18:09 05/06/2024

Để tránh hiểm họa từ nhà trọ nhỏ hẹp, cần giải bài toán về nhà ở

Thanh Xuân

Về lâu dài, lượng người nhập cư Hà Nội để học tập, làm việc vẫn tăng lên. Nếu loại hình chung cư mini, nhà trọ tự phát tiếp tục phát triển, sẽ tạo áp lực lên đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật xã hội, làm tăng mật độ dân cư, không đảm bảo quy chuẩn phòng chống cháy nổ. Vì vậy, cần thiết phải đẩy mạnh việc xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thời gian gần đây, Hà Nội liên tiếp xảy ra những vụ cháy nhà trọ, chung cư mini gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó phải kể đến vụ cháy chung cư mini khiến 56 người tử vong, 37 người bị thương xảy ra hồi tháng 9/2023 ở phường Khương Thượng; hay mới nhất là vụ cháy nhà trọ ở ngõ 43 phố Trung Kính, phường Trung Hòa làm 14 người tử vong… Điều này một lần nữa lại dấy lên lo ngại về sự an toàn của loại nhà ở này, bởi thành phố còn tồn tại hàng trăm căn chung cư mini, nhà trọ không đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy.

HÀNG NGHÌN NHÀ TRỌ CÓ NGUY CƠ CHÁY NỔ

Báo cáo tại hội nghị đánh giá việc triển khai các chuyên đề, kế hoạch trọng tâm trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố, Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an TP.Hà Nội, thông tin qua rà soát, Thành phố xác định được 1.429 nhà chung cư; 398 nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini); 31.239 nhà trọ; 39.214 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao.

Riêng tại quận Cầu Giấy, có 3.328 cơ sở nhà trọ, tăng 213 cơ sở so với năm 2023, sau kiểm tra có 3.198 cơ sở nhà trọ không đảm bảo ngăn cháy lan; 2.822 cơ sở không có lối tiếp cận cho xe chữa cháy; trên 2.800 nhà trọ không đảm bảo điều kiện lối thoát nạn; 2961 cơ sở hệ thống báo cháy không đảm bảo; 2.717 cơ sở hệ thống chữa cháy không đảm bảo; 1.239 cơ sở các hệ thống kỹ thuật khác không đảm bảo...

Theo KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, thực tế, nhu cầu thuê nhà của người lao động đô thị rất lớn, khi mỗi năm lượng người từ khắp nơi đến Hà Nội học tập và làm việc ngày một tăng lên. Bên cạnh đó, động thái kích giá trên thị trường bất động sản cũng tạo ra tâm lý khan hiếm, khiến giá nhà vượt tầm với của người lao động, buộc lòng họ phải đi thuê trọ.

Thực trạng đó vô hình chung lại tạo cơ sở cho các loại hình nhà trọ này phát triển, mặc dù nhiều nhà nằm trong hẻm sâu, hẹp, cách xa nguồn nước, không đảm bảo điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ như: lối thoát nạn, bố trí, sắp xếp vật dụng, hàng hóa... Bởi, đây là lựa chọn phù hợp khả năng chi trả của họ để "bám trụ" Hà Nội.

Ngoài ra, ông Nghiêm nhận định hiện nay, vẫn chưa có nhiều chính sách đặc thù liên quan đến việc xây dựng nhà cho thuê, nên tại các khu đô thị, doanh nghiệp không mặn mà phát triển bài bản loại hình này. Đây là khó khăn trong thực tiễn để thực hiện chính sách về nhà ở của Hà Nội. Trong khi ở các vị trí cạnh trường đại học, hoặc khu công nghiệp, nhu cầu luôn có, vì vậy người dân đã chia nhỏ nhà để cho thuê.

Tuy nhiên, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng sự xuất hiện của các khu đô thị lộn xộn, thiếu hạ tầng, tiện ích còn là biểu hiện của quá trình đô thị hóa tự phát. Ông Võ đánh giá, chúng ta mới quan tâm đến số lượng của quá trình đô thị hóa, chứ chất lượng của quá trình đô thị hóa vẫn hạn chế. Chính vì vậy, sinh ra vấn đề dân cư ở các nơi ồ ạt đổ vào đô thị nhưng hạ tầng đô thị không tải nổi số người đến trú ngụ.

