Doanh số bán hàng tụt dốc, Kering mua 30% cổ phần của Valentino
Chỉ hai ngày sau khi tập đoàn LVMH ký gói bảo trợ lên đến 166 triệu USD Mỹ cho Olympic Paris 2024, tập đoàn Kering đã mạnh tay chi 1,87 tỷ USD để mua lại 30% cổ phần của thương hiệu Valentino từ tay tập đoàn sở hữu hiện tại Mayhoola…
Thỏa thuận này bao gồm quyền tùy chọn cho Kering để mua 100% cổ phần của Valentino trước năm 2028. Trong khi đó, Mayhoola, công ty cũng sở hữu Balmain và Pal Zileri, cuối cùng có thể trở thành nhà đầu tư vào Kering như một phần của quan hệ đối tác rộng lớn hơn. Kering cho biết trong một tuyên bố: “Giao dịch này là một phần của quan hệ đối tác chiến lược rộng lớn hơn giữa Kering và Mayhoola, điều này có thể dẫn đến việc Mayhoola trở thành cổ đông của Kering”.
Giới quan sát đánh giá, đây là quyết định cẩn trọng mà Kering đưa ra nhằm củng cố lại địa vị xa xỉ đang dần bị tuột dốc. Kering hôm thứ Năm tuần trước đã báo cáo lợi nhuận ròng giảm 10% trong nửa đầu năm xuống còn 1,97 tỉ USD Mỹ. Trong khi tổng doanh thu tăng 2% lên 11,1 tỉ USD, nhưng doanh số của thương hiệu lớn nhất là Gucci lại giảm 1%.
Theo Financial Times, đầu tháng này, Kering cũng đã công bố một cuộc cải tổ nhân sự tại Gucci khi thay thế giám đốc điều hành. Mục tiêu hiện tại của tập đoàn Kering là hướng các thương hiệu của mình đến giới siêu giàu với phong cách “xa xỉ thầm lặng” (quiet luxury). Điều này bắt nguồn từ việc tập đoàn đã chứng kiến sức tăng trưởng vượt bậc của Saint Laurent, thương hiệu trung thành với sự tối giản và cổ điển, và Alexander McQueen, thương hiệu luôn có biên lợi nhuận cao nhờ những sản phẩm chất lượng.
Bottega Veneta cũng đã chuyển biến để đề cao tính chất thủ công và chất lượng xa xỉ. Gucci những mùa thời trang gần đây cũng đang dần đào thải phong cách maximalism của Alessandro Michele để hướng tới tính ứng dụng cao giản lược, được giới điệu mộ đánh giá là dễ tiếp cận nhiều đối tượng. Trong khi đó, Balenciaga sau những bê bối về chiến lược quảng cáo gây hiểu nhầm, đã trở lại với những bộ sưu tập nghiêm túc phô diễn tay nghề may đo thượng thừa.
Ở phía bên kia, Valentino, được thành lập bởi Valentino Garavani vào năm 1960, đã ghi nhận doanh thu 1,4 tỷ euro vào năm 2022. Pierpaolo Piccoli là giám đốc sáng tạo tại Valentino từ năm 2008, làm việc cùng với Maria Grazia Chiuri từ năm 2008 - 2016. Với trụ sở công ty ở Milan và xưởng thiết kế ở Rome, nhà mốt này là trụ cột của tuần lễ thời trang Paris với các bộ sưu tập thời trang nữ và thời trang cao cấp, trong khi gần đây cũng đã đưa trang phục nam trở lại với tuần lễ thời trang Milan.
Theo tờ Business of Fashion, Valentino chính là một thương hiệu đúng với định hướng phát triển của tập đoàn Kering. Vừa có khả năng tạo xu hướng lại không mất đi phong cách cổ điển, vừa được lòng giới trẻ lại cũng được yêu thích bởi các ngôi sao hạng A, vừa sở hữu ngành hàng may đo sẵn lẫn haute couture... Sức hút của Valentino còn được thể hiện bằng 211 cửa hàng được điều hành trực tiếp và đạt doanh thu 1,53 tỉ USD Mỹ vào năm 2022. Do đó, Valentino không chỉ bổ sung vào tổng thể lớn mạnh của tập đoàn Kering, mà còn giúp củng cố địa vị trong làng thời trang xa xỉ.
