Đề nghị PVGAS không di chuyển dàn khoan, tránh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh cung cấp điện
PVGas thông báo, ngày 18/10/2022, nhà thầu Hibiscus dừng cấp khí PM3-Cà Mau để di chuyển giàn khoan ra khỏi khu vực giàn BRB dẫn đến khả năng cấp khí cho điện bị sụt giảm rất lớn...
Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia vừa có văn bản số 3214 gửi Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGAS) đề nghị đảm bảo cung cấp khí ổn định cho phát điện. Văn bản này cho biết: PVGas thông báo, ngày 18/10/2022, nhà thầu Hibiscus dừng cấp khí PM3-Cà Mau để di chuyển giàn khoan ra khỏi khu vực giàn BRB dẫn đến khả năng cấp khí cho điện trong các ngày từ 17/10-19/10 (ngày làm việc bình thường) khoảng 0 - 1,1 triệu m3/ngày.
Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia khẳng định, nếu thực hiện như thông báo của PVGAS, lượng khí cung cấp khi đó chỉ đủ vận hành 00/04 - 01/04 tổ máy Cà Mau ở mức công suất tối thiểu, giảm khoảng 1255 – 1500MW so với công suất đặt nhà máy, việc này sẽ gây ảnh nghiêm trọng đến an ninh cung cấp điện.
Vì vậy, để đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy hệ thống điện quốc gia nói chung và hệ thống điện miền Nam nói riêng, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đề nghị PVGas phối hợp với các bên liên quan, không thực hiện công tác di chuyển giàn khoan ra khỏi khu vực giàn BRB trong ngày làm việc, dời lịch công tác sang chủ nhật khi nhu cầu phụ tải giảm thấp.
Trường hợp thiếu khí, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đề nghị PVGas giảm sản lượng khí cấp cho các hộ tiêu thụ khác (khí cấp cho sản xuất đạm, khí thấp áp…) để ưu tiên cấp khí cho phát điện theo đúng chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Chỉ thị số 05/CT-BCT ngày 30/01/2019.
Ngoài ra, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cũng đề nghị PVGAS có giải pháp vận hành đảm bảo cấp khí ổn định, tin cậy cho phát điện, đặc biệt trong các tháng còn lại của năm 2022.
Trong bối cảnh các chi phí nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện vẫn tăng rất cao, việc duy trì ổn định các nguồn phát điện vào các tháng cuối năm 2022 và cả năm 2023 là rất cần thiết.
Theo Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, do giá nhiên liệu quá cao nên việc cung ứng cho các nhà máy sử dụng than hoặc sử dụng khí gặp khó khăn, khiến hệ thống không có đủ công suất dự phòng để huy động khi nhu cầu lên quá cao hoặc đồng thời có trục trặc ở một số nhà máy điện.
Nguy cơ càng trở nên rõ nét khi năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) được huy động tối đa nhưng đột ngột có đám mây lớn đi qua hoặc mưa diện rộng... sẽ khiến công suất phát tụt rất nhanh, trong khi các nguồn dự phòng lại chưa kịp huy động (do cần thời gian để đạt tới công suất cần thiết) hoặc không đủ công suất cần thiết. Điều này sẽ dẫn tới sự cố quy mô lớn.