09:39 30/09/2024

Doanh nghiệp Việt tăng trách nhiệm tái chế

Lưu Hà

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đã yêu cầu doanh nghiệp bắt buộc phải chịu trách nhiệm thu gom, tái chế rác thải phát sinh từ sản phẩm của mình. Từ đó, nhu cầu tái chế tăng cao, nhà tái chế cũng có thêm nguồn lực hỗ trợ...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới, ước tính Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD mỗi năm vì không tái chế hết rác thải nhựa từ sinh hoạt. Còn chất thải hữu cơ ước tính lãng phí hơn 30 tỷ USD mỗi năm khi gần 70% không được tái chế. Vì vậy, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (gọi tắt là EPR), nhà nhập khẩu được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra giải pháp hiệu quả về tài chính cho xử lý vấn đề chất thải, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế.

KHÔNG CHỈ LÀ TRÁCH NHIỆM

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được quy định tại Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08 của Chính phủ. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2024, các nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện tử, dầu nhớt và các loại bao bì phải thực hiện tái chế hoặc đóng phí hỗ trợ hoạt động tái chế chất thải. Các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025 và doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ôtô, xe máy) thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027. 

Theo các chuyên gia, EPR không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty CP Nhựa tái chế Duy Tân, nhấn mạnh EPR chính là lợi thế cạnh tranh quốc gia, là “chứng chỉ xanh” để doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường lớn và tiêu chuẩn cao. Hiện mỗi ngày, Duy Tân thu gom khoảng 180 tấn rác thải nhựa để tái chế. Doanh nghiệp này đã xuất khẩu 60% sản lượng hạt nhựa tái chế của mình sang Mỹ và châu Âu.

Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam cũng đang tích cực cộng tác cùng các nhà thu gom như Công ty cổ phần VietCycle (VietCycle), nhà tái chế như Duytan Recycling để thúc đẩy tuần hoàn nhựa, vốn là cơ chế chuẩn bị cho việc thực hiện quy định EPR. Cùng với đó, công ty này đang nghiên cứu cải tiến thiết kế bao bì nhằm đưa khả năng tái chế lên trên tỷ lệ 63% hiện tại. Đại diện Unilever Việt Nam thông tin hiện công ty này đã giảm được 52% nhựa nguyên sinh và sử dụng nhựa PCR trong sản xuất, đã có hơn 25.000 tấn nhựa được thu gom và tái chế.

EPR chính là lợi thế cạnh tranh quốc gia, là “chứng chỉ xanh” để doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường lớn và tiêu chuẩn cao.
EPR chính là lợi thế cạnh tranh quốc gia, là “chứng chỉ xanh” để doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường lớn và tiêu chuẩn cao.

Tháng 8 vừa qua, MM Mega Market Việt Nam đã bắt tay với Nhà máy thủy tinh O-I BJC Việt Nam, nhằm triển khai các trạm thu gom rác thải thủy tinh tại các trung tâm MM An Phú (Quận 2), MM Hiệp Phú (Quận 12), và MM Bình Phú (Quận 6), TP.HCM. Dự án này được MM Mega kỳ vọng là bước tiến quan trọng, đóng góp tích cực vào kế hoạch của Viện Chiến lược - Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Qua đó, hệ thống siêu thị cũng mong muốn khuyến khích khách hàng chung tay cùng doanh nghiệp, duy trì thói quen phân loại rác thải thủy tinh đúng cách và an toàn trong hoạt động mua sắm và tiêu dùng hàng ngày.

Tuy nhiên, ông Bùi Khánh Nguyên, Phó Tổng giám đốc Đối ngoại, Truyền thông và Phát triển bền vững của Coca-Cola Việt Nam, cho biết để thu gom vật liệu theo đúng yêu cầu, công ty phải có chiến dịch hỗ trợ cho đội ngũ thu gom không chính thức. Ngoài ra, việc thu gom và tái chế cũng cần có quy trình rõ ràng để mỗi chai nhựa, bao bì sản phẩm bán ra sẽ được thu lại tái chế nhưng không làm tăng giá thành sản phẩm. Thách thức với các doanh nghiệp làm sao đảm bảo việc tái chế không gây hại ra môi trường nhưng vẫn không tạo sức ép lên người tiêu dùng. Đây là bài toán khó.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã khảo sát các doanh nghiệp vừa và nhỏ về mức độ sẵn sàng thực hiện chính sách EPR. Kết quả khảo sát cho thấy, 93,55% doanh nghiệp có nhận thức ban đầu và đầy đủ về trách nhiệm thu gom, tái chế và xử lý chất thải. Hầu hết các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng trách nhiệm bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và tạo dựng hình ảnh thân thiện hơn với khách hàng...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 40-2024 phát hành ngày 30/9/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Doanh nghiệp Việt tăng trách nhiệm tái chế - Ảnh 1