Ralph Lauren muốn tăng giá để nâng cao uy tín thương hiệu
Một trong những nhãn hiệu thời trang được yêu thích nhất của Mỹ cho biết họ khó có thể đạt được mức tăng trưởng cao hơn nếu không có động thái nâng cấp thương hiệu. Do đó, Ralph Laure sẽ yêu cầu người tiêu dùng trả nhiều tiền hơn cho những món hàng trong tương lai…
Ralph Lauren Corp. đang có kế hoạch tiếp tục tăng giá các sản phẩm của mình, một dấu hiệu cho thấy công ty may mặc Hoa Kỳ đang nỗ lực nâng cao dấu ấn thương hiệu và tậ trung mở rộng việc kinh doanh các mặt hàng có mức giá cao, như quần áo nữ, túi xách và hàng gia dụng.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg News, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Ralph Lauren, Patrice Louvet đã giải thích về chiến lược này. “Tôi không nghĩ có giới hạn, miễn là chúng ta làm tốt việc nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao cách kể chuyện, nâng cao môi trường dich vụ,” ông Louvet giải thích. “Chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo rằng chúng tôi có thể cung cấp tất cả những chuẩn mực cao cấp một cách nhất quán. Sau đó, việc tăng giá sản phẩm sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng liên tục của đơn vị bán lẻ trung bình”.
Động thái này nhằm nỗ lực nâng cao uy tín của thương hiệu. Nhưng một số chuyên gia thương mại cho rằng chiến thuật này có thể gặp rủi ro. Nhà phân tích Simeon Siegel của BMO Capital Markets đã viết trong một báo cáo được công bố đầu tháng này: “Việc nâng tầm một thương hiệu với mức giá cao hơn mà không đòi hỏi tỷ suất lợi nhuận sẽ đặt ra câu hỏi về mức độ nhận thức về thương hiệu thực sự được nâng cao như thế nào ”.
Còn nhà phân tích Laurent Vasilescu của BNP Paribas đã viết trong một báo cáo gần đây, rằng ông hy vọng những trở ngại về biên lợi nhuận gộp của Ralph Lauren, chẳng hạn như giá hàng hóa và chi phí vận chuyển, sẽ giảm bớt trong các quý tới.
Ralph Lauren cho biết họ đã tăng giá trung bình của các sản phẩm lên khoảng 80% kể từ năm 2018, trong khi tỷ suất lợi nhuận gộp – một thước đo khả năng sinh lời – cũng tăng so với trước đại dịch. Con số này cho thấy rằng khách hàng vẫn đang quan tâm đến việc mua hàng may mặc sang trọng. Theo đó, thương hiệu sẽ tiếp tục nâng cao danh sách các lĩnh vực kinh doanh của mình.
Tỷ suất lợi nhuận gộp của thương hiệu trong quý trước là 61,7%, thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh như Capri Holdings Ltd. và công ty mẹ của Coach là Tapestry Inc. Vì vậy, nhiệm vụ liên tục tăng giá cũng trùng hợp với việc thúc đẩy những con số này để đáp ứng các đối thủ cạnh tranh như Tapestry Inc. và Capri Holdings Ltd.
Ông Louvet cũng thông báo rằng thương hiệu đang có kế hoạch khai trương Polo Bar thứ hai ở London. RL hiện có một Polo Bar ở Thành phố New York và các nhà hàng ở Chicago và Paris. Mới đây, Ralph Lauren đã xác nhận sẽ trở lại Tuần lễ thời trang New York vào mùa thu năm nay sau 4 năm gián đoạn. Nhiều nguồn cin cũng xác nhận Ralph Lauren đang tập trung vào việc mở rộng ở Ấn Độ, nơi công ty hiện có bốn cửa hàng. Ở Ấn Độ, Ralph Lauren đang “rất thận trọng trong việc đặt nền tảng phù hợp để chúng tôi có thể xây dựng từ đó nhận thức đúng về hình ảnh,” ông Louvet nói.
