14:00 28/08/2023

Doanh nghiệp ẩm thực chọn hướng đi bền vững

Lưu Hà

Ngành sản xuất thực phẩm và đồ uống thường chịu các tác động lớn khi biến đổi khí hậu phá vỡ chuỗi cung ứng, giảm nguồn cung nguyên liệu. Điều này thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp hướng hoạt động sản xuất và kinh doanh theo chiến lược bền vững...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Báo cáo nghiên cứu của The Business Research Company phát hành vào tháng 1/2023 dự báo thị trường thực phẩm và đồ uống được kỳ vọng sẽ hồi phục và quy mô dự kiến tăng lên hơn 9.225 tỷ USD vào năm 2027 với tốc độ tăng trưởng bình quân 6,3%. Xét về tính bền vững, thực phẩm và đồ uống hiện cũng là một trong những ngành dẫn đầu.

Theo nghiên cứu của ESG EcoVadis, trên 46.000 công ty trong ngành này có số điểm là 48,9; nằm trong Top 3 ngành có điểm số cao nhất cho các vấn đề môi trường và điểm bền vững tổng thể, cùng với ngành xây dựng và tài chính, pháp lý và tư vấn.

TÍN HIỆU TÍCH CỰC TỪ DOANH NGHIỆP XANH

Mặc dù nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó khăn, song vẫn có những tín hiệu tích cực đến từ một số doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm, đồ uống tại TP.HCM. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Lương thực thực phẩm Colusa – Miliket, cho biết tính chung 5 tháng đầu năm 2023, doanh thu xuất khẩu của công ty tới 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tăng trưởng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng cao.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, các nhà sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống tại TP.HCM đã thích ứng nhanh với những thay đổi thói quen tiêu dùng. Thông tin từ Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) cho biết, trong năm 2022, nhờ xanh hóa quy trình sản xuất nên doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp tăng hơn 60% so với kế hoạch. Từ đầu năm 2023 đến nay, ngoài duy trì thị phần tại Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á, doanh nghiệp đã tăng thêm đơn hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Trung Quốc.

Xét về tính bền vững, thực phẩm và đồ uống hiện cũng là một trong những ngành dẫn đầu.
Xét về tính bền vững, thực phẩm và đồ uống hiện cũng là một trong những ngành dẫn đầu.

Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta Hồ Quốc Lực chia sẻ, nhờ nỗ lực thực hiện chuyển đổi xanh, Công ty đã mở rộng mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững, nâng cấp các chuỗi giá trị trong hệ thống thức ăn thủy sản. Công ty cũng đáp ứng được mọi yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch từ phía EU nhờ quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tốt, sản xuất theo chuỗi giá trị, kiểm soát được mọi khâu trong sản xuất, chế biến.

“Xu hướng sử dụng thực phẩm của người tiêu dùng thế giới không những có lợi cho sức khỏe mà còn yêu cầu doanh nghiệp hướng đến sản xuất xanh để phát triển bền vững. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Hồ Quốc Lực nhấn mạnh.

Theo nghiên cứu của Euromonitor International, ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam được xếp vào một trong các thị trường hấp dẫn nhất trên toàn cầu, và đứng thứ 10 châu Á. Chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống của người Việt chiếm tỷ trọng thu nhập cao (khoảng 35%), và những người tiêu dùng này ngày càng giàu lên.

Báo cáo gần đây cho thấy, ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kép hàng năm lên tới 8,65% trong giai đoạn 2021 – 2026. Chính phủ lựa chọn đây là một trong những nhóm ngành công nghiệp chủ lực cần được ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2025 - 2035.

Riêng tại TP.HCM, từ đầu năm 2023 đến nay, ngành chế biến lương thực thực phẩm đã khẳng định được vai trò trụ cột khi là 1 trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu duy trì mức tăng trưởng hơn 7%, chiếm 13,78% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đóng góp 13,69% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 35-2023 phát hành ngày 28-08-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây.

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Doanh nghiệp ẩm thực chọn hướng đi bền vững - Ảnh 1