Đó là chưa kể, mới đây nhất, Valentino đã kết hợp với Meta để giới thiệu bộ sưu tập avatar đại diện kỹ thuật số độc quyền. Ngày 14/7/2023 vừa qua, đợt ra mắt đầu tiên với 6 giao diện đầy đủ được tuyển chọn cẩn thận từ các bộ sưu tập gần đây của Valentino đã được chuyển dịch sang chương trình hình đại diện của Meta và chuyển đến cửa hàng Meta Avatars.
Từ sắc hồng đặc trưng Pink PP và trang phục mang tính biểu tượng trong Toile Iconographe đến Maison Valentino Essentials, người tham gia có thể chọn từ nhiều trang phục khác nhau để "thay áo" cho hình đại diện (avatar) của họ được sử dụng trong các nền tảng của Meta bao gồm Instagram, Facebook và các trải nghiệm VR khác nhau. Nhà mốt cũng sẽ tiếp tục thể hiện sự tiến bộ và theo đuổi trải nghiệm bán lẻ phong phú khi khám phá các cộng đồng kỹ thuật số khác nhau để mở ra các cuộc gặp gỡ và giới thiệu những điều mới nhất về văn hóa và công nghệ cho khách hàng và người hâm mộ của mình.
Trong khi đó, tập đoàn Mayhoola for Investments – một quỹ đầu tư được hỗ trợ bởi hoàng gia Qatar và được quản lý bởi doanh nhân Ai Cập Rachid Mohamed Rachid – đã ở ngã ba đường trong nhiều năm. Thương vụ mua lại thời trang lớn gần đây nhất của quỹ là thương hiệu Balmain vào năm 2016. Cả Balmain và Valentino đều có các giám đốc sáng tạo lâu năm, ổn định và dường như có lợi thế với thị trường Trung Đông. Các cổ đông của Mayhoola không cần tiền. Nhưng trong một lĩnh vực hợp nhất nhanh chóng như thời trang, việc đưa các thương hiệu lên một tầm cao mới sẽ dễ dàng hơn với sự hỗ trợ của một tập đoàn lớn trong ngành.
Cùng với Kering, bất động sản, thu hút và giữ chân nhân tài, thỏa thuận chuỗi cung ứng, bắt tay với các phương tiện truyền thông và các công cụ kỹ thuật số phụ trợ… là tất cả những lợi ích mà sự hợp tác này có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng và tỷ suất lợi nhuận. Chủ tịch Kering, François-Henri Pinault, đã mô tả cổ phần của Valentino là “bước đầu tiên” trong quan hệ đối tác với Mayhoola, với nhiều cơ hội hơn nữa đang được thảo luận. Thậm chí cả thương hiệu Balmain cũng có thể hưởng lợi từ sự hỗ trợ của tập đoàn nếu các bên lựa chọn liên kết chặt chẽ hơn.
Cuối cùng, lôi kéo một đối tác bên ngoài vào tập đoàn Kering có thể tăng cường khả năng quản trị và giảm bớt áp lực phải tìm người kế vị cho Pinault. Vị tỷ phú vẫn là một người 61 tuổi tràn đầy năng lượng và chưa hề nghĩ đến chuyện nghỉ hưu, tuy nhiên, việc hiện không có thành viên nào khác trong gia đình tham gia điều hành doanh nghiệp khiến nhiều nhà đầu tư và cổ đông lo lắng.
Động thái của Kering vào tuần trước nhằm bổ nhiệm hai phó giám đốc điều hành — giám đốc Francesca Bellettini của Saint Laurent và giám đốc tài chính lâu năm Jean-Marc Duplaix — có thể là bước đầu tiên trong quá trình chuyển đổi. Gia đình tỷ phú Pinault có thể sẽ ít tham gia trực tiếp vào công việc kinh doanh hơn và nhận nhiều hỗ trợ từ những nhân sự cao cấp thông qua bổ nhiệm và tuyển dụng.