Công ty cũng đã nhắm mục tiêu tăng trưởng trong vài năm qua tại Trung Quốc, hiện chiếm khoảng 6% doanh thu. Ông Louvet cho biết, mặc dù con số này cao gấp đôi so với vài năm trước, nhưng phần doanh số bán hàng được tạo ra ở Trung Quốc vẫn “khá nhỏ khi bạn nhìn vào sự thâm nhập của doanh nghiệp Trung Quốc đối với một số công ty xa xỉ tốt nhất trong ngành”. Ngoài ra, Ralph Lauren đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh dành cho phụ nữ, bao gồm cả quần áo và túi xách.
Trong báo cáo mới đây, Bain & Company đã nâng dự báo doanh thu hằng năm của thị trường hàng xa xỉ trên toàn cầu, từ quần áo, phụ kiện đến sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, lên 5 - 12% trong năm nay, so với mức dự báo 3 - 8% đưa ra trước đó. Trung Quốc được cho là động lực tăng trưởng chính của thị trường hàng xa xỉ trên toàn cầu sau khi các biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch ở nước này được dỡ bỏ.
Tại Mỹ, chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ sau đại dịch đang giảm dần và chủ yếu đến từ các khách hàng thượng lưu. Nhiều thương hiệu đang thay đổi chiến lược bán hàng hoặc thúc đẩy quảng bá các sản phẩm cao cấp để hướng đến nhóm khách hàng giàu có nhất, những người được cho là không bị ảnh hưởng bởi những "cơn gió ngược" của kinh tế. Thực tế cho thấy những khách hàng trẻ tuổi hơn bị tác động bởi tình trạng tăng giá hàng hóa nhiều hơn so với những khách hàng lớn tuổi có thu nhập cao.
Ấn Độ trước đây không phải là điểm đến ưu tiên cho các thương hiệu xa xỉ phương Tây, do các khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng kinh doanh cũng như các thủ tục pháp lý phức tạp tại nước này. Nhưng tình hình trên đang có sự chuyển biến rõ rệt do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh ở một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới này.
Kinh tế của Ấn Độ dự kiến tăng trưởng 6% vào năm 2023, bất chấp những khó khăn của kinh tế toàn cầu. Ấn Độ cũng đang chứng kiến sự gia tăng số lượng triệu phú theo cấp số nhân. Theo Báo cáo Tài sản Toàn cầu năm 2022 của ngân hàng Credit Suisse, số triệu phú ở Ấn Độ ước tính sẽ tăng gấp đôi, từ 796.000 người vào năm 2021 lên 1,6 triệu người vào năm 2026.
Theo tổ chức chuyên nghiên cứu thị trường Euromonitor International, thị trường hàng xa xỉ của Ấn Độ sẽ tăng trưởng 4,8% trong vòng 5 năm tới và dự kiến đạt giá trị 7,5 tỷ USD. Ông Anul Sareen, Quản lý dự án của Euromonitor International, cho biết các nhà kinh doanh các nhãn hàng xa xỉ đang chú ý và trở nên lạc quan hơn về hoạt động kinh doanh của họ tại Ấn Độ.
Ông Arvind Singhal, Chủ tịch công ty tư vấn bán lẻ Technopak Advisors cho biết các thương hiệu quốc tế đang nhắm đến khách hàng là những người giàu mới nổi ở Ấn Độ. Những người này có thể là các chuyên gia hoặc doanh nhân khởi nghiệp, không nhất thiết phải am hiểu về các thương hiệu. Do đó, hiện tại là thời điểm để các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu đối với các khách hàng lần đầu tham gia thị trường mua sắm hàng xa xỉ.
Louis Vuitton là thương hiệu xa xỉ cao cấp quốc tế đầu tiên hoạt động tại Ấn Độ vào năm 2002, tiếp theo là Dior, Hermes, Burberry, Chanel và Ralph Lauren. Gần đây, các hãng thời trang xa xỉ khác như Bvlgari, Valentino của Italy và Balenciaga của Pháp cũng thể hiện sự quan tâm lớn hơn đến thị trường Ấn Độ, khi họ lựa chọn đại sứ thương hiệu là người bản địa hoặc mở chi nhánh tại quốc gia này.