15:53 19/08/2024

Định hướng chuyển đổi xanh mới nhất cho doanh nghiệp Việt

Khánh Huyền

Vừa qua, FPT IS đã phối hợp cùng EuroCham tổ chức hội thảo "From ESG Framework to Decarbonisation Plan". Tại đây, các chuyên gia cùng chia sẻ về bối cảnh và kinh nghiệm thực tế, giải pháp công nghệ giúp doanh nghiệp Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, chủ động tối ưu hóa quy trình sản xuất và triển khai các giải pháp giảm phát thải, tiến tới mục tiêu Net Zero theo các tiêu chuẩn ESG quốc tế…

Các chuyên gia trong lĩnh vực ESG tham dự hội thảo.
Các chuyên gia trong lĩnh vực ESG tham dự hội thảo.

Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 50 lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực vận tải, sản xuất… với sự xuất hiện của các diễn giả là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ESG.

Mở đầu sự kiện, ông Torben Minko - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã chia sẻ: “Để đạt được mục tiêu Việt Nam Net Zero năm 2050, không chỉ cần nỗ lực quốc gia mà còn phải có sự đóng góp từ từng ngành và doanh nghiệp như chủ động cải thiện quy trình sản xuất, triển khai các giải pháp giảm phát thải… Hiểu được nhu cầu này, EuroCham phối hợp với FPT IS tổ chức hội thảo nhằm cung cấp cái nhìn tổng quan về bối cảnh hiện tại và cách chúng ta có thể cùng nhau lập kế hoạch một lộ trình giảm phát thải rõ ràng và đạt được mục tiêu với chiến lược tích hợp”.

THỰC HÀNH CHUYỂN ĐỔI XANH - CHIẾN LƯỢC KINH DOANH BỀN VỮNG

Về bối cảnh toàn diện và các quy định quốc tế trong việc giảm phát thải, ông Dennis Quennet, Giám Đốc phát triển Kinh tế Bền vững tại GIZ Vietnam đã chia sẻ: “Theo Nghị viện châu Âu, EU cam kết nhằm giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 và đạt mục tiêu trung hòa khí carbon vào năm 2050. Cam kết này sẽ tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp Châu Âu và cả những doanh nghiệp có liên quan tới thị trường Châu Âu, tạo ra chuyển dịch bắt buộc với các doanh nghiệp trong hoạt động vận hành và báo cáo tuân thủ ESG bắt đầu từ năm 2025 hoặc 2026. Điều này có nghĩa là các công ty sẽ phải làm quen với ESG, bao gồm cả các công ty Việt Nam do quan hệ chuỗi cung ứng”.

Ông Dennis Quennet, Giám Đốc phát triển Kinh tế Bền vững tại GIZ Vietnam, trình bày tại hội thảo.
Ông Dennis Quennet, Giám Đốc phát triển Kinh tế Bền vững tại GIZ Vietnam, trình bày tại hội thảo.

Song song, ông Dennis Quennet cũng chia sẻ về lợi ích các doanh nghiệp nhận được, khẳng định đây là thời cơ tốt tạo nên bước đột phá trong kinh doanh: “Trong trung và dài hạn, việc đầu tư vào hoạt động ESG sẽ mang lại rất nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp có bước đi từ sớm. Bên cạnh việc chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng các quy định liên quan đến chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp có sự chuẩn bị sớm còn nắm lợi thế cạnh tranh nhờ nâng cao tính minh bạch và uy tín, quản lý rủi ro tốt hơn và giảm thiểu chi phí sản xuất về lâu dài”.

Ngay tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã ban hành các văn bản về định hướng chiến lược, kế hoạch hành động và các chương trình hành động ở cấp độ quốc gia, và từng ngành phù hợp với các cam kết quốc tế về phát triển bền vững trong suốt giai đoạn từ năm 2017 đến nay.

Ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng Giám đốc , Tư vấn, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam) - đơn vị với hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn về phát triển bền vững, hiện đang hỗ trợ cho các bộ ngành như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp,… chia sẻ rằng các cơ chế, chính sách và chương trình hỗ trợ cụ thể từ các cơ quan quản lý nhà nước là cần thiết để thúc đẩy và khuyến khích các doanh nghiệp triển khai mô hình sản xuất xanh và bền vững. Bên cạnh đó, chuyển đổi số được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở cả cấp độ quốc gia lẫn cấp độ doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng Giám đốc Tư vấn tại Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam) chia sẻ về yêu cầu chuyển đổi xanh.
Ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng Giám đốc Tư vấn tại Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam) chia sẻ về yêu cầu chuyển đổi xanh.

Trước bối cảnh yêu cầu doanh nghiệp buộc “chuyển mình” theo hướng chuyển đổi xanh, tại hội thảo, ông Thân Minh Ngọc - Phó Chủ tịch điều hành & Phó Giám đốc Khối Doanh nghiệp, FPT IS đã chia sẻ về ba thách thức lớn của các doanh nghiệp Việt trong quá trình thực hành bền vững, theo Báo cáo "Mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh" do Ban phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện cuối tháng 7.

