12:29 03/04/2022

Đẩy nhanh tốc độ chi trả tiền hỗ trợ thuê nhà cho lao động

Nhật Dương

Doanh nghiệp cần nhanh chóng hoàn thành các thủ tục lập danh sách, khi tiền hỗ trợ chuyển về để chi trả ngay cho người lao động…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, nhìn chung năm 2021, cung - cầu lao động của thị trường lao động bị tác động tiêu cực theo nhiều chiều hướng. Cụ thể, nguồn cung lao động suy giảm nghiêm trọng, số lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm việc, ngừng việc lớn khiến cho số lao động có việc làm giảm mạnh, xu hướng chuyển dịch cơ cấu việc làm đảo chiều.

Cùng với đó, tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, tiền lương, thu nhập giảm, đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt trong quý 4/2021, có 24,7 triệu lao động bị ảnh hưởng. Hầu hết những đối tượng bị ảnh hưởng nằm trong độ tuổi lao động, từ 25 đến 54 tuổi, chiếm 73,3%.

Trước tình hình đó, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để phục hồi phát triển kinh tế xã hội tại Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình.

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định về việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo đúng trình tự thủ tục rút gọn.

Theo đó, có hai nhóm đối tượng được thụ hưởng là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm với mức hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng; người lao động quay trở lại thị trường lao động, mức 1.000.000 đồng/người/tháng.

Thời gian thực hiện các thủ tục chi trả sẽ kéo dài 11 ngày, trong đó, doanh nghiệp chi trả cho người lao động trong 2 ngày kể từ khi nhận được kinh phí hỗ trợ.

Tuy nhiên, điều kiện nhận hỗ trợ của hai nhóm này có một số khác biệt về mốc thời gian xác định thuê trọ và phương thức chi trả hằng tháng hoặc gộp 2 – 3 tháng.

Một số điểm khác nhau giữa hai chính sách. Nguồn - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. 
Một số điểm khác nhau giữa hai chính sách. Nguồn - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. 

Thông tin thêm về chính sách, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, lao động đang trong thời gian học việc, có hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên cũng sẽ được nhận hỗ trợ từ chính sách này.

“Với chính sách này, thay vì hỗ trợ trọn gói 1 lần sau 3 tháng, người lao động sẽ được hỗ trợ hàng tháng, tránh việc người lao động chuyển việc từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, được hưởng hỗ trợ nhiều lần, hạn chế trục lợi”, ông Vũ Trọng Bình cho biết.

Về tiến độ chi chả, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, trong quá trình xây dựng chính sách, cơ quan soạn thảo cũng đã khảo sát doanh nghiệp và nhận được sự đồng thuận lớn của doanh nghiệp. Thay vì doanh nghiệp phải hỗ trợ cho người lao động khoản tiền này thì ngân sách Nhà nước đã trích tiền hỗ trợ, vì thế chính doanh nghiệp cũng được hưởng lợi để giữ chân lao động.

Do đó khi đi vào thực thế doanh nghiệp sẽ tích cực hoàn thành nhanh các thủ tục lập danh sách, chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động.

Ngoài ra, quá trình thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cũng sẽ có các cơ quan giám sát như tổ chức công đoàn, Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan quản lý… sẽ tham gia đôn đốc thực hiện chính sách. Bên cạnh đó, cơ quan công an cũng tham gia trong việc cập nhật kết quả hỗ trợ tiền thuê nhà kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để xác thực thông tin người lao động, tránh trùng lặp khi chi trả.