22:21 17/09/2024

Diễn biến thị trường chứng khoán sẽ như thế nào sau khi Fed hạ lãi suất?

Thu Minh

Việc Fed hạ lãi suất trong ngắn hạn có nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam hơn là các tác động tiêu cực...

Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến diễn ra vào ngày 18/9 có thể là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong năm trên thị trường tài chính quốc tế, với kỳ vọng rằng cơ quan này sẽ thực hiện việc hạ lãi suất lần đầu tiên, sau chu kỳ tăng lãi suất bắt đầu từ ngày 17/03/2022.

Chứng khoán ABS Research dự báo Fed sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản. Việc cắt giảm 50 điểm cơ bản lần này có thể gây xáo trộn mạnh một cách không cần thiết trên thị trường tiền tệ ngắn hạn, nhất là sau khi đường cong lãi suất đã không còn đảo ngược như trước.

THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHẢN ỨNG THẾ NÀO KHI FED GIẢM LÃI SUẤT?

Dữ liệu lịch sử của S&P500 cho thấy chỉ số này diễn biến khác nhau với các lần Fed giảm lãi suất. Cụ thể, khi lấy mốc tính từ ngày đầu tiên Fed thực hiện cắt giảm lãi suất, S&P500 thường phản ứng tốt hơn trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng vững mạnh, và sụt giảm trong thời kỳ suy thoái kinh tế mạnh.

Chu kỳ 2008 (Khủng hoảng tài chính 2007-2008): Fed đã hoàn thành chiến dịch tăng lãi suất giai đoạn 2005- 2006 vào tháng 6 năm 2006. Đến đầu năm 2007, bong bóng nhà đất vỡ và tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng. Với nền kinh tế suy yếu, FOMC bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9 năm 2007, cuối cùng giảm lãi suất 2,75 điểm phần trăm trong vòng chưa đầy một năm. Kết quả, chỉ số S&P500 giảm liên tục trong vòng 3 năm so với thời điểm 07/2007 và chỉ có thể lấy lại mốc 15xx vào năm 2013.

Chu kỳ 2001 (Bong bóng Dot com): Sau bong bóng dot-com vào cuối những năm 1990 và 2000 là các đến vụ phá sản năm 2001. Chỉ số Nasdaq Composite đạt đỉnh vào tháng 2 năm 2000 nhưng mãi đến tháng 9 năm 2002 mới chạm đáy.

Trong thời gian đó, cuộc khủng hoảng của thị trường chứng khoán đã lan sang nền kinh tế thực, khiến GDP sụt giảm nhẹ và mức thất nghiệp cao hơn—và một cuộc suy thoái kéo dài 8 tháng. Vụ khủng bố 11/9 làm trầm trọng thêm các vấn đề trong nền kinh tế. Fed đã hạ lãi suất tổng cộng 5,25 điểm phần trăm với nhịp độ cắt giảm lãi suất đều đặn trong suốt năm 2001. Tương tự, S&P500 giảm gần 17% sau 3 năm và vẫn tiếp tục giảm cho đến khi lấy lại mốc 13xx vào đầu năm 2006.

Chu kỳ năm 1990: Cuộc suy thoái do Chiến tranh Vùng Vịnh kéo dài từ tháng 7 năm 1990 đến tháng 3 năm 1991. Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng từ 5,2% vào tháng 6 năm 1990 lên 7,8% hai năm sau. Fed bắt đầu hạ lãi suất ngày 13/7/1990, kéo dài hơn 2 năm, và hạ tổng cộng 5,15 điểm phần trăm. S&P500 đã giảm 15% trong 6 tháng và lấy lại mốc 36x vào ngày 11/2/1991.

Đối với những đợt giảm lãi suất khi nền kinh tế đang phát triển vững mạnh như vào năm 1980 hay 1970, thị trường nhanh chóng hồi phục sau khi giảm điểm. Gần nhất, vào năm 2020, sau khi giảm 17% vào tháng 3 năm 2020, S&P500 nhanh chóng hồi phục và tăng mạnh 27% sau 1 năm và 45% sau 2 năm tính từ ngày đầu tiên giảm lãi suất.

Kể từ khi thành lập vào tháng 07/2000, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến tổng cộng 4 lần giảm lãi suất từ Fed, trong đó có 3 lần giảm lãi suất lớn liên quan đến các sự kiện kinh tế khủng hoảng toàn cầu năm 2001, 2007 và 2020. 

Chu kỳ 2001: Sau khi Fed công bố giảm lãi suất lần đầu, VN-Index không có dấu hiệu suy giảm mà tăng 49 điểm trong vòng 1 tháng, sau đó tăng trưởng gấp đôi lên 571 điểm vào tháng 6/2001.

Bong bóng chứng khoán bắt đầu hình thành khi thị trường tăng trưởng quá nhanh trong một khoảng thời gian ngắn, ẩn chứa nguy cơ xảy ra đợt điều chỉnh giảm mạnh. Vào cuối năm 2001, VN-Index giảm hơn 300 điểm từ mức đỉnh trước đó, kết thúc tại 235,4 điểm.