Thứ nhất, về ngân sách, doanh nghiệp hiện còn nhiều băn khoăn, cân nhắc trong việc cân đối giữa chi phí đầu tư chuyển đổi xanh và lợi nhuận doanh nghiệp. Thứ hai, về nhân lực, tại Việt Nam có tới 46,8% doanh nghiệp thiếu nhân sự có chuyên môn về giảm phát thải, chuyển đổi xanh, trong khi quy định và tiêu chuẩn tại Việt Nam và thế giới thay đổi nhanh chóng. Thứ ba, giải pháp và công cụ. Hiện có tới 44,2% doanh nghiệp, chưa tìm được giải pháp công nghệ phù hợp. Nhiều doanh nghiệp Việt còn đang thực hiện quá trình đo đạc thủ công dẫn đến vấn đề sai sót, gian lận, không minh bạch dữ liệu.

CÔNG NGHỆ GIẢI QUYẾT LẰN RANH LỢI ÍCH VÀ CHI PHÍ, VẼ LỘ TRÌNH THỰC HÀNH GIẢM PHÁT THẢI HIỆU QUẢ

Để giải quyết bài toán nêu trên, ông Phạm Tuân - Đồng sáng lập giải pháp VertZéro, FPT IS nhận định, doanh nghiệp cần trả lời câu hỏi trọng tâm: Thực trạng giảm phát thải tại doanh nghiệp hiện nay là gì? Kế hoạch, mục tiêu theo mốc thời gian cụ thể trong tương lai? Xác định tác động tài chính tới kịch bản giảm phát thải để có ưu tiên phương án đầu tư phù hợp? Cách thức hợp tác nhà cung cấp giảm phát thải phù hợp doanh nghiệp là gì?

Phân tích, ông Tuân khẳng định công nghệ, dữ liệu là lời giải bởi hiện nay, khi thực hiện đo lường lượng phát thải, doanh nghiệp vẫn đang tính toán, theo dõi bằng file excel dẫn đến sai sót, gian lận. Nếu chúng ta không có sự giám sát theo dõi thực tế, quá trình giảm phát thải của doanh nghiệp sẽ chỉ Greenwashing (tẩy xanh) - nghĩa là chỉ đưa ra công bố, báo cáo không chính xác, đánh lừa người tiêu dùng và khách hàng mà thực chất không thực hành xanh. Ông Tuân giới thiệu bộ đôi phương pháp triển khai ESG tiêu chuẩn SBTi và MACC.

Ông Phạm Tuân - Đồng sáng lập giải pháp VertZéro, FPT IS, chia sẻ sáng kiến giúp doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh.
Ông Phạm Tuân - Đồng sáng lập giải pháp VertZéro, FPT IS, chia sẻ sáng kiến giúp doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh.

SBTi (Science Based Targets initiative) là sáng kiến của Liên hợp quốc (UN Global Compact), Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) và Carbon Disclosure Project (CDP). SBTi cung cấp các mục tiêu giảm phát thải dựa trên khoa học cho các doanh nghiệp và tổ chức. Việc thiết lập mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học đã trở thành một phần trong hoạt động báo cáo hàng năm của các công ty và cơ sở dữ liệu cho các nhà đầu tư tổ chức thông qua việc đưa vào bảng câu hỏi và tính điểm CDP.

Song song, MACC - Đường cong chi phí giảm thải là một công cụ phân tích kinh tế giúp xác định các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính với chi phí thấp nhất. Mô hình MACC mô hình thông dụng được sử dụng bởi World Bank và ngân hàng lớn. Theo ông Tuân, hiểu rõ lợi ích MACC đem lại, FPT IS đã nghiên cứu và cho ra đời giải pháp VertZéro - công cụ kiểm kê khí nhà kính đầu tiên tại Việt Nam sử dụng MACC.

VertZéro giúp doanh nghiệp có thể xác định ranh giới, và đo lường mức độ phát thải theo 3 phạm vi; bóc tách phát thải đa chiều và truy cập vào hệ số phát thải toàn cầu. Từ đó, doanh nghiệp có căn cứ để đặt mục tiêu giảm phát thải và theo dõi phát thải theo thực tế. Khi đã minh bạch hóa thông tin, giải pháp giúp doanh nghiệp tiến hành tạo lập báo cáo kiểm kê khí nhà kính tuân thủ theo các quy định của: Nghị định 06/2022/NĐ-CP, ISO14064, GHG Protocol, IPCC... Với VertZéro, tổ chức nắm trong tay chìa khóa tự động hóa quá trình kiểm kê khí nhà kính từ: Tuân thủ quy định và tiêu chuẩn, Cập nhật hệ số phát thải, Kết nối dữ liệu từ nhà cung cấp, Tự động tạo báo cáo.

Với cam kết và đồng hành từ FPT IS, EuroCham, EY Việt Nam và GIZ Vietnam hy vọng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiến nhanh trên con đường hiện thực hóa mục tiêu Net Zero, tạo bước nhảy vọt trong kinh doanh và góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia, toàn cầu.