13:30 17/02/2025

Đề xuất hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế cho người từ 60 tuổi 

Thu Hằng

Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội đề xuất hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho nhiều nhóm đối tượng trên địa bàn, trong đó có người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 75 tuổi...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan thống nhất báo cáo Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế cho một số đối tượng người dân đang thường trú trên địa bàn TP. Hà Nội.

Theo đó, đối tượng hỗ trợ là người thuộc hộ gia đình nghèo, hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình thoát nghèo, hộ gia đình thoát cận nghèo; người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 75 tuổi, người khuyết tật nhẹ; người dân tộc thiểu số; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; người thuộc hộ gia đình làm nông nhiệp, lâm nghiệp, ngư ghiệp có mức sống trung bình đang thường trú trên địa bàn.

HỖ TRỢ MỨC ĐÓNG ĐỂ GIẢM ÁP LỰC TÀI CHÍNH CHO NGƯỜI DÂN

Để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu được giao theo Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Chương trình hành động số 22-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội giai đoạn đến năm 2030, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 98%; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 70% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 10% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động.

Theo Bảo hiểm xã hội Hà Nội, bên cạnh việc giữ vững số người đang tham bảo hiểm y tế, trong 5 năm tới còn phải tăng mới ít nhất trên 1 triệu người tham gia bảo hiểm y tế và 1,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tương ứng mỗi năm phải tăng mới trên 200.000 người tham gia bảo hiểm y tế, và 300.000 người tham gia bảo hiểm xã hội.

Do tiền lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng từ ngày 1/7/2024, mức đóng bảo hiểm xã hội hộ gia đình tối thiểu tăng từ 81.000 đồng/tháng lên 105.300 đồng/tháng (tăng 1,3 lần), nên khó khăn trong việc vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Hàng năm, số tiền chi trả từ Quỹ Bảo hiểm y tế cho người dân tham gia bảo hiểm y tế là rất lớn. Giai đoạn 2022-2024, Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội đã chi trả 67.893 tỷ đồng. Trong đó, năm 2022 là 19.596 tỷ đồng, năm 2023 là 22.532 tỷ đồng, năm 2024 là 25.765.

Do đó, việc hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm y tế cho người dân tham gia bảo hiểm y tế sẽ tạo điều kiện khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế, và được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả khi ốm đau, bệnh tật, từ đó giảm áp lực tài chính cho người dân những lúc khó khăn.

Bên cạnh đó, người lao động khi hết tuổi lao động không có lương hưu sẽ là một gánh nặng cho ngân sách, khi nhóm này bước vào nhóm người cao tuổi. Đó là phải chi trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng cho đối tượng người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.

Việc hỗ trợ mức đóng cũng đồng thời giảm áp lực tài chính của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, từ đó khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong giai đoạn hiện nay, và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Thủ đô.

NHIỀU ĐỐI TƯỢNG SẼ ĐƯỢC HỖ TRỢ 100% MỨC ĐÓNG BẢO HIỂM Y TẾ

Tại dự thảo, Bảo hiểm xã hội Hà Nội đề xuất người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng, theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Người cao tuổi tại Hà Nội nhận chi trả chế độ bảo hiểm. Ảnh: Thu Hiền.
Người cao tuổi tại Hà Nội nhận chi trả chế độ bảo hiểm. Ảnh: Thu Hiền.

Cụ thể, hỗ trợ thêm 70% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo; 75% mức đóng đối với người thuộc hộ cận nghèo; 20% mức đóng đối với các đối tượng khác.

Mức hỗ trợ này ngoài mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ, được điều chỉnh khi Chính phủ ban hành chính sách điều chỉnh.

Về bảo hiểm y tế, thành viên hộ gia đình nghèo được công nhận thoát nghèo đồng thời thoát cận nghèo, thành viên hộ gia đình cận nghèo được công nhận thoát cận nghèo được hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế. Thời gian hỗ trợ 36 tháng kể từ tháng được công nhận thoát nghèo, thoát cận nghèo. 

Người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 75 tuổi không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc, và chưa có thẻ bảo hiểm y tế được hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế.

Người khuyết tật nhẹ chưa có thẻ bảo hiểm y tế (không bao gồm trẻ em khuyết tật nhẹ dưới 16 tuổi) được hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế.

Người dân tộc thiểu số không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc, và chưa có thẻ bảo hiểm y tế được hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế.

Riêng đối với người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020, mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, được hỗ trợ thêm 30% mức đóng bảo hiểm y tế.

Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn của thành phố, chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế đang tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn TP. Hà Nội (kể cả công lập và ngoài công lập), được hỗ trợ thêm 70% mức đóng bảo hiểm y tế.

Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn của thành phố được hỗ trợ thêm 30% mức đóng bảo hiểm y tế.

Đối tượng hưởng chính sách là người đang thường trú trên địa bàn TP. Hà Nội, và không áp dụng chính sách đối với người dân không có nhu cầu được thụ hưởng chính sách

Dự kiến kinh phí hỗ trợ cho các nhóm đối tượng: Người thuộc hộ gia đình nghèo, hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình thoát nghèo, hộ gia đình thoát cận nghèo; người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 75 tuổi, người khuyết tật nhẹ; người dân tộc thiểu số; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; người thuộc hộ gia đình làm nông nhiệp, lâm nghiệp, ngư ghiệp có mức sống trung bình 1 năm ước khoảng hơn 708,9 tỷ đồng. Nếu được thông qua, mức hỗ trợ sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2026.