09:28 24/08/2011

Dệt may lo ảnh hưởng từ thị trường Hoa Kỳ

Diệu Hương

Mức tăng trưởng hơn 30% của kim ngạch dệt may cho đến cuối tháng 7 đã không thể khiến các doanh nghiệp ngành này an tâm

Kim ngạch xuất khẩu dệt may 7 tháng năm 2011.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may 7 tháng năm 2011.
Mức tăng trưởng hơn 30% của kim ngạch dệt may cho đến cuối tháng 7 đã không thể khiến các doanh nghiệp ngành này an tâm.

Mọi năm, giai đoạn từ nay đến Tết vốn là thời điểm đơn hàng đã ổn định và doanh nghiệp thường tăng hết tốc lực cho các con số kế hoạch. Nhưng cuối năm nay, tình hình hoàn toàn khác.

“Tình hình đang có dấu hiệu khó khăn”, Giám đốc điều hành Công ty May 10 Thân Đức Việt cho hay.

Không hẳn đây là thời điểm trước lúc thấp vụ đối với dệt may, thường vào khoảng tháng 9-10 hàng năm, vấn đề của năm nay, theo ông Việt, là do những biến động của thị trường Hoa Kỳ.

“Thị trường Hoa Kỳ thông tin xấu ngày càng nhiều hơn, lạm phát và doanh số bán lẻ tại đây đều cho thấy, tình hình tiêu thụ tại quốc gia bạn hàng lớn của dệt may Việt Nam đang có khó khăn", ông Việt nói.

Trong khi đó, đánh giá tác động từ chính sách thắt chặt chi tiêu của Chính phủ Hoa Kỳ sau khi gỡ bỏ trần nợ công hồi đầu tháng 8, ông Việt cho rằng việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hàng hóa xuất khẩu vào thị trường này.

Thông tin về các doanh nghiệp bạn, ông Việt cho biết, dù chưa thấy có hợp đồng bị hủy nhưng cũng đã có khách hàng giảm số lượng sản phẩm đã đặt hàng các doanh nghiệp trong nước.

“Sản phẩm gặp khó khăn là các loại quần và đặc biệt là áo jacket do đang ở thời điểm trái vụ nên ít hàng…”, ông Việt nói.

Cũng theo Giám đốc May 10, với tình hình này thì các doanh nghiệp nhỏ sẽ gặp khó khăn hơn doanh nghiệp lớn. “May 10 đã ký đủ đơn hàng cho cả năm, nhưng đến giờ vẫn chưa biết đối tác có thay đổi gì đơn hàng đã book hay không”, ông Việt lo ngại.

Sự lo lắng của ông Việt có lẽ cũng là nỗi lo của không ít doanh nghiệp khác. Bởi lẽ, Hoa Kỳ là thị trường lớn của Việt Nam. 7 tháng đầu năm nay, trong tổng số hơn 7,6 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu dệt may, thị trường Hoa Kỳ đã chiếm một nửa, đạt tốc độ tăng trưởng 16,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, với tình hình xuất khẩu rất tốt cho đến cuối tháng 7 nhưng tiêu thụ tại Hoa Kỳ khó khăn cũng là lý do để ngành dệt may lo ngại cho những tháng cuối năm.

“Cái gì cũng tăng, chỉ tiêu thụ không tăng”, ông Việt buồn rầu nói.