Doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược trong đại dịch
Đại dịch Covid còn diễn biến khó lường và tác động không chỉ trong thời gian ngắn, vì vậy “lắng nghe”, theo dõi nền kinh tế, nhất là “lắng nghe” thị trường để điều chỉnh chiến lược phát triển doanh nghiệp cho tương lai…
Tại “Diễn đàn trực tuyến: Sáng tạo kinh doanh trong môi trường biến đổi”, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Chỉ riêng làn sóng Covid-19 thứ 1 và 2, khảo sát với 10.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên 63 tỉnh thành của VCCI, cho thấy có đến 87,2% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Tính riêng năm 2020, 65% doanh nghiệp tư nhân và 62% doanh nghiệp FDI cho biết doanh thu giảm so với năm 2019. Mức giảm doanh thu trung bình khu vực tư nhân là 36%, khu vực FDI khoảng 34%.
Tuy nhiên, trong diễn biến mới hiện nay, đặc biệt khi làn sóng Covid-19 thứ tư xảy ra, bức tranh doanh nghiệp lại ảm đảm hơn nhiều. 8 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ đạt 3.044,5 nghìn tỷ đồng, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 8 ước tính đạt 279,8 nghìn tỷ đồng, giảm 33,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tại các vùng nguyên liệu, doanh nghiệp khó thu mua, thiếu lái xe, phương tiện vận chuyển. Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất. Số ít thực hiện mô hình sản xuất “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến” thì công suất thấp do thiếu nhân lực, chi phí rất lớn. Thiệt hại lớn khi bị phạt hợp đồng do chậm tiến độ giao hàng, bị hủy đơn hàng.
Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trung bình mỗi tháng có gần 11.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. “Những con số này vẫn chưa đủ để nói nên những khó khăn của doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại”, ông Thạch nhấn mạnh.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, trong hai tháng qua, nền kinh tế của TP.HCM chỉ hoạt động dưới 20%. Hầu hết các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất gần như nghỉ việc vì không có điều kiện làm 3T. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất cũng chỉ có 18% hoạt động, chứng tỏ sức ảnh hưởng ghê gớm của đại dịch.
Đến nay, công tác an sinh xã hội của TP.HCM phải giải quyết trên 5 triệu người (gần một nửa dân số thành phố), đang trông chờ từng ngày trợ cấp, trong đó số lượng người lao động, công nhân rất lớn.
Coi doanh nghiệp là “chiến sỹ” tuyến đầu trong phục hồi kinh tế
Đã đến lúc doanh nghiệp bàn bạc xem phải phục hồi như thế nào. Chúng ta cần nhận thức nghiêm túc, mỗi một doanh nhân, mỗi một người lao động của mỗi doanh nghiệp trong công cuộc phục hồi kinh tế này cũng là một “chiến sỹ” trong tuyến đầu phục vụ đất nước. Tinh thần đó của Chính phủ, chính quyền các cấp đối với các “chiến sỹ doanh nhân” cũng cần được hâm nóng ấm như đã làm với các chiến sỹ tuyến đầu (y bác sỹ) trong mặt trận phòng chống dịch.
Như Thủ tướng đã nói “lợi ích cùng hưởng, rủi ro cùng chia sẻ”, doanh nghiệp thấy ấm lòng khi nghe câu nói này. Nhưng làm sao hệ thống của Nhà nước, của các cơ quan bộ ngành thấm được tư tưởng này, để tin và đồng hành cùng doanh nghiệp. Nếu không phục hồi sản xuất thì an sinh không tốt được.
Các vấn đề về tài khoá, tài chính, tín dụng, ngân hàng… phải thấm quan điểm “cùng chia sẻ rủi ro” và cùng đồng hành với doanh nghiệp thực sự, khi ấy những chính sách mới sát thực tiễn.
An toàn của doanh nghiệp là trên hết chứ không trông chờ Nhà nước. An toàn là mục tiêu hàng đầu. mong rằng Nhà nước phải tin doanh nghiệp. Việc cấp giấy đi đường coi doanh nghiệp như lạng lách – tư duy này phải bỏ.
Cần coi doanh nghiệp như ra tuyến đầu cần được hỗ trợ. Tất cả phải thay đổi, thay đổi mạnh mẽ và cần huy động mọi nguồn lực để giúp doanh nghiệp thay đổi phù hợp với phương thức mới nhằm sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Vaccine công nghệ dành cho cộng đồng doanh nghiệp
Chúng ta xác định vaccine là vũ khí thì đối với doanh nghiệp cũng cần vaccine. FPT đã đưa liều vaccine đầu tiên cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động online phải cần những gì để đứng vững qua mùa dịch, làm sao giải được bài toán tối ưu năng suất và tiết kiệm chi phí.
Trong quá trình làm việc qua mạng Internet, doanh nghiệp phải cần có hệ thống giao việc và nhận việc chất lượng. Hình thức giao việc bằng giấy đã không còn phù hợp, thiếu hiệu quả nhất là trong đại dịch như hiện nay.
Làm việc từ xa, không nhìn thấy nhau đặt ra yêu cầu doanh nghiệp cần phải có công cụ quản lý năng suất lao động. Doanh nghiệp cần hệ thống nhằm liên lạc với khách hàng và trao đổi giữa các nhân viên với nhau.
Do đó, công ty đã cho ra đời loại vaccine “eCovax1”. Đây sẽ là vaccine đáp ứng ba tiêu chí: không chạm, không gián đoạn và không bị động. “Mũi tiêm” đầu tiên này sẽ dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và triển khai miễn phí trong năm đầu tiên.
Theo tôi, chúng ta không thể nào sống “zero Covid” mà phải sống chung với Covid, doanh nghiệp cũng vậy.
Doanh nghiệp lùi một bước để tiến hai bước
Nói “sống chung ” với dịch nghe có vẻ không hợp lý, bởi các doanh nghiệp, ngoài việc ứng phó với dịch bệnh thì còn phải ứng phó với chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp khác cũng liên đới ảnh hưởng tới mình, hay các quy định của các tỉnh, thành ảnh hưởng tới mình. Như vậy, có rất nhiều sự biến đổi, các chính sách các tỉnh, thành cũng khác nhau, quy định tiêm vaccine cũng khác nhau. Việc chủ động đối phó với dịch bệnh vì thế hơi khó.
Vấn đề hiện nay là cần cố gắng giảm thiểu thiệt hại, giúp doanh nghiệp không bị đóng cửa. Chỉ 15% doanh nghiệp hoạt động bình thường, còn 50% doanh nghiệp đóng cửa là con số khá sốc. Có thể nhận thấy tác động của dịch bệnh rất nặng nề, nó không chỉ trong quý 3 mà cả quý 4, thậm chí kéo dài sang cả năm sau.
Do đó, chắc chắn doanh nghiệp phải lên kịch bản cho mô hình kinh doanh hiện tại cũng như tương lai. Mô hình kinh doanh hiện tại, về ngắn hạn, chúng ta phải đảm bảo hoạt động kinh doanh ít nhất không bị đổ vỡ, không đặt mục tiêu lớn.
Nếu kịch bản giữa năm sau dịch bệnh được kiểm soát tốt, thì chính những doanh nghiệp ngày hôm nay lùi một bước khi đó có thể tiến hai, ba bước. Tức là cơ hội với doanh nghiệp vẫn nhiều trong phát triển, tiến bước. Đây là mục tiêu phát triển bền vững.