Đề nghị xử lý nghiêm người che giấu hành vi xâm hại trẻ em
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội yêu cầu giải quyết kịp thời, nghiêm minh các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em ở địa phương; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân che giấu, không tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em...
Thời gian gần đây, các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là trẻ em nhỏ tuổi có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Nhiều đối tượng đã bị xử lý hình sự với những chế tài rất nghiêm khắc nhưng hành vi bạo hành trẻ em vẫn diễn ra mọi lúc, mọi nơi.
Ngay trong tháng 8, đã có đến hai vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng được phát hiện. Tại Hà Nội, thông tin bé gái 18 tháng tuổi ở Hà Nội bị hai đối tượng nhận trông giữ sử dụng dây buộc chân cháu, dùng búa nhựa đập vào đầu, dùng gậy gỗ đánh vào người và dán băng dính vào miệng…dẫn đến nhập viện trong tình trạng hôn mê khiến dư luận bàng hoàng, xót xa, phẫn nộ.
Hay mới đây, ngày 13/8 tại xã Nhân Chính (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) xảy ra vụ việc khiến cháu bé hơn 3 tuổi phải nhập viện cấp cứu do bị hàng xóm hành hạ, cho vào tủ lạnh.
Theo Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH), trung bình mỗi năm, cả nước phát hiện khoảng 2.000 vụ bạo hành trẻ em, trong đó, phần lớn do người thân quen với nạn nhân gây ra… Những vụ việc được phát hiện và đưa ra ánh sáng thường có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài ra, còn rất nhiều vụ việc có biểu hiện xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em chưa được phát hiện, xử lý…Trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho trẻ em ở địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Mạng lưới dịch vụ trợ giúp trẻ em tại cộng đồng còn thiếu và yếu.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính pháp, bạo hành trẻ em xảy ra nhiều, phức tạp không phải do thiếu pháp chế hay chế tài không đủ sức răn đe mà bởi nguyên nhân từ các giải pháp phòng ngừa kém hiệu quả, việc đảm bảo quyền trẻ em không được quan tâm, chú trọng đúng mức.
Để tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, giảm tối đa các tổn hại và bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 17/8 đã có công điện đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Trong đó, Bộ yêu cầu các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ trẻ em theo ba cấp độ; ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo đảm việc can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại; giao trách nhiệm cho tổ chức phối hợp liên ngành về bảo vệ trẻ em các cấp, nhất là ban bảo vệ trẻ em, nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã tham gia nắm bắt tình hình về trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn.
Kịp thời phát hiện các trường hợp trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, nhất là trẻ em sống trong gia đình có cha mẹ ly hôn, ly thân, cha mẹ đi làm ăn xa hoặc có người liên quan đến tệ nạn xã hội.
Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình, trách nhiệm nêu gương của người lớn trong gia đình; hướng dẫn gia đình, cơ sở giáo dục, nhà trường và trẻ em về kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa tình trạng cha, mẹ, người thân, người chăm sóc trẻ em xâm hại tính mạng, sức khỏe, tinh thần, nhân phẩm của trẻ em; về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.
Bộ cũng yêu cầu các địa phương thực hiện kịp thời, hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại địa phương.
Ngoài ra, cần giải quyết kịp thời, nghiêm minh các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em ở địa phương; xử lý nghiêm cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.