Đế chế xa xỉ LVMH đang lung lay?
Doanh thu của LVMH giảm mạnh khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu cho những chiếc túi Louis Vuitton đắt đỏ và áo khoác Dior, cho thấy “gã khổng lồ” ngành hàng xa xỉ vẫn đang mắc kẹt trong đà suy giảm hậu đại dịch…

Hôm thứ Năm vừa qua, LVMH đã chính thức công bố thông tin doanh thu từ mảng thời trang và đồ da – ngành hàng đem lại doanh thu lớn nhất của tập đoàn xa xỉ Pháp – đã giảm 9% theo cơ sở hữu cơ trong quý 2, tồi tệ hơn mức dự báo giảm 7,8% của giới phân tích.
Tập đoàn hàng xa xỉ do tỷ phú Bernard Arnault lãnh đạo đang chịu tác động từ làn sóng sụt giảm nhu cầu, đặc biệt là tại Trung Quốc – thị trường đã đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng suốt nhiều thập kỷ qua. Hồi tháng 4, LVMH đã đánh mất danh hiệu công ty giá trị nhất nước Pháp vào tay Hermès International – nhà sản xuất túi Birkin mà ông Bernard Arnault từng tìm cách thâu tóm.

Kết quả kinh doanh của LVMH cũng đang kém ấn tượng hơn so với một số đối thủ nhỏ hơn như Brunello Cucinelli – thương hiệu thời trang cao cấp của Ý chuyên sản xuất trang phục từ len cashmere đắt tiền – hãng này vừa công bố mức tăng trưởng doanh thu trong tháng này.
Christian Dior, thương hiệu thời trang lớn thứ hai của LVMH sau Louis Vuitton, hiện đang trong giai đoạn chuyển giao sáng tạo sau khi bổ nhiệm Jonathan Anderson vào vị trí giám đốc nghệ thuật. Bộ sưu tập thời trang nữ đầu tiên của anh dự kiến sẽ được ra mắt vào mùa thu năm nay.
Cổ phiếu LVMH đã giảm khoảng 30% trong 12 tháng qua, thổi bay gần 100 tỷ euro (tương đương 118 tỷ USD) khỏi giá trị vốn hóa thị trường của tập đoàn.
DOANH THU SUY GIẢM TẠI CÁC THỊ TRƯỜNG CHÍNH
Doanh số tại Mỹ giữ mức ổn định trong quý 2 – một sự cải thiện so với quý đầu năm – nhờ vào doanh số rượu Champagne khả quan và sự ổn định của mảng thời trang và đồ da, theo bà Cecile Cabanis, Giám đốc Tài chính LVMH, chia sẻ với các phóng viên trong một cuộc họp trực tuyến. Bà cho biết, bộ phận này vẫn ghi nhận tăng trưởng doanh số tại Mỹ, dù tốc độ tăng đã chậm lại so với ba tháng đầu năm, nhưng không tiết lộ thêm chi tiết tài chính.

Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi trong nửa đầu năm đạt 9 tỷ euro, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn nhỉnh hơn mức dự báo 8,8 tỷ euro.
Doanh số tại Nhật Bản đã giảm mạnh 28% trong quý II, đảo chiều so với mức tăng vọt 57% cùng kỳ năm ngoái, khi du khách Trung Quốc tranh thủ mua sắm tại Nhật để hưởng lợi từ đồng yên yếu. Doanh số tại châu Âu và khu vực bao gồm Trung Quốc cũng ghi nhận mức sụt giảm.

Bình luận về các cuộc đàm phán thương mại hiện tại giữa EU và Mỹ, bà Cecile Cabanis cho rằng kịch bản áp thuế 15% sẽ là “kết quả tích cực”, bởi một số thương hiệu của LVMH – ngoài một số dòng rượu như Hennessy Cognac – vẫn giữ được sức mạnh định giá.
“Chúng tôi dường như đang tiến gần đến một thỏa thuận về thuế quan, điều này có thể giúp gỡ bỏ phần nào sức ép vĩ mô và cải thiện niềm tin tiêu dùng,” bà nói.
BẮT ĐẦU HÀNH ĐỘNG
LVMH hiếm khi thoái vốn khỏi các thương hiệu lớn trong danh mục của mình. Nhưng trong nỗ lực đem lại doanh thu cho tập đoàn, LVMH đã bắt đầu sắp xếp và đánh giá lại các danh mục thương hiệu để đưa ra các quyết định hành động cần thiết.
Mới nhất, LVMH đang trong quá trình đàm phán để bán thương hiệu thời trang Mỹ Marc Jacobs trong một thương vụ có thể được định giá khoảng 1 tỷ USD, theo báo cáo từ Wall Street Journal. Tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới này đã làm việc với các cố vấn từ năm ngoái để xem xét các phương án cho Marc Jacobs sau khi nhận được đề xuất từ các bên mua tiềm năng.
Các công ty quản lý thương hiệu như Authentic Brands, Bluestar Alliance và WHP Global được cho là nằm trong số những bên bày tỏ sự quan tâm, theo Wall Street Journal.
Marc Jacobs không phải thương hiệu duy nhất mà LVMH đang cân nhắc muốn bán. Hôm thứ Năm vừa qua, bà Cecile Cabanis cũng lưu ý với các nhà đầu tư rằng LVMH gần đây đã bán cổ phần trong các thương hiệu thời trang Off-White và Stella McCartney.


“Chúng tôi sẽ không giữ lại những thương hiệu mà chúng tôi cho rằng không còn là sự bổ sung phù hợp, hoặc nếu chúng tôi không phải là đơn vị vận hành tốt nhất cho thương hiệu đó,” bà Cecile cho biết.
NGAY CẢ NHỮNG NGƯỜI GIỎI NHẤT CŨNG CẦN PHẢI THAY ĐỔI
Sự sụt giảm doanh thu gần đây của LVMH là một lời nhắc nhở đầy sức nặng cho các tập đoàn xa xỉ: ngay cả những thương hiệu xuất sắc nhất cũng phải liên tục tiến hóa.
Trong bối cảnh đầy bất ổn như hiện nay, các trụ cột truyền thống của ngành xa xỉ - sự khan hiếm, thủ công tinh xảo, nghệ thuật kể chuyện và cảm hứng cảm xúc - vẫn quan trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, chúng cần được thay đổi và phát triển liên tục trong một thế giới mà kỳ vọng của khách hàng đang tăng nhanh chưa từng có.

Dù vậy, đánh giá thấp LVMH vẫn sẽ là một sai lầm. Tập đoàn này vẫn là một trong những thế lực đáng gờm nhất trong ngành xa xỉ, với danh mục thương hiệu ấn tượng, nơi đã thiết lập chuẩn mực cho việc mang lại trải nghiệm xa xỉ đỉnh cao ở quy mô toàn cầu.
Đối với LVMH, con đường phía trước sẽ đòi hỏi tiếp tục tập trung vào việc truyền cảm hứng cho khách hàng tại mọi điểm chạm. Điều này đồng nghĩa với việc nâng tầm sự kết nối cảm xúc của các thương hiệu, làm sâu sắc thêm mối quan hệ với khách hàng, và bảo đảm rằng mọi tương tác - dù là trực tuyến hay trực tiếp - đều mang tính cá nhân và đầy ý nghĩa.
Quy mô lớn vẫn là một thế mạnh của tập đoàn, nhưng trong môi trường hiện tại, chính sự linh hoạt, sáng tạo và cam kết tuyệt đối với khách hàng mới là yếu tố quyết định ai sẽ dẫn đầu và ai sẽ tụt lại phía sau.