Doanh nghiệp Slovenia muốn đầu tư vào Việt Nam
Slovenia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất trong số các thành viên mới của EU
“Slovenia muốn tăng mạnh quan hệ thương mại với Việt Nam”, đó là khẳng định của ông Zdravko Pocicalsek, Bộ trưởng Bộ Công Thương Slovenia khi trao đổi với VnEconomy bên lề chuyến đi tìm hiểu môi trường đầu tư của đoàn doanh nghiệp Slovenia tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương Việt Nam, trong những năm qua quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Slovenia tăng hơn 10 lần trong vòng 9 năm từ năm 2005 đến năm 2014.
Đặc biệt, năm 2013 tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 59,92 triệu USD và sang năm 2014 đã tăng gấp đôi lên 125,3 triệu USD.
Trong 5 tháng đầu năm 2015,tổng kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt mức hơn 76 triệu USD.
Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Slovenia gồm hải sản, cà phê, gạo, túi xách, va li, mũ, ô dù, giày dép, dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm mây, tre, cói thảm...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, từ tháng 6/2015, khi hiệp định hợp tác kinh tế Việt Nam - Slovenia vừa được ký kết chính thức có hiệu lực, sẽ là tiền đề cơ bản để các nhà đầu tư Slovenia bước chân vào thị trường Việt Nam.
Theo ông Zdravko Pocicalsek, Slovenia là quốc gia có nền kinh tế phát triển cao với thu nhập bình quân đầu người cao nhất trong số các thành viên mới của Liên minh Châu Âu (EU).
Đặc trưng của nền kinh tế Slovenia là tính chất mở cửa với khoảng khoảng 2/3 trao đổi thương mại của Slovenia là với các nước thành viên EU, do đó hàng hoá Việt Nam hoàn toàn có thể đi qua Slovenia để vào EU.
Đại diện tập đoàn Gorenje (Slovenia) cho biết, Gorenje là doanh nghiệp đầu tiên của Slovenia đặt vấn đề đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam, tuy nhiên chưa tìm được đối tác đáp ứng yêu cầu. Hy vọng đây sẽ là tiền đề cho mặt hàng gia dụng của Slovenia thâm nhập sâu hơn vào thị trường ASEAN cũng như châu Á.
Bộ trưởng Zdravko Pocicalsek nhấn mạnh, Slovenia nhận thấy có nhiều lợi thế, cơ hội hợp tác trong giới doanh nghiệp hai nước với các lĩnh vực như công nghiệp nặng, vận tải biển, logistic.
Tuy nhiên, nước này cũng mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như quản lý nước và chất lượng nước, công nghệ sinh học, công nghệ nano... vì đây là những thế mạnh của Slovenia tại thị trường EU.