08:15 17/02/2025

Doanh nghiệp bán lẻ: Cạnh tranh khốc liệt giành thị phần

Lưu Hà

Cam kết của Chính phủ trong việc thúc đẩy nền kinh tế số và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng đang tạo ra nền tảng vững chắc cho đổi mới bán lẻ, từ đó mang lại cho các công ty nước ngoài sự tự tin để đầu tư và phát triển bền vững tại Việt Nam...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy năm 2024, ngành bán buôn - bán lẻ nằm trong 4 ngành dẫn đầu thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt gần 1,41 tỷ USD. Xét về dự án, bán buôn - bán lẻ là ngành dẫn đầu về số dự án mới và số lượt giao dịch góp vốn mua cổ phần chiếm 40,9%. Đáng chú ý, đầu năm 2025, kênh bán lẻ hiện đại càng thêm sôi động với sự gia nhập của các siêu thị, trung tâm thương mại của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đây là những minh chứng cho thấy sức bật vươn mình của thị trường bán lẻ Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, ngành bán lẻ Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ và đầy tiềm năng. Cả nước hiện có 1.080 siêu thị, 240 trung tâm thương mại, 8.500 chợ truyền thống cùng hàng nghìn cửa hàng tiện lợi và khoảng 2,2 triệu hộ kinh doanh cá thể.

THỊ TRƯỜNG NGÀY CÀNG SÔI ĐỘNG

Từ cuối năm 2024 đến nay, nhiều nhà bán lẻ đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore đã hiện thực hóa mục tiêu mở rộng tại thị trường Việt Nam. Công ty TNHH AEON Việt Nam vừa tổ chức lễ khởi công dự án tại tỉnh Long An. Đây là trung tâm thương mại thứ 8 tại Việt Nam của AEON Việt Nam và là trung tâm thương mại AEON đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2025.

Trong khi đó, Central Retail của Thái Lan đã cam kết đầu tư thêm 1,45 tỷ USD vào Việt Nam để tăng gấp đôi số lượng cửa hàng, từ 300 lên 600 vào năm 2027. Một nhà bán lẻ lớn khác đến từ Thái Lan là MM Mega Market Việt Nam gần đây khai trương kho cung ứng thứ 5 tại Sa Pa (Lào Cai).

Vài năm trở lại đây, MM Mega Market Việt Nam liên tục mở rộng các trạm trung chuyển hàng hóa, các kho cung ứng thực phẩm từ Nam ra Bắc. Chiến lược này nhằm tăng chất lượng sản phẩm, đa dạng nguồn cung ứng cho khách hàng và mở rộng cả mảng xuất khẩu hàng hóa ra khu vực.

Những điều này phản ánh tầm nhìn dài hạn của các tập đoàn nước ngoài đối với thị trường bán lẻ Việt Nam, vốn đang ngày càng trở nên sôi động. Tuy nhiên, có thể thấy các doanh nghiệp nội địa đã phản công rất quyết liệt. Saigon Co.op, Satra vẫn trụ vững và phát triển. Các chuỗi cửa hàng WinCommerce và Bách hóa Xanh cũng trong cuộc đua mở rộng mạng lưới cửa hàng với tốc độ nhanh chóng: WinCommerce với mục tiêu đạt 10.000 cửa hàng vào năm 2030, Bách Hóa Xanh dự kiến mở thêm 100 cửa hàng trong năm tới, bao gồm cả miền Trung và miền Bắc.

Kênh bán lẻ hiện đại càng thêm sôi động với sự gia nhập của các siêu thị, trung tâm thương mại của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Kênh bán lẻ hiện đại càng thêm sôi động với sự gia nhập của các siêu thị, trung tâm thương mại của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Có thể nói, hiện sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ là cuộc chiến giữa doanh nghiệp nội với doanh nghiệp ngoại, giữa doanh nghiệp nội với nhau cũng như giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với nhau, giữa hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại với thương mại điện tử và giữa siêu thị, thương mại điện tử với chợ truyền thống...

Sự cạnh tranh khốc liệt này đã đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc và định hình lại thị trường, buộc các doanh nghiệp không ngừng tìm kiếm những giải pháp mới để giảm chi phí, tối ưu hóa hoạt động và nâng cao trải nghiệm nhằm thu hút và giữ chân khách hàng.

Những ngày đầu năm nay, siêu thị Co.opMart Hà Đông (Hà Nội) gần như “thay áo mới” khi mở rộng khu thực phẩm, khu ăn uống... Cũng trong xu hướng mở rộng quy mô, hàng loạt siêu thị WinMart đã được cải tạo, nâng cấp, với không gian mua sắm rộng rãi, tiện nghi.

AEON Việt Nam thì đưa vào hoạt động Trung tâm Bách hóa Tổng hợp và Siêu thị AEON Xuân Thủy tích hợp khu giải trí, ẩm thực, khu cửa hàng chuyên doanh, siêu thị… Trước đó, Saigon Co.op cũng khai trương siêu thị Finelife Foodstore Lumière An Phú tại TP. Thủ Đức. Đây là chuỗi siêu thị cao cấp có thiết kế khu vực thư giãn dành riêng cho khách hàng và trang bị máy tính tiền tự động…

Ông Lâm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc Satra, nhìn nhận, thị trường bán lẻ hiện nay cạnh tranh khốc liệt khi có sự hiện diện ngày càng nhiều các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực lớn. Do vậy, doanh nghiệp Việt cần tận dụng những lợi thế sân nhà, hiện đại hóa hệ thống sẵn có, tạo sự khác biệt để có thể cạnh tranh tốt. Đơn cử như thiết kế nhiều chương trình ưu đãi, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, học tập, chăm sóc sức khỏe ngay tại các trung tâm thương mại. Nâng cao trải nghiệm của khách hàng bằng công nghệ tiên tiến như quầy thanh toán không tiền mặt, máy tính tiền tự động, quầy giữ đồ thông minh...

Nhận xét tổng quan về thị trường bán lẻ Việt Nam, theo số liệu của ngành Công thương năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam ước khoảng 350 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2023...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7-2025 phát hành ngày 17/2/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1258

Doanh nghiệp bán lẻ: Cạnh tranh khốc liệt giành thị phần - Ảnh 1