07:00 18/04/2023

Điện sinh khối khó phát triển do thiếu chính sách hấp dẫn

Nguyễn Đức Minh

Tiềm năng của năng lượng sinh học ở Việt Nam vẫn chưa được khai thác triệt để do còn nhiều thách thức. Đó là, khó khăn trong việc kiểm soát nguồn cung nhiên liệu cho các nhà máy điện; chi phí vốn đầu tư cao; chính sách khuyến khích mua điện chưa hấp dẫn đối với điện sinh khối, chưa có cơ chế mua bán chứng chỉ giảm phát thải CO2/khí nhà kính…

Công suất lắp đặt điện sinh khối ở Việt Nam hiện nay mới chỉ đạt 391 MW, chiếm tỷ lệ trên 0,42% trong tổng công suất lắp đặt các nguồn điện.
Công suất lắp đặt điện sinh khối ở Việt Nam hiện nay mới chỉ đạt 391 MW, chiếm tỷ lệ trên 0,42% trong tổng công suất lắp đặt các nguồn điện.

Dự án Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững tại Việt Nam (BEM/GIZ) đã thực hiện nghiên cứu và có báo cáo về “Vai trò của năng lượng sinh học trong cân bằng lưới điện tại Việt Nam”. Nghiên cứu đã rà soát và phân tích các khía cạnh: hiện trạng, quy hoạch sản xuất và vận hành điện của Việt Nam cũng như sản xuất điện từ sinh khối; chính sách hiện hành nhằm thúc đẩy phát triển nhà máy điện năng lượng sinh học tại Việt Nam; các quy định kỹ thuật hiện hành; khung pháp lý của thị trường điện.

KHÓ CẠNH TRANH VỚI ĐIỆN GIÓ VÀ MẶT TRỜI

Với mục tiêu thúc đẩy phát triển năng lượng sinh học, các cơ chế khuyến khích đã được Chính phủ đưa ra, thể hiện trong nhiều văn bản, như tại Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam, ban hành ngày 24/3/2014, Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg (ban hành ngày 5/3/2020) của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch Điện 7 điều chỉnh) và Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam đặt mục tiêu tăng tỷ lệ sản xuất điện sinh khối trong tổng sản lượng điện từ 1% năm 2020 lên 2,1% năm 2030 và 8,1% vào năm 2050. Năm 2015, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 44/2015/TT-BCT quy định phát triển dự án, Biểu giá chi phí tránh được và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện sinh khối. Tuy nhiên, công suất lắp đặt điện sinh khối ở Việt Nam hiện nay mới chỉ đạt 391 MW, chiếm tỷ lệ trên 0,42% tổng công suất lắp đặt.

Nghiên cứu của Dự án BEM cho thấy, hiện tại, hầu hết các nhà máy điện sinh khối tại Việt Nam là các nhà máy mía đường, sản xuất đồng phát nhiệt (hơi phục vụ cho quá trình công nghệ của nhà máy) và điện (một phần sử dụng cho nhà máy, phần còn lại phát lên lưới điện).

Tuy nhiên, nếu như trong vụ mía thì các nhà máy tận dụng được nguồn bã mía dư thừa để sản xuất hơi và điện, nhưng ngoài vụ mía các nhà máy phải mất thêm chi phí mua nhiên liệu đầu vào (gỗ, phụ phẩm nông, lâm nghiệp) dẫn đến chi phí sản xuất điện cao hơn, trong khi vẫn chỉ được áp dụng giá bán điện 7,03 UScents/kWh. Điều này phần nào gây ra sự thiệt thòi khi so sánh với các nhà máy điện năng lượng tái tạo khác (gió, mặt trời) không mất chi phí nhiên liệu đầu vào.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, các nhà máy điện năng lượng sinh học sẽ không thể cạnh tranh với các nhà máy điện năng lượng tái tạo khác (gió, mặt trời) có chi phí thấp hơn trong thị trường điện hiện tại (thị trường điện bán buôn) và thị trường điện tương lai (thị trường điện bán lẻ). Trở ngại lớn nhất đối với điện sinh khối là chi phí vốn đầu tư cao, trong khi chính sách khuyến khích mua điện chưa hấp dẫn đối với điện sinh khối, chưa có cơ chế mua bán chứng chỉ giảm phát thải CO2, khí nhà kính.

Tại Việt Nam, hiện tại các nhà máy điện sinh khối được áp dụng một trong hai cơ chế giá bán điện như sau: (i) giá FiT đồng phát nhiệt – điện: 7,03 UScents/kWh; (ii) giá FiT điện sinh khối: 8,47 UScents/kWh. Nhà máy điện sinh khối dùng nguyên liệu bã mía được xem là nhà máy điện đồng phát nên mặc định được áp dụng giá FiT theo công nghệ đồng phát. Tuy nhiên, biểu giá điện hỗ trợ (FiT) do Chính phủ ban hành tính đến nay vẫn chưa đủ hấp dẫn, dẫn đến việc chưa có nhiều nhà máy điện sinh khối được phát triển và xây dựng như các loại năng lượng tái tạo khác.

KINH NGHIỆM TRÊN THẾ GIỚI

Nghiên cứu bài học kinh nghiệm quốc tế về khung chính sách và các trường hợp thành công đối với sản xuất điện từ năng lượng sinh học tại các nước trên thế giới cho thấy, mức độ linh hoạt mà việc sản xuất điện từ năng lượng sinh học có thể đóng góp cho hệ thống điện phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ được sử dụng tại nhà máy. Các nhà máy khí sinh học sử dụng động cơ khí nên mang lại tính linh hoạt về mặt kỹ thuật cao hơn các hệ thống tuabin hơi chạy bằng sinh khối rắn.

Tuy nhiên, công nghệ được sử dụng lại phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu sinh khối sẵn có, trong khi đó, sử dụng sinh khối ướt sẽ thuận lợi hơn trong sản xuất khí sinh học. Ở Brazil và Thái Lan, các nhà máy sinh khối rắn phát điện theo mùa vụ cũng góp phần cân bằng lưới điện thông qua việc bổ sung cho thủy điện theo mùa vụ. Điều này phần nào cũng đã được áp dụng tại Việt Nam.

Mặt khác, các nhà máy khí sinh học thường phân tán, có quy mô nhỏ hơn và gần các nguồn sinh khối ở vùng nông thôn hơn. Các nhà máy này cũng góp phần ổn định lưới điện, nhưng lợi thế chủ yếu là tính linh hoạt về mặt kỹ thuật trong sản lượng sản xuất. Tất cả các hình thức linh hoạt như sử dụng động cơ khí, sự đa dạng về nguồn năng lượng sinh học theo chủng loại, mùa vụ và vùng miền, quy mô công suất nhỏ của các nhà máy điện sinh học… cũng phù hợp để áp dụng tại Việt Nam.

Xem xét các khung chính sách từ trước đến nay của các quốc gia được đánh giá, có thể rút ra một số kinh nghiệm: biểu giá FiT cố định thường đảm bảo tài chính ban đầu cho các nhà đầu tư; khi thị trường phát triển năng động, biểu giá FiT cố định có thể là một giải pháp tốn kém; nhiều quốc gia đã thành công tiến tới hệ thống đầu thầu cho Hợp đồng mua bán điện dài hạn, vừa ràng buộc vừa cởi mở về mặt công nghệ; các nhà máy quy mô nhỏ hơn (và phân tán) cần trợ cấp nhiều hơn.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 16-2023 phát hành ngày 17-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Điện sinh khối khó phát triển do thiếu chính sách hấp dẫn - Ảnh 1