14:38 04/06/2008

Điểm mặt cổ phiếu ngược dòng “mùa lũ”

Minh Đức

Lượng mã xanh trên bảng giao dịch chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng trong sự ít ỏi đó đang có một hiện tượng nổi bật

Một số mã cổ phiếu đang tạo nên hiện tượng "ngược dòng"... - Ảnh: Việt Tuấn.
Một số mã cổ phiếu đang tạo nên hiện tượng "ngược dòng"... - Ảnh: Việt Tuấn.
Lượng mã xanh trên bảng giao dịch chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng trong sự ít ỏi đó đang có một hiện tượng nổi bật…

“Nhắm mắt” vẫn nắm được tình hình! Đó là câu cửa miệng của nhiều nhà đầu tư trong thời điểm hiện tại, xuất phát từ sự trống vắng trên các sàn giao dịch, từ những dữ liệu tẻ nhạt và “hao hao” qua mỗi phiên.

Suốt một tháng trở lại đây, thị trường chưa có lấy một phiên tăng điểm. Màu đỏ phủ kín bảng giao dịch, dư bán giá sàn tràn ngập, lực cầu ít ỏi, thanh khoản hạn chế… là điểm chung.

Chính diễn biến trên dẫn tới sự chủ quan, thói quen bám sàn lơi lỏng ở một số nhà đầu tư. Và nay, một hiện tượng xuất hiện, một cơ hội sinh lời hiếm hoi đang hé mở khiến nhiều người không khỏi “giật mình”.

Đó là mạch ngược dòng trong “mùa lũ” của một số mã trong lượng tăng vốn đếm được trên đầu ngón tay những phiên vừa qua.

Phiên giao dịch ngày 4/6 có 6 mã tăng trên sàn Tp.HCM. Một con số bình thường trong đợt sụt giảm này, nhưng không bình thường đối với BT6, CII hay SGT.

Tính đến ngày 4/6, cổ phiếu SGT của Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn đã có 4 phiên tăng trần liên tiếp; BT6 của Công ty Cổ phần Bê tông 620 Châu Thới nối mạch tăng trần 3 phiên; CII của Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng lỹ thuật Tp.HCM cũng có 3 phiên tăng giá kể từ đầu tuần.

Trong “mùa lũ”, những cổ phiếu trên đang tạo hiện tượng chảy ngược, tạo vùng cơ hội sinh lời duy nhất đối với các giao dịch ngắn hạn theo kỳ thanh toán tối thiểu.

Trong “mùa lũ”, diễn biến của các mã trên có thể khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ và băn khoăn khi chúng không có trong danh mục của mình; thậm chí chưa từng “để mắt” tới.

Những cổ phiếu nói trên đều ở tầm trung, không nổi danh so với những cổ phiếu hàng hiệu trên sàn. Đây là “thuận lợi” để những mã này không rơi vào danh sách những mặt hàng bị cầm cố lớn và áp lực giải chấp mạnh.

Nhìn lại, diễn biến cung – cầu của nhóm hiện tượng này cũng có sự khác biệt so với điểm chung xả hàng của hầu hết các mã còn lại trên sàn. Trong một tuần trở lại đây, lượng bán ra của SGT, BT6, CII đều có dấu hiệu sụt giảm mạnh, trong khi cầu tăng lên rõ nét.

Tiêu biểu như 3 phiên gần đây, BT6 bị vét sạch hàng; khối lượng trước thêm “đợt sóng” này đã tạo một đột biến đón đầu. Phiên giảm giá gần nhất có tới 21.220 đơn vị được khớp, gấp hơn chục lần những phiên gần đây.

Trường hợp BT6 cũng khẳng định thêm tiêu chí khối lượng giao dịch đang trở thành một trong những cơ sở mà nhà đầu tư quan tâm nhất trong bối cảnh hiện nay.

Tương tự, sự đột biến của khối lượng trong phiên giảm giá gần nhất (30/5) của CII cũng thể hiện rõ, gấp tới 8 lần phiên liền trước và sau đó là chuỗi tăng giá 3 phiên liên tiếp; cung – cầu trong những phiên vừa qua tiếp tục thuận lợi.

Với SGT, khối lượng giao dịch tăng vọt trong những phiên tuần này. Dư mua áp đảo, dư bán rải rác và có những phiên bị vét sách, đang hậu thuẫn giá cho mã ấn tượng nhất trong nhóm này. 4 phiên tăng trần liên tiếp có vẻ như chưa tạo áp lực lượt sóng T+3, khi phiên hôm nay (4/6) không còn dư bán; mặt khác, cầu tăng mạnh trong 3 phiên gần nhất đã giảm bớt áp lực đó.

Ngoài ra, một điểm chung của nhóm hiện tượng là xuất hiện khá nhiều lệnh lớn mua vào trong những phiên gần đây. Đó có thể là sự vào cuộc của các tổ chức, góp phần tạo một hậu thuẫn lớn để có được mạch tăng giá ấn tượng. Ngược lại, chính diễn biến thuận lợi về cầu và giá càng hãm bớt lượng bán ra, duy trì đà tăng.

Bên cạnh SGT, BT6, CII, một số mã khác cũng đang thắp hy vọng theo bước. Nhiều khả năng SGH của Công ty Cổ phần Khách sạn Sài Gòn có thể nhập nhóm khi đã nối được hai phiên tăng giá liên tiếp. Tuy nhiên, diễn biến cung – cầu của mã này chưa thực sự thuận lợi như 3 cổ phiếu kể trên…

Trong “mùa lũ”, hiện tượng đã được tạo ra. Khá bất ngờ khi đó không phải là kết quả của những thương hiệu nổi tiếng trên sàn, hay những tên tuổi từng tạo những mức giá kỷ lục hay chuỗi nóng sốt thời hoàng kim.

Tuy nhiên, tương lai trước mắt của nhóm này vẫn khó xác định. Trước hết, chênh lệch lợi nhuận theo kỳ thanh toán tối thiểu đã được tạo ra; 5,4% như BT6, hay 7,2% mà SGT có được trong điều kiện biên độ hẹp hiện nay, trong bối cảnh cổ phiếu giảm sàn triền miên hiện nay thực sự là một “kỳ tích”. Đây cũng là giá trị chờ thử thách trong những phiên tới, với áp lực lướt sóng.

Mặt khác, với bối cảnh chung của thị trường, khả năng chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư khó kéo dài. Trong trường hợp thị trường vẫn không có dấu hiệu cải thiện, sự độc diễn càng trở nên khó khăn.

Trước hai khả năng tiếp tục theo đuổi hoặc an toàn bằng cụ thể hóa chênh lệch, khối lượng giao dịch của những mã này có thể sẽ trở thành điểm thu hút sự chú ý của thị trường trong những phiên tới.