17:16 01/11/2021

Doanh nghiệp xây dựng càng làm càng thua lỗ

Phan Nam

Do tác động của đại dịch Covid, các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản đã gặp rất nhiều khó khăn như: đứt gãy chuỗi cung ứng, hoạt động bị ngưng trệ, dự án dừng thi công, giao dịch bất động sản giảm mạnh… Những khó khăn này đã được Bộ Xây dựng tổng hợp tại báo cáo triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh.

Thống kê của Bộ Xây dựng, cho thấy tại nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương… các doanh nghiệp bất động sản đã phải tạm dừng hoạt động nên hầu như các dự án đều bị ngưng trệ. Trong quý 3 vừa qua, không có dự án mới nào được hoàn thành và mở bán. Các sản phẩm bất động sản chào bán trên thị trường chủ yếu là nguồn cung từ giai đoạn trước. 

THỊ TRƯỜNG CÓ HIỆN TƯỢNG "ĐÓNG BĂNG TẠM THỜI"

Hoạt động đi lại, thực hiện thủ tục kinh doanh, giao dịch của doanh nghiệp, người dân đã không thể triển khai được, khiến lượng giao dịch bất động sản thành công giảm mạnh. Ở nhiều khu vực, thị trường có hiện tượng “đóng băng tạm thời”. Nhìn chung, tỷ lệ hấp thụ các loại bất động sản nhà ở trung bình chỉ đạt khoảng 40%-50 lượng chào bán.

“Trong khi đó, cùng với sự khó khăn, thậm chí đứt gãy trong sản xuất, cung ứng nguyên nhiên vật liệu… giá đầu vào của các dự án bất động sản tăng nhanh. Có thời điểm, giá sắt thép đã tăng xấp xỉ 30-40% so với cuối năm 2020. Các loại vật liệu xây dựng khác cũng tăng, như: giá nhựa đường tăng 9-10%; giá xi măng tăng 3-5%... Từ đó, làm tăng giá bán của hầu hết các loại hình, phân khúc bất động sản và càng làm tăng thêm khó khăn đối với công tác giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng có thu nhập thấp”, báo cáo của Bộ Xây dựng chỉ rõ.

Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết hiện nay dịch bùng phát ở hầu hết các quốc gia, nên các vật tư, vật liệu phải nhập khẩu đang có nguy cơ thiếu hụt, tăng giá, kéo dài thời gian giao nhận hàng. Mặt khác, việc hạn chế đi lại, thông quan hàng hóa tại các quốc gia cũng dẫn đến thời gian lưu kho bãi đối với hàng hóa xuất khẩu kéo dài, nhân công bốc xếp, vận tải hàng hóa bị đình trệ, ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của đơn vị sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng. Ở Việt Nam, theo ông Đinh Hồng Kỳ, Phó chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng, cước vận tải đã tăng từ 4-5 lần trong đại dịch mà mỗi tỉnh thành đều có quy định khác nhau, không có sự nhất quán trong chỉ đạo giữa Trung ương với các địa phương, tình trạng “trên bảo dưới không nghe” khá phổ biến. 

Tại một số tỉnh, thành phố có số ca nhiễm lớn, do vật liệu xây dựng, cấu kiện xây dựng, thiết bị vật tư… không phải là các dịch vụ thiết yếu nên không thể vận chuyển đến công trường. Bên cạnh đó, đặc thù của ngành xây dựng là nơi làm việc không cố định, công nhân xây dựng được huy động từ nhiều địa phương khác nhau. Vì vậy, một số lượng lớn công nhân do tình hình dịch bệnh đã di chuyển về quê, nhất là lao động tự do, nên không đủ nguồn nhân lực cho công trường. Dự kiến, việc huy động nhân công để tiếp tục thi công sẽ mất nhiều thời gian, chi phí, gây độ trễ. 

