng).

Trong đó, nhiều đơn vị chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, tập trung đầu tư các dự án, như: Trường ĐH Kinh tế TP.HCM là 685 tỷ đồng, Trường ĐH Thương mại là396 tỷ đồng, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM là 154 tỷ đồng, Trường ĐH Mở TP.HCM là 261 tỷ đồng…

Có 4 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng, tăng cường năng lực quản lý của Bộ Giáo dục Đào tạo và cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục đại học, với tổng mức đầu tư 1.586,9 tỷ đồng.

Bao gồm: Dự án thành phần 1 Xây dựng hệ thống trung tâm quản lý điều hành giáo dục thuộc dự án Xây dựng hệ thống trung tâm quản lý, điều hành giáo dục và đào tạo và triển khai các giải pháp phát triển Chính phủ điện tử của Bộ Giáo dục Đào tạo; Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học (SAHEP); Dự án đầu tư xây dựng Nhà hiệu bộ - Phòng ban chức năng - Giảng đường - Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên; Dự án đầu tư xây dựng Giảng đường A1 - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Một số dự án vướng mắc về đất đai, kế hoạch vốn, giải phóng mặt bằng từng bước được tháo gỡ khó khăn, xử lý vướng mắc. Nhiều đơn vị đã tích cực, chủ động trong công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật để thu hút, đề xuất nguồn lực đầu tư như Trường ĐH Tây Nguyên, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Đồng Tháp, ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Mở TP.HCM…

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại. Đó là nhận thức của một số đơn vị chưa đúng, chưa đầy đủ về nhiệm vụ, trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt một số nguồn vốn quan trọng mang tính chất phục hồi, thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội, nguồn vốn năm 2022 được phép kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2023.

“Đây là nhiệm vụ quan trọng theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19; việc chậm giải ngân dẫn đến lãng phí khi có vốn nhưng không giải ngân được trong khi đó vẫn phải trả chi phí lãi vay hằng năm, nhiều nhiệm vụ cần thiết chưa cân đối được nguồn lực thực hiện. Năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu... còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu”, báo cáo nêu rõ.

Theo báo cáo, nguyên nhân của tồn tại trên là do chính sách nhà nước nhiều thay đổi, đặc biệt liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư tại các địa phương. Điều này dẫn đến các dự án kéo dài nhiều năm, vướng mắc, phát sinh tăng tổng mức đầu tư, quy hoạch không có bố trí tái định cư..

Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung nhiệm vụ hoàn thiện chiến lược, quy hoạch phát triển của mỗi cơ sở đào tạo trong giai đoạn mới, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm, các chiến lược và quy hoạch phát triển ngành kinh tế - xã hội và định hướng phát triển, quy hoạch vùng và địa phương; bối cảnh mới của giáo dục đại học quốc tế và trong nước.

 

Theo quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị định số 40/2020/NĐ-CP, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm A, B, C thuộc đơn vị mình quản lý;

Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo Mchi thường xuyên quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, C thuộc đơn vị mình quản lý;

Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập khác, trừ các đơn vị được quy định tại điểm b, c khoản này quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm C thuộc đơn vị mình quản lý”.