ĐẨY MẠNH VIỆC XÂY DỰNG NHÀ CHO NGƯỜI THU NHẬP THẤP

Chia sẻ trong phiên thảo luận tại tổ, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, nhìn nhận các vụ cháy xảy ra là hệ quả của quá trình “làng lên phố”. “Khi làng lên phố, người dân đã cơi nới nhà ở, khiến đường trở nên chật hẹp. Thực tế, như con hẻm từ ngoài vào sâu bên trong khu vực có ngôi nhà bị cháy ở Trung Kính dài 300m, nhưng có tới 5 góc cua. Càng vào sâu, hẻm càng thu hẹp thêm. Con hẻm nhỏ tới mức chỉ 1 chiếc xe máy đi qua được”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Cũng theo ông Phương, quy định pháp luật phải chặt chẽ, sát thực tế và phù hợp hơn. Đồng thời, khi phát triển các khu đô thị mới, cần quy hoạch bài bản, đảm bảo đồng bộ về hạ tầng và an toàn về phòng cháy chữa cháy.

Còn Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars) thì cho rằng việc xảy ra hỏa hoạn tại nhà trọ, hay chung cư mini Hà Nội không phải mới. Để hạn chế tình trạng này, nên tăng cường kiểm tra, giám sát thật chặt chất lượng dịch vụ. Đặc biệt là quy định chi tiết hơn về tiêu chuẩn kinh doanh cho thuê, từ loại hình nhà ở thấp tầng tới tòa nhà cao tầng. Nhưng các giải pháp trên chỉ là ngắn hạn.

Về lâu dài, lượng người nhập cư Hà Nội để học tập, làm việc dự báo vẫn tăng. Nếu các loại hình tự phát nói trên tiếp tục phát triển, sẽ tạo áp lực lên đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật xã hội, làm tăng mật độ dân cư, không đảm bảo quy chuẩn phòng chống cháy nổ, thiếu tiện ích cần thiết cho cư dân…  Do đó, việc xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp với giải pháp đồng bộ đòi hỏi sự quan tâm của các nhà quản lý.

Thứ nhất là, các nhà quản lý cần thúc đẩy di dời cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, trường học khỏi nội đô, gắn với các trục phát triển và thành phố vệ tinh. Nhất là các trường đại học, để di dời khoảng một triệu sinh viên ra khỏi nội đô nhằm giảm áp lực về nhà ở cho Thủ đô. Việc di dời phải thực hiện cùng với chính sách chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan, đơn vị Thủ đô và một số cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn, theo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong khi khu vực di dời cũng lưu ý đảm bảo tiêu chuẩn trường lớp, dịch vụ hạ tầng xã hội. 

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển phân khúc nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở, bao gồm: cả mua, thuê và thuê mua với chi phí rẻ, có đầy đủ cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh an toàn. Trong đó, cơ quan quản lý Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, thực hiện rà soát nhu cầu về nhà ở của người dân, để xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội ở vị trí thuận tiện, quy mô phù hợp với nhu cầu của người dân với đầy đủ hạ tầng y tế, giáo dục, điện nước... Mặt khác, xây dựng quy trình rút gọn thủ tục hành chính, tăng ưu đãi lãi suất cho người mua với thời gian 10 - 15 năm, lãi suất thấp hơn từ 3 - 5% so với cho vay thương mại theo yêu cầu của Thủ tướng, và tạo điều kiện tiếp cận quỹ đất nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư phân khúc này.

Tuy nhiên, bên cạnh chính sách phát triển nhà ở xã hội, cần có cơ chế ưu đãi thúc đẩy phát triển phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ. Vars kiến nghị ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu xây dựng gói ưu đãi lãi suất cho vay mua, phát triển nhà ở thương mại giá phù hợp. Bởi với đặc thù pháp lý và rủi ro khác nhau, lãi suất cho vay mua các loại hình nhà ở không nên cào bằng như hiện nay. Trên thế giới, Mỹ và Úc đều có những ngân hàng đặc thù, chuyên cho vay bất động sản, huy động vốn từ thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế, với lãi suất thấp hơn ngân hàng thương mại, mà thời hạn cho vay lên đến 30-40 năm.