Chu kỳ 2007 – 2008: Sự tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản dẫn đến việc Fed đưa ra quyết định giảm lãi suất 50 điểm cơ bản lần đầu ngày 18/9/2007 khi bong bóng bất động sản bắt đầu vỡ và tỉ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng.

VN-Index giảm điểm trong 1 tháng trước khi quyết định cắt lãi suất được đưa ra, nhưng lại tăng 14,39% lên 1069 điểm trong vòng 1 tháng sau quyết định cắt lãi suất trước khi giảm liên tiếp về vùng đáy 260x. Cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam, VN-Index chỉ phục hồi và tăng điểm trở lại 2 năm sau đó.

Chu kỳ 2019: Fed đã cắt giảm lãi suất ba lần trong năm 2019, mỗi lần giảm một phần tư điểm phần trăm, trong động thái mà Chủ tịch Powell gọi là "điều chỉnh giữa chu kỳ." VN-Index giảm nhẹ trước và sau thông báo cắt lãi suất, sau đó tăng trở lại mốc 101x đầu tháng 11/2019.

Chu kỳ 2020: Fed giảm mạnh lãi suất do đại dịch Covid-19. Thị trường liên tục rơi vào trạng thái hoảng loạn với áp lực bán tháo mạnh của nhà đầu tư. VN-Index lập đáy vào ngày 30/3 ở mức 662,26 điểm, tương ứng giảm 27% so với thời điểm 22/1/2020. Tuy nhiên sau đó 1 năm, thị trường đã lấy được đà tăng và tăng 31,2% chỉ sau 1 năm.

Diễn biến thị trường chứng khoán sẽ như thế nào sau khi Fed hạ lãi suất? - Ảnh 1

FED HẠ LÃI SUẤT KINH TẾ VIỆT NAM TÁC ĐỘNG THẾ NÀO?

Với nền kinh tế Việt Nam, việc Fed hạ lãi suất có một số tác dụng sau như giảm lãi suất USD giúp giảm chi phí lãi các khoản nợ bằng USD cho bên vay tiền là chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân tại Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung. Lãi suất USD giảm tạo điều kiện cho các NHTW trên thế giới hạ lãi suất theo, thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng hơn. Điều này giúp tăng thu nhập và tiêu dùng của người Mỹ, qua đó cải thiện nhu cầu với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.

Giảm lãi suất USD, dẫn đến giảm áp lực đối với tỷ giá VND/USD và lãi suất tiền đồng. Điều này giúp giảm chi phí vay vốn bằng ngoại tệ của Việt Nam; Hỗ trợ kiềm chế lạm phát do tỷ giá tăng gây ra, do Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, nguyên vật liệu sản xuất chế biến chế tạo...

Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. Trước triển vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 9, NHNN đã thực hiện giảm lãi suất cho vay OMO lần đầu tiên kể từ cuối năm 2023 từ 4,5% về 4,25% ngày 5/8, và lần thứ 2 về 4,00% vào ngày 16/9. Việc giảm lãi suất OMO cho thấy định hướng hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng của NHNN, qua đó thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp hơn trong thời gian tới.

Tác động của việc Fed hạ lãi suất lên thị trường chứng khoán như việc hệ thống ngân hàng có thể đẩy mạnh tăng tín dụng luôn cải thiện thanh khoản của nền kinh tế và thị trường chứng khoán.

Lãi suất USD hạ giúp thu hút vốn đầu tư quốc tế vào các thị trường các nước đang phát triển, vốn có mức chênh lệch đáng kể của lãi suất đồng nội tệ đối với lãi suất USD. Điều này ngược lại với thực tế thời gian qua, khi lãi suất USD neo cao, dòng vốn đầu tư có xu hướng dịch chuyển từ các thị trường mới nổi/cận biên trở về Mỹ.

Số liệu cho thấy trong 2 tuần vừa qua, khối ngoại đã có động thái mua ròng tại một số thị trường trong ASEAN như Indonesia, Malaysia... Mặc dù vẫn đang tiếp tục bán ròng tại Việt Nam, nhưng đà bán ròng đã giảm mạnh trong 2,5 tháng vừa qua, đồng thời xuất hiện trở lại các phiên mua ròng.

"Việc Fed hạ lãi suất trong ngắn hạn có nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam hơn là các tác động tiêu cực. Các hành động cụ thể từ chính sách nới lỏng của Fed sắp tới sẽ diễn ra như thế nào và liệu kịch bản hạ cánh cứng hay hạ cánh mềm cho nền kinh tế Mỹ diễn ra cũng sẽ có tác động không nhỏ đến Việt Nam. Chúng ta sẽ cần tiếp tục theo sát diễn biến để có những đánh giá và dự báo kịp thời", các chuyên gia của ABS nhấn mạnh.