Khó quy định cứng các phụ cấp lương tính đóng bảo hiểm xã hội
Pháp luật lao động cho phép doanh nghiệp được tự tuyết việc xây dựng cơ chế thang, bảng lương. Vì vậy, khó để quy định cứng các khoản phụ cấp có tính chất lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội ở khu vực này…
Liên quan đến quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã quy định lộ trình từ năm 2018, đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.
Đến nay, mặc dù tiền lương ở khu vực doanh nghiệp đã từng bước được cải thiện, song mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn còn khoảng cách nhất định so với tiền lương thực tế của người lao động.
Theo số liệu của cơ quan bảo hiểm xã hội, hiện nay tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bình quân trong cả hệ thống, bao gồm cả khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước trong năm 2022 là 5,73 triệu đồng. Xét riêng ở khu vực doanh nghiệp cũng có sự chênh lệch về mức lương đóng bảo hiểm theo từng loại hình, trong đó cao hơn cả là ở khu vực FDI. Về cơ bản, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất chủ yếu rơi vào khu vực doanh nghiệp tư nhân, ngoài quốc doanh.
Trong khi đó, Nghị quyết số 28 của Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội cũng đặt ra vấn đề tới đây khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp tiến tới ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động.
Mặt khác, theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì mức thu nhập bình quân của nhóm lao động làm công ăn lương năm 2022 là 7,54 triệu đồng/tháng, nếu so với mức 5,73 triệu đồng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội thì mức này vẫn còn khoảng cách khá xa.
Mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội ở mức chưa cao như vậy, song theo ông Cường, đáng chú ý, tại một số doanh nghiệp vẫn tồn tại tình trạng tách thành nhiều khoản trợ cấp, bổ sung khác để không đóng bảo hiểm xã hội.
“Qua quá trình các cơ quan đi thanh tra, kiểm tra đã phát hiện một số đơn vị tách các khoản thu nhập. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến việc thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động, đặc biệt là mức hưởng lương hưu khi về già do mức hưởng được tính trên mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động”, ông Cường nhìn nhận.
Do vậy, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đưa ra xin ý kiến nội dung quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định với 2 phương án.
Phương án 1: Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.
Ông Cường chỉ rõ, theo phương án này, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội sẽ không bao gồm các khoản phụ cấp lương bổ sung khác gắn với quá trình, kết quả làm việc của người lao động (phụ cấp biến động, các khoản không xác định từ trước).
Phương án 2: Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.
So với phương án 1, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tại phương án 2 sẽ bao gồm thêm cả các khoản phụ cấp lương, bổ sung khác gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.
Theo ông Cường, thực tế từ lần sửa đổi Luật trước, vấn đề có nên quy định cứng các khoản phụ cấp đã được đặt ra, nhưng không thể quy định được cụ thể danh sách các khoản phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
“Bởi vì pháp luật lao động đã quy định chung việc xây dựng cơ chế tiền lương, thang bảng lương của khu vực doanh nghiệp là hoàn toàn giao cho doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp được xây dựng các khoản và từng đơn vị lại có những quy định khác nhau. Thậm chí có doanh nghiệp đã gửi tới Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội danh sách hơn 100 khoản, như vậy không thể xây dựng cứng các khoản làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội được”, ông Cường dẫn chứng.
Việc quy định cứng các khoản phụ cấp chỉ thực hiện được ở khu vực Nhà nước. Bởi lẽ, ở khu vực này, Nhà nước đã ban hành thang lương, bảng lương nên quy định cứng được các khoản phụ cấp làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Điều 93, Bộ luật Lao động năm 2019 về xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động quy định, người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.