Không ít doanh nghiệp đã thực hiện “ba tại chỗ” nhưng khó có thể duy trì sản xuất nếu dịch bệnh kéo dài, vì không tiêu thụ được sản phẩm, thiếu vốn lưu động, thiếu kho chứa sản phẩm, thiếu nguyên vật liệu sản xuất do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chi phí cho công nhân thực hiện cao, giá thành sản phẩm cao, quá khả năng chịu đựng của doanh nghiệp. 

BỘ XÂY DỰNG SẼ ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP

Có thể thấy, chi phí đầu tư xây dựng đang tăng cao do khó khăn về nguồn cung ứng vật liệu, nhân công, máy và thiết bị thi công, cũng như những chi phí phát sinh khác (như việc dừng thi công xây dựng làm phát sinh chi phí; bổ sung các chi phí cho công tác phòng, chống dịch…). Thời gian thi công xây dựng công trình kéo dài, ảnh hướng đến tiến độ và hiệu quả của dự án. 

“Đối với các hợp đồng xây dựng theo đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói, việc không được điều chỉnh do biến động giá tăng/giảm hoặc không được thanh toán các chi phí phát sinh sẽ dẫn đến tình trạng càng làm càng thua lỗ. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư, thiết bị, máy thi công, nhân công xây dựng làm chi phí đầu vào tăng cao, năng suất lao động trên công trường giảm nghiêm trọng dẫn đến chi phí thi công thực tế vượt xa hạn mức dự tính tại thời điểm đấu thầu, ký kết hợp đồng”, lãnh đạo Bộ Xây dựng nhận định. 

Cũng theo Bộ Xây dựng, việc thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh, thành khiến cho thời gian ngừng thi công kéo dài, còn tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội và công tác giải ngân vốn đầu tư công; ảnh hưởng đến việc cân đối ngân sách, điều chỉnh vốn đầu tư; kế hoạch đầu tư cho từng dự án để bảo đảm thực hiện chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật trọng yếu phục vụ phát triển kinh tế (như đường bộ cao tốc, Sân bay Long Thành…).

Đối với việc xây dựng bệnh viện dã chiến theo lệnh khẩn cấp sử dụng vốn đầu tư công còn vướng mắc liên quan đến việc lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án khẩn cấp chưa quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện… Một số công trình xây dựng do các bộ quản lý xây dựng tại các địa phương phục vụ mục đích chống lũ trong mùa mưa bão cũng đang gặp khó khăn, đình trệ. Theo phản ánh của nhiều đơn vị quản lý, những tác động trên đã ảnh hưởng trực tiếp và có tác động lớn đến thực hiện các cam kết trong hợp đồng giữa các chủ thể, đặc biệt là các hợp đồng xây dựng sử dụng các nguồn vốn nhà nước như: phá vỡ tiến độ thực hiện hợp đồng; phát sinh nhiều chi phí và chi phí để thực hiện hợp đồng tăng cao…

Trước tình hình trên, nhằm thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và biến động của giá thép đến các hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng đã có Văn bản gửi các cơ quan liên quan và các địa phương đề nghị: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các sở xây dựng thường xuyên theo dõi kịp thời cập nhập, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp; các cơ quan liên quan đánh giá tác động của Covid-19 và biến động giá vật liệu xây dựng chủ yếu là thép xây dựng.

Từ đó, đề xuất các giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động tiêu cực từ tăng giá thép để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công xây dựng. Hiện Bộ Xây dựng đang tổng hợp thông tin báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng.  Bộ Xây dựng cũng triển khai nhiều giải pháp, trong đó có thành lập tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid–19 của Bộ Xây dựng.

“Tổ công tác có nhiệm vụ chỉ đạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, tích cực nắm bắt, trao đổi, tiếp cận thông tin và kịp thời có các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Đồng thời, hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19”. Tăng tính chủ động, tự chủ và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp. Thực hiện rà soát, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không tạo ra “giấy phép con” làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, sinh hoạt của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra...”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho biết.