07:36 18/01/2023

Doanh thu ngành F&B giữ đà tăng, dự báo vượt mốc 700.000 tỷ năm 2023 nhưng đối mặt nhiều trở ngại

Ánh Tuyết

Doanh thu ngành F&B tại Việt Nam năm 2023 dự kiến tăng trưởng 18%, đạt hơn 700.000 tỷ đồng bất chấp nhiều khó khăn khiến người dân thắt chặt hầu bao và nhiều chủ doanh nghiệp đang tạm dừng kế hoạch mở mới để nghe ngóng chờ thời...

Việc áp dụng công nghệ sẽ mang tới lợi thế cạnh tranh vượt trội cho các doanh nghiệp trong ngành F&B.
Việc áp dụng công nghệ sẽ mang tới lợi thế cạnh tranh vượt trội cho các doanh nghiệp trong ngành F&B.

iPOS.vn, một đơn vị cung cấp giải pháp quản lý chuyên biệt dành riêng cho nhà hàng, cafe vừa phối hợp cùng Công ty Cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC) công bố “Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022” sau khi tiến hành khảo sát gần 3.000 nhà hàng, cafe cùng gần 4.000 thực khách trên toàn quốc, nhằm đưa đến bức tranh toàn diện và đầy đủ về thị trường ẩm thực và đồ uống (F&B).

TRÙNG XUỐNG TRONG QUÝ 4 NHƯNG CẢ NĂM HỒI PHỤC ẤN TƯỢNG

Theo dự báo của nhóm phân tích, mặc dù kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ đối mặt với nhiều sức ép, tuy nhiên, doanh thu ngành F&B tại Việt Nam dự kiến tăng trưởng 18%, đạt 720.300 tỷ đồng. Sau khi hồi phục sau đại dịch, ngành F&B sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ ổn định và dự kiến sẽ đạt giá trị gần 1 triệu tỷ đồng vào năm 2026.

Thực tế, sau hai năm chật vật sinh tồn vì đại dịch, năm 2022, thị trường F&B đã lấy lại được mức tăng trưởng, thậm chí vượt mức trước Covid-19. Cụ thể, năm 2022, Việt Nam có khoảng 338.600 nhà hàng vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng hằng năm giai đoạn 2016 – 2022 là khoảng 2%, với quy mô doanh thu ngành F&B tăng ấn tượng 39% so với năm 2021, lên mức đạt gần 610 nghìn tỷ, vượt thời điểm trước dịch.

Doanh thu ngành F&B giữ đà tăng, dự báo vượt mốc 700.000 tỷ năm 2023 nhưng đối mặt nhiều trở ngại - Ảnh 1

Cùng với đó, doanh thu thị trường ăn ngoài tại Việt Nam năm 2022 đạt 333 nghìn tỷ đồng, hồi phục sát với mốc trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Lý giải tốc độ phục hồi đáng ấn tượng của thị trường này, theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, tín hiệu khả quan về tăng trưởng doanh thu năm 2022 được cho là nhờ cách tiếp cận thích ứng an toàn để phát triển kinh tế của Chính phủ như nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, cho phép mở cửa trở lại hoạt động kinh doanh các ngành dịch vụ nhà hàng, ăn uống, du lịch, đồng thời kích thích người tiêu dùng mua sắm, chi tiêu. Từ đó, doanh số bán hàng của toàn ngành dịch vụ F&B Việt Nam được củng cố và đẩy mạnh.

Bổ sung thêm, ông Vũ Thanh Hùng, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần iPOS.vn, cho rằng: “Trong năm 2022, nhiều doanh nghiệp có những thay đổi lớn về mặt tư duy kinh doanh, tối ưu hệ thống vận hành và tăng cường trải nghiệm cho thực khách. Thị trường F&B cũng dần hồi phục, đem đến những chuyển biến vô cùng tích cực".

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ cơ cấu doanh thu dịch vụ F&B trên cả nước năm 2022 có sự phân hóa mạnh mẽ, thể hiện ở 95% doanh số đến từ dịch vụ ăn uống đơn lẻ như nhà hàng, quán ăn, trong khi đó, chỉ có vỏn vẹn 5% thị phần được ghi nhận đến từ doanh thu từ các chuỗi dịch vụ ăn uống có tối thiểu 10 cửa hàng có thương hiệu.

