06:00 27/10/2022

Đề xuất người có hành vi bạo lực gia đình phải lao động công ích

Nhật Dương

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đề xuất thực hiện công việc phục vụ cộng đồng là một trong 8 biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình…

 Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Ảnh - Quang Phúc.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Ảnh - Quang Phúc.

Chiều 26/10, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

KHUYẾN KHÍCH XÃ HỘI HÓA CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH

Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật có 5 nhóm điểm mới, bao gồm: Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm; thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng; sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình để khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Dự thảo Luật cũng khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả; sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Về hành vi bạo lực gia đình, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị khoản 1 quy định khái quát thành các nhóm hành vi bạo lực gia đình. Có ý kiến đề nghị xếp loại theo các nhóm hành vi bạo lực về thể xác, bạo lực về tinh thần, bạo lực về tình dục và các loại bạo lực khác; một số ý kiến góp ý về nội dung các điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hầu hết các hành vi bạo lực gia đình đều được thể hiện dưới dạng cụ thể của bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục hoặc bạo lực kinh tế.

Tuy nhiên, có hành vi bạo lực tác động đến người bị bạo lực gia đình dưới dạng đan xen nhiều hình thức khác nhau, nên nếu quy định khái quát thành 4 nhóm hành vi bạo lực gia đình thì có thể trùng lắp, bỏ sót hoặc không bao quát hết các hành vi bạo lực gia đình.

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Ảnh - TTXVN. 
Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Ảnh - TTXVN. 

Do vậy, dự thảo Luật tiếp tục quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình và được rà soát, chỉnh lý các điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình tại khoản 1 Điều này trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý để làm rõ nghĩa hơn một số hành vi bạo lực gia đình tại khoản 1. 

QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ CÁCH THỨC THỰC HIỆN LAO ĐỘNG CÔNG ÍCH 

Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến về việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình, trong đó có thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 22 của dự thảo Luật thì thực hiện công việc phục vụ cộng đồng là một trong 8 biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình. Theo đó, tại khoản 1 Điều 33 dự thảo Luật quy định "công việc phục vụ cộng đồng là công việc có quy mô nhỏ, trực tiếp phục vụ lợi ích của cộng đồng, nơi người có hành vi bạo lực gia đình sinh sống".

Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong rất nhiều trường hợp, người gây bạo lực và người bị bạo lực không cùng chung sống tại một địa bàn, nhất là những trường hợp đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người là cha, mẹ, con riêng... Đồng thời, hành vi bạo lực của các đối tượng này lại thường xảy ra tại nơi người bị bạo lực cư trú chứ không phải là nơi người gây bạo lực cư trú.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. 
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. 

Theo đó, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình quyết định tổ chức việc người có hành vi bạo lực gia đình tự nguyện thực hiện công việc phục vụ cộng đồng tại nơi người đó sinh sống như quy định trong dự thảo Luật theo bà Nga là chưa phù hợp.

“Mặt khác, việc thực hiện hành vi bạo lực ở một nơi nhưng thực hiện công việc phục vụ cộng đồng ở một nơi khác, trong trường hợp này sẽ không đủ sức răn đe, giáo dục, phòng ngừa bạo lực gia đình”, bà Nga nêu quan điểm.

Về nội dung này, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị, để không phát sinh các vấn đề khác vượt khỏi phạm vi mang tính giáo dục và răn đe, cần cân nhắc bổ sung định hướng về thời gian, cách thức thực hiện công việc.

“Đề nghị xem xét bỏ từ "tự nguyện" trong nội dung thực hiện công việc phục vụ cộng đồng, vì theo tôi tự nguyện là mình muốn làm thì làm, không thích làm thì thôi, như vậy sẽ mâu thuẫn với nội hàm của quy định về biện pháp có tính giáo dục và răn đe và đã được xác định là không trái với quy định của pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”, bà Phúc nói.

Trong khi đó, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh, đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ cho rằng, đây là các biện pháp mới chưa được thí điểm và đánh giá hiệu quả tổ chức, liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân.

Theo bà Ánh, tại báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội có nêu rõ thiết kế theo hướng là phục vụ lợi ích cộng đồng, tuy nhiên tại khoản 5 của Điều 33 lại thiết kế theo hướng giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình quyết định tổ chức việc người có hành vi bạo lực gia đình được quy định tại khoản 1 Điều 32 của luật này tự nguyện thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.

“Quy định như vậy là chưa đảm bảo hợp lý, vì đây là hoạt động có tính chất tự nguyện và do cộng đồng đề xuất, nhưng lại được thực hiện bởi một quyết định hành chính của chính quyền cấp xã. Do đó, theo tôi cần nghiên cứu kỹ và nếu trường hợp quyết định biện pháp này trong luật thì cần phải có những quy định để thể hiện đúng là sự tự nguyện và phục vụ lợi ích cộng đồng, do cộng đồng tổ chức thực hiện”, bà Ánh nhấn mạnh.