"Điểm mặt" nhà cung cấp ở nước ngoài trốn thuế thương mại điện tử tại Việt Nam
Các nhà cung cấp ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác tại Việt Nam chưa đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam sẽ bị "điểm mặt" công khai trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế...
Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử vừa được Chính phủ ban hành. Nghị định số 85 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 có một số nội dung đáng chú ý.
Bộ Tài chính sẽ cập nhật danh sách các nhà cung cấp nước ngoài trực tiếp đăng ký thuế, kê khai thuế; các nhà cung cấp ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác tại Việt Nam chưa đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Theo đó, Nghị định số 85 đã bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc quản lý hoạt động giao dịch thương mại điện tử.
Cụ thể, Bộ Tài chính phối hợp cung cấp thông tin, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu với Bộ Công Thương về số lượng đơn hàng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, về trách nhiệm của thương nhân, Nghị định đã bổ sung nội dung trong việc đại diện cho người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ do thương nhân nước ngoài cung cấp. Đồng thời, có trách nhiệm thông báo nghĩa vụ thuế của người bán nước ngoài khi tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật Việt Nam...
Ngoài ra, Nghị định số 85 cũng quy định rõ các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử gồm: website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng; website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ; mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động quy định trên và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó.
Theo đánh giá của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam tại báo cáo về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam (EBI), trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng trung bình năm của Việt Nam từ 25-30%. Doanh thu thương mại điện tử Việt Nam đạt quy mô 13,2 tỷ USD năm 2020 và có thể đạt quy mô 52 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng trung bình 29%.
Nếu Việt Nam vẫn duy trì mức độ tăng trưởng này thì quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 đứng thứ ba Đông Nam Á sau Indonesia và Thái Lan. Thế nhưng, điều đáng nói, hiện nay, ngành Thuế đang bị thất thu một khoản khổng lồ từ nguồn doanh thu này.
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tổng thu và tiền phạt từ cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trên các trang web, facebook… tại một số cục thuế lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đến tháng 12/2020 chỉ "nhỏ giọt" ở mức 240,89 tỷ đồng. Trong đó, Hà Nội 148 tỷ đồng, TP. Hồ Chí Minh 68,55 tỷ đồng, Đà Nẵng 24.33 tỷ đồng.
Cục Thuế Hà Nội đã đưa vào quản lý 382 cá nhân có hoạt động cung cấp các dịch vụ tiện ích trên các ứng dụng Google Play, Apple Store… Các cá nhân này đã thực hiện kê khai thuế đầy đủ theo quý, số thuế đã nộp lũy kế từ năm 2018 đến nay là 203 tỷ đồng, trong đó riêng 7 tháng năm 2021 là 39 tỷ đồng.
Các nghĩa vụ thuế của các tổ chức xuyên biên giới tại Việt Nam, các đối tác tại Việt Nam trong vài năm qua đều thực hiện tự nguyện. Tuy nhiên, về lâu dài, cơ quan Thuế sẽ phối hợp với các ngành chức năng, ngân hàng thương mại rà soát đối tượng kinh doanh, xác minh dòng tiền và gửi cảnh báo sai phạm về thuế, đồng thời hướng dẫn các nhóm đối tượng thực hiện việc kê khai, nộp thuế theo quy định.