Như vậy, các nhà hàng, quán ăn uống độc lập vẫn được người dân ưa chuộng hơn cả tại thị trường nội địa, lý do lớn nhất chính là giá cả đồ ăn thức uống tại các chuỗi dịch vụ ăn uống vẫn khá cao so với thu nhập của người Việt Nam và mới chỉ phổ biến ở các đô thị loại 1.

Nhìn chung, thị trường F&B có mức độ tăng trưởng cao sau tết Nguyên Đán, với lần lượt quý 2 và quý 3 đạt 120% và 128% so với quý 1/2022. Tuy nhiên, quý 4 chỉ tăng trưởng chỉ 117%, thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước. 

Doanh thu ngành F&B giữ đà tăng, dự báo vượt mốc 700.000 tỷ năm 2023 nhưng đối mặt nhiều trở ngại - Ảnh 2

Quan sát chuyển động thị trường F&B trong quý 4/2022 và đặc biệt là 2 tháng cuối năm cho thấy dấu hiệu khác biệt so với những năm trước, bởi quý 4 luôn là quý bùng nổ về số lượng cửa hàng mở mới cũng như tần suất ăn uống của thực khách.

Tuy nhiên, trùng xuống theo tình hình kinh tế nói chung, tăng trưởng cơ sở dịch vụ F&B mở mới trong quý 4 lùi xuống mức 117% so với tốc độ 120-130% của hai quý trước đó. Xu thế này được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2023.

 

"Nguyên nhân chủ yếu của sự sụt giảm cuối năm là do tình hình lạm phát, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Lãi suất ngân hàng tăng, khó khăn về room tín dụng, cũng là nguyên nhân khiến nhiều chủ đầu tư tạm dừng kế hoạch và chờ đợi thời cơ", báo cáo đánh giá.

Trong bối cảnh kinh doanh năm 2023 trùng xuống, báo cáo nhìn nhận xu hướng các chủ đầu tư đơn lẻ đang có xu hướng dè chừng và phòng thủ. Các kế hoạch mở mới đang tạm được hoãn lại để nghe ngóng thêm thị trường.

Trong khi đó, "với các thương hiệu lớn đặc biệt là thương hiệu chuỗi, bằng nguồn vốn tích lũy, đang tranh thủ chiếm lĩnh thị phần khi các đối thủ suy yếu. Các thương hiệu lớn như Golden Gate, Highlands Coffee, The Coffee House vẫn bền bỉ mở rộng chuỗi nhưng cạnh tranh ngày một tăng đến từ các thương hiệu mới, đang tạo nên tiếng vang như Phê La, Katinat… Năm 2023 hứa hẹn là một năm nhiều biến số thú vị trên thị trường", báo cáo đánh giá.

Cũng theo báo cáo này, chỉ có 4,3% số đơn vị F&B được hỏi gặp phải vấn đề thiếu vốn trong thời kỳ hậu Covid-19, khó có thể chi trả chi phí trong ngắn hạn; khoảng 9% không dư dả về vốn và cần phải xoay vòng một cách cẩn thận. Còn lại đa số 86,6% doanh nghiệp không gặp vấn đề về vốn kinh doanh.

Mặc dù kinh tế năm 2023 được dự báo có nhiều khó khăn, thực tế khách hàng phần lớn vẫn muốn dành nhiều chi tiêu cho trải nghiệm ẩm thực, với tỷ lệ 77% thực khách dự kiến giữ nguyên, thậm chí tăng mức chi tiêu cho ẩm thực trong năm 2023.

CHUYỂN ĐỔI SỐ KHOÁC "ÁO MỚI" CHO NGÀNH F&B

Một biến chuyển mới với ngành F&B trong năm vừa qua đó là 82,8% doanh nghiệp F&B bắt đầu hành trình chuyển đổi số. Trước tiên, hành vi của khách hàng thay đổi với tốc độ chưa từng có trong và sau đại dịch, đặc biệt trong lựa chọn hình thức thanh toán.

Báo cáo cho thấy trong gần 4.000 người tham gia khảo sát hầu hết thực khách ưa thích hình thức thanh toán chuyển khoản, với tỷ lệ là 72,9% cao hơn 12,4% so với thanh toán bằng tiền mặt. Hình thức quét QR code điển hình như VietQR cũng đang dần trở nên phổ biến từ quý 2/2022, chiếm 28,4% thực khách yêu thích sử dụng.

Thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam năm 2022 cũng tăng trưởng gấp 3 lần so với trước khi dịch bệnh bùng phát, ở mức gần 30 nghìn tỷ đồng. 

