09:27 15/07/2009

Dệt may chuẩn bị thế và lực

Hồng Thoan

Ngành dệt may kiến nghị xây dựng thêm 2 cụm công nghiệp dệt nhuộm mới

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Lê Quốc Ân.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Lê Quốc Ân.
Một kế hoạch tái cơ cấu toàn diện ngành may theo hướng sản xuất công nghệ cao với mô hình năng suất cao và sản phẩm chất lượng cao... đã được ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) chia sẻ với báo giới, cùng với những giải pháp để vượt qua khó khăn, thách thức trước mắt.

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động như thế nào đến tình hình sản xuất, xuất khẩu dệt may trong 6 tháng đầu năm 2009 của Việt Nam, thưa ông?

Nằm trong bối cảnh chung, những thị trường chính và chủ lực của ngành dệt may như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đều bị suy giảm kinh tế sâu, cho nên xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào những thị trường này cũng bị ảnh hưởng. Cụ thể, xuất khẩu vào Mỹ trong 6 tháng đầu năm bị giảm khoảng trên 5%, xuất khẩu vào châu Âu giảm khoảng 4%.

Riêng xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản tăng gần 20%, nhờ vào tác động tích cực của Hiệp định đối tác kinh tế mà Bộ Công Thương đã ký với Nhật Bản vào cuối năm 2008. Đối với một số thị trường khác, các doanh nghiệp cũng nỗ lực để đạt được sự tăng trưởng cao, như thị trường Hàn Quốc tăng trên 34%, Đài Loan, Singapore... đều tăng. Nhờ đó, xuất khẩu chung của ngành dệt may rất mừng đã đạt được xấp xỉ cùng kỳ năm trước là 4,08 tỷ USD (6 tháng đầu năm 2008 đạt 4,14 tỷ USD).

Thị trường nội địa cũng phát triển rất tốt. Ngành dệt may đã tăng trưởng ở thị trường nội địa khoảng 15 - 18%. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của toàn ngành.

Ông có thể cho biết mục tiêu cụ thể của ngành trong 6 tháng cuối năm?

Để đạt mục tiêu của toàn ngành là tăng kim ngạch xuất khẩu từ 1 - 2% so với năm 2008 thì kim ngạch xuất khẩu 6 tháng cuối năm phải tăng 6%. Riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) trong 6 tháng đầu năm, về sản xuất công nghiệp và doanh số đạt bằng cùng kỳ năm trước và xuất khẩu cũng đạt xấp xỉ cùng kỳ, 756 triệu USD. Kế hoạch năm nay, Vinatex sẽ phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu khoảng 3%. Muốn vậy phải phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng cuối năm khoảng từ 5 - 6%.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong ngành dệt may có thể nỗ lực đẩy mạnh sản xuất và thương mại 6 tháng cuối năm nhằm đạt mục tiêu đề ra, đại diện cho Vitas, ông có kiến nghị gì đối với các cơ quan chức năng?

Trước hết, chúng tôi xác định tập trung mọi nỗ lực để tăng cường đơn hàng và tăng cường sản xuất trong 6 tháng cuối năm. Vinatex và các doanh nghiệp trong ngành tích cực xúc tiến vào các thị trường ở khu vực châu Á mạnh hơn nữa.

Chúng tôi rất mong muốn chương trình này có được sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại để có điều kiện tăng tốc dồn hết mọi nỗ lực để nhận thêm đơn hàng vào quý 3, tạo được việc để 6 tháng cuối năm có thể vượt kế hoạch xuất khẩu. Đồng thời, đề nghị Tập đoàn Điện lực và Bộ Công thương giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tính giá điện theo giờ cao điểm vào buổi sáng từ 9h30 - 11h30...

Gần đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lại có Thông tư số 17 ngày 26/5/2009 để hướng dẫn lại thủ tục chi trả trợ cấp cho người lao động khi thôi việc. Thông tư này quy định tiền lương được tính để chi trả trợ cấp thôi việc dựa trên tiền lương bình quân của 6 tháng cuối cùng thời gian người lao động bị dừng. Mặc dù Thông tư ra đời vào cuối tháng 5 nhưng lại quy định áp dụng ngược lại từ ngày 1/1/2009.

Nếu áp dụng Thông tư này, chúng tôi có 2 khó khăn. Một là số tiền chi trả cho người lao động khi trợ cấp thôi việc tăng cao và khuyến khích rất nhiều người lao động có quá trình làm việc vài chục năm xin nghỉ việc để người ta lấy khoản trợ cấp lớn, sau đó người ta xin làm thủ tục hưu trí, tức là người ta được hỗ trợ 2 lần.

Ngoài ra, khi áp dụng hồi tố từ 1/1/2009 thì rất nhiều trường hợp đã giải quyết chế độ cho người lao động xong rồi bây giờ lại quay trở lại, chúng tôi không biết giải quyết như thế nào. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hộicùng nghiên cứu giải quyết những vướng mắc của Thông tư này.

Thưa ông, về dài hạn, ngành dệt may định hướng phát triển như thế nào để khi khủng hoảng kinh tế thế giới qua đi, tình hình sản xuất và xuất khẩu sẽ phát triển nhanh và bền vững hơn?

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, chúng tôi đang tiến hành đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu, đặc biệt là sản xuất bông, xơ sợi hóa học và vải để tăng tỷ lệ nội địa hóa trong cơ cấu sản phẩm xuất khẩu. Để làm được điều này, chúng tôi đang xây dựng các cụm công nghiệp về dệt nhuộm.

Chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Công Thương cho phép ngành dệt may được xây dựng thêm 2 cụm công nghiệp dệt nhuộm mới, một ở phía Bắc đặt tại Thái Bình và một ở phía Nam dự kiến đặt tại Trà Vinh, và mong được hỗ trợ trong việc quy hoạch bền vững, ổn định các cụm công nghiệp này.

Thứ hai là chúng tôi có chương trình tổ chức sản xuất bông ở dạng trang trại để giải quyết việc sản xuất bông về cơ bản có thể cạnh tranh với nhiều loại cây trồng khác. Công việc này cần sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho Vinatex và Công ty Bông Việt Nam được làm việc ổn định với các địa phương để quy hoạch các vùng tổ chức các trang trại trồng bông.

Chúng tôi cũng có kế hoạch toàn diện để tái cơ cấu lại ngành may. Một là dịch chuyển sản xuất về các địa phương có lực lượng lao động. Hai là ngành may sẽ đi vào sản xuất công nghệ cao với mô hình năng suất cao và sản phẩm chất lượng cao, tăng tính thời trang để đảm bảo thu nhập của người lao động ngày càng tăng lên, đáp ứng được điều kiện sống của người lao động. Một vấn đề nữa là chúng tôi cũng kiến nghị xin quỹ đất tại các cụm công nghiệp may để xây nhà ở cho cán bộ công nhân viên trong ngành.