07:00 01/09/2022

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để nâng cao giá trị thương hiệu bưởi Phúc Trạch

Vũ Khuê

Để nâng cao giá trị thương hiệu bền vững bưởi Phúc Trạch cần chú trọng tổ chức sản xuất đạt chuẩn, đẩy mạnh công nghệ số vào truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử …

Bưởi Phúc Trạch đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Bưởi Phúc Trạch đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Chiều 30/8/2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương phối họp với UBND huyện Hương Khê tổ chức “Hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ Bưởi Phúc Trạch Hương Khê, Hà Tĩnh”.

BƯỞI PHÚC TRẠCH CÓ MẶT TRÊN CÁC HỆ THỐNG PHÂN PHỐI LỚN

Ông Ngô Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, cho biết bưởi Phúc Trạch đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Phúc Trạch” cho sản phẩm “Quả bưởi”, khu vực địa lý gồm 19 xã thuộc huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Đây cũng là 1 trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ từ ngày 1/8/2020.

Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục đặc sản “Bưởi Phúc Trạch” của tỉnh Hà Tĩnh vào Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam. Quả bưởi Phúc Trạch có nhiều khoáng chất, hàm lượng axít hữu cơ từ 0,26-0,79%, hàm lượng Vitamin C từ 32-75mg/100g; do đó ăn bưởi Phúc Trạch rất tốt cho sức khỏe, làm tăng sức đề kháng.

Thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp để mở rộng diện tích, tăng năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tổng diện tích trồng tại 19 xã hiện là 2.714 ha, trong đó có 1.920 ha bưởi thời kỳ cho quả với tổng sản lượng trên 23.000 tấn, năng suất đạt trên 12 tấn/ha. Có 122 tổ hợp tác sản xuất bưởi Phúc Trạch với 730,01 ha đạt tiêu chuẩn VietGap, 1 tổ hợp tác sản xuất bưởi Phúc Trạch đã được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Bưởi Phúc Trạch hiện đã có mặt tại các hệ thống phân phối lớn như siêu thị Big C, Vinmart, Co.op mart và chuỗi Nông sản sạch tại Hà Nội, Quảng Ninh. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã đang tích cực xúc tiến các thủ tục để đủ điều kiện xuất khẩu bưởi sang các thị trường EU, Hoa Kỳ.

Về công tác quảng bá, tiêu thụ, lãnh đạo huyện cho biết, UBND huyện Hương Khê đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cây bưởi Phúc Trạch tại địa chỉ https://buoiphuctrach.gov.vn nhằm minh bạch thông tin đến người tiêu dùng, kết nối gần 3.000 thành viên.

Năm 2021, UBND huyện Hương Khê đã làm việc với Cục Thương mại điện tử và kỹ thuật số, Trung ương Đoàn, Sở Công thương Hà Nội, Quảng Ninh, các sàn thương mại điện tử, các đơn vị logistics nhằm kết nối tiêu thụ bưởi Phúc Trạch.

Kết quả, bưởi Phúc Trạch đã được lên các sàn thương mại điện tử như: Postmart.vn, Voso.vn, Hatiplaza.com, Shopee, Lazada, Sendo… và các hệ thống siêu thị như: Winmart (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh), siêu thị BigC Thăng Long với tổng khối lượng 218 tấn.

Ngoài việc đẩy mạnh tiêu thụ trên thương mại điện tử, UBND huyện tập trung hỗ trợ người sản xuất tìm kiếm thị trường, vận chuyển và bảo quản hàng hóa, duy trì các đầu mối tiêu thụ thông qua các kênh truyền thống.

ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ TRONG QUẢN LÝ, TIÊU THỤ

Chia sẻ tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cho biết chỉ số thương mại điện tử của tỉnh Hà Tĩnh hiện đứng 39/56 tỉnh, thành cả nước trong bảng xếp hạng. Điều này cho thấy thương mại điện tử của tỉnh Hà Tĩnh còn nhiều không gian để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, mở rộng kênh phân phối hiện đại, nâng cao giá trị các sản phẩm của tỉnh.

Hiện nay, giao dịch qua thương mại điện tử trên địa bàn Hà Tĩnh đã trở thành phương thức khá phổ biến, được cả doanh nghiệp sản xuất, phân phối và người tiêu dùng chủ động khai thác.

Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh, nhiều doanh nghiệp đã đăng ký website thực hiện các dịch vụ thương mại điện tử cũng như tham gia cung ứng sản phẩm, hàng hóa, hỗ trợ và thông tin trực tiếp cho người tiêu dùng qua môi trường trực tuyến. Đây chính là cơ hội để thương hiệu bưởi Phúc Trạch bay cao, bay xa hơn nữa.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn, để đẩy mạnh sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm bưởi Phúc Trạch đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước, đảm bảo phát triển bền vững và hiệu quả cao, các sở, ngành, các tổ chức, cá nhân cần khảo sát, nắm bắt nhu cầu của thị trường; quy hoạch và cấp mã số vùng trồng; tổ chức sản xuất mở rộng diện tích vùng trồng đạt chuẩn, an toàn sản phẩm.

Đồng thời, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại, tăng cường thông tin, dự báo thị trường, định hướng sản xuất. Đẩy mạnh kết nối với các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố và các siêu thị, sàn thương mại điện tử.

Đặc biệt, cần tổ chức tốt kết nối, ký kết hợp đồng bao tiêu giữa các hộ gia đình, hợp tác xã với doanh nghiệp phân phối, kênh siêu thị và doanh nghiệp xuất khẩu để phát triển các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ, bảo đảm chủ động, ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cũng như sớm hoàn thiện các thủ tục để xuất khẩu sang các thị trường đã có sự kết nối.

Bên cạnh đó, theo ông Đặng Ngọc Sơn, cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về việc sử dụng tem nhãn bưởi Phúc Trạch để góp phần quản lý, bảo vệ thương hiệu bưởi Phúc Trạch.

Tuyên truyền mạnh mẽ để mỗi người dân Hương Khê nâng cao ý thức, trách nhiệm trong quá trình sản xuất, tiêu thụ bưởi Phúc Trạch đúng với thương hiệu và chất lượng là trái cây đặc sản nổi tiếng của Hà Tĩnh.