Doanh thu ngành F&B giữ đà tăng, dự báo vượt mốc 700.000 tỷ năm 2023 nhưng đối mặt nhiều trở ngại - Ảnh 3

Kết quả nghiên cứu ngành thương mại điện tử trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống ghi nhận có khoảng 12.23 triệu người đặt giao đồ ăn qua các nền tảng trực tuyến và tốc độ tăng trưởng số lượng người dùng hằng năm là 17,5%, tương đương với 1,8 triệu người.

Song hành cùng sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng, trong năm 2022, số lượng các cửa hàng ăn uống tham gia số hóa vận hành đã tăng lên đáng kể. Bởi trong thời kỳ phong tỏa do đại dịch đưa đến một bài học thấm thía cho các thương hiệu kinh doanh ẩm thực tối ưu nhân sự, tối ưu vận hành, tiếp cận khách hàng online… 

Không chỉ dừng lại ở phần mềm quản lý bán hàng đơn thuần, hiện nay rất nhiều thương hiệu nghiêm túc đánh giá vai trò của công nghệ trong nhiều nghiệp vụ quan trọng khác như: chăm sóc khách hàng, quản trị nhân sự, quản trị mua hàng…, từ đó giảm bớt việc quản lý cửa hàng theo cảm xúc, phỏng đoán mà dựa nhiều hơn vào các báo cáo, dữ liệu do các sản phẩm công nghệ mang lại.

Rõ ràng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và việc áp dụng công nghệ sẽ mang tới lợi thế cạnh tranh vượt trội cho các doanh nghiệp trong ngành kinh doanh này.

Tuy nhiên, có tới 46,5% doanh nghiệp F&B vẫn chưa bán hàng trực tuyến.  Ở chiều ngược lại, với các đơn vị tham gia bán hàng trực tuyến, GrabFood và ShoppeFood hiện là hai ứng dụng được ưa chuộng nhất với lần lượt 29% và 27,8% đơn vị kinh doanh F&B lựa chọn. Hotline được chọn nhiều thứ 3 với 25,4%...

NHỮNG TRỞ NGẠI DOANH NGHIỆP PHẢI ĐỐI MẶT

Báo cáo cũng nêu rõ một loạt những trở ngại mà doanh nghiệp F&B đang phải đối mặt trong tiến trình phục hồi và phát triển.

Cụ thể, một trong những điều doanh nghiệp lo ngại nhất là về vấn đề nhân sự, chiếm tới 99,1% doanh nghiệp được khảo sát. Trong đó, mối lo lớn nhất của các đơn vị F&B tham gia khảo sát là việc tìm kiếm nhân sự khó khăn, nhân sự thiếu chuyên nghiệp, chi phí lương nhân sự và khó giữ chân nhân sự.

"Nhân viên ngành F&B thường có tính kiêm nhiệm cao, một người nhưng phải làm 2-3 vị trí. Cơ hội thăng tiến cũng không rõ ràng. Chưa kể, phía doanh nghiệp sử dụng lao động cũng hiếm khi đóng bảo hiểm xã hội, triển khai chính sách lương tháng 13 và các phúc lợi khác. Điều này dẫn đến sức hấp dẫn công việc ngành này ngày càng suy giảm trong vài năm trở lại đây", báo cáo nhận định.

Bên cạnh đó, đặc thù là một ngành có nhân sự khá phức tạp, vì vậy, có 16,3% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xếp lịch làm việc và 10,4% gặp sai sót khi tính lương nhân sự. Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp vẫn đang sử dung cách quản lý ca làm truyền thống qua Excel, Zalo, hoặc máy chấm công vân tay…

Doanh thu ngành F&B giữ đà tăng, dự báo vượt mốc 700.000 tỷ năm 2023 nhưng đối mặt nhiều trở ngại - Ảnh 4

Bên cạnh đó, 99% đơn vị kinh doanh F&B gặp vấn đề về vận hành trong năm 2022.

Một số khó khăn khác mà doanh nghiệp F&B phải đối mặt khi gần 50% doanh nghiệp gặp khó khăn trong quản lý thu chi và thất thoát nguyên vật liệu. Doanh nghiệp cũng lo ngại việc khách hàng thắt chặt hầu bao, chi tiêu ít hơn trong giai đoạn mới khi tình hình kinh tế năm 2023 đối diện nhiều khó khăn.