Đổi mới sáng tạo cho một Việt Nam xanh hơn
“Đổi mới sáng tạo cho một Việt Nam xanh hơn” là chủ đề của Hội nghị Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 thảo luận về chiến lược ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và cơ hội phát triển xanh sẽ diễn ra trong 2 ngày 25-26/11 tại TP.HCM…
Hội nghị Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (Vietnam Innovation Summit - VIC 2023) là sự kiện thường niên do InnoLab Asia phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức. Năm nay, diễn đàn diễn ra có sự đồng hành của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), S-World với chủ đề “Đổi mới sáng tạo cho một Việt Nam xanh hơn” (Innovation for a Greener Vietnam)
Theo Ban tổ chức,VIC 2023 hứa hẹn mang đến một nền tảng kết nối năng động xuyên quốc gia cho các doanh nghiệp hàng đầu, các công ty khởi nghiệp, và những thành tố quan trọng khác trong cộng đồng sáng tạo toàn cầu kết nối.
Theo báo cáo của McKinsey & Company năm 2022, đã có 670 công ty trong khu vực châu Á Thái Bình Dương đặt mục tiêu hoặc cam kết về giảm thiểu phát thải, tạo ra nhiều cơ hội đầu tư mới về công nghệ xanh trong khu vực. Tổ chức này ước tính thị trường có thể tiếp cận được của các cơ hội kinh doanh xanh tại châu Á có thể lên đến hơn 4000 tỉ USD vào năm 2030.
Số liệu từ Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy đến nay đã có ít nhất 39 quốc gia đang thực hiện hoặc đã lên kế hoạch cho các quy định về mức phát thải carbon trong hoạt động kinh doanh và sản xuất, trong đó có nhiều nước hiện là đối tác kinh doanh lớn của Việt Nam.
Nhằm tìm hiểu những cơ hội và thách thức trong bối cảnh này, VIC 2023 quy tụ các lãnh đạo, quản lý tại những doanh nghiệp, tập đoàn đạt thành tựu nổi bật trong nước và quốc tế như Vingroup, Vinfast, Sơn Kim, Biti’s, Phúc Sinh, Lazada, Qualcomm, Standard Chartered,... cũng như các startup có nhiều dấu ấn trên thị trường như Datbike và Ecotruck. Các chuyên gia quốc tế từ các tổ chức đầu tư, hỗ trợ và tư vấn về đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững như UNDP, 01BOOSTER, Business Finland, Budding Innovations, Lead The Change,... cũng mang đến những kinh nghiệm và nguồn lực đa dạng cho cộng đồng sáng tạo.
Việt Nam, với cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050, không thể nằm ngoài xu hướng xanh của thế giới. Chính phủ đã bàn hành văn bản yêu cầu các nhà sản xuất và công ty đạt một số điều kiện phải triển khai các giải pháp đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và chi trả cho lượng phát thải quá hạn ngạch từ năm 2026.
Ngoài ra, báo cáo do PwC công bố ngày 29/8 mới đây, tỷ lệ cam kết ESG của các doanh nghiệp niêm yết là 93% và mức trung bình của doanh nghiệp Việt là 80%. Tuy nhiên, chỉ có 35% các doanh nghiệp niêm yết đã thiết lập kế hoạch ESG. Hơn một nửa doanh nghiệp niêm yết đang và sẽ trong giai đoạn lập kế hoạch trong 2-4 năm tới.
Từ thực tế trên, các nhà đổi mới tiên phong tham dự VIC 2023 sẽ thảo luận hàng loạt vấn đề chuyên sâu và chia sẻ trải nghiệm thực tiễn của mình trong hành trình xanh. Đổi mới sáng tạo trong tập đoàn (corporate innovation) và đổi mới sáng tạo mở (open innovation) đã và đang được triển khai tại các tập đoàn cà phê, bán lẻ, tài chính, thời trang trong bối cảnh “xanh hóa” toàn cầu.
Xuyên suốt hai ngày của VIC 2023, quan khách cũng có cái nhìn tổng quan về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam thông qua hơn 30 gian hàng triển lãm từ các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp và tập đoàn trong các lĩnh vực khác nhau như Fintech, thương mại điện tử, năng lượng, và y tế.
Dịp này, Ban tổ chức sẽ trao giải “Make the Future Green Award” cho các tổ chức, cá nhân tiên phong phát triển các giải pháp sáng tạo, đóng góp vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và tạo tác động bền vững dựa trên các tiêu chí ESG. Bên cạnh đó, 5 dự án khởi nghiệp hướng đến phát triển bền vững cũng sẽ được tuyển chọn để tham gia phiên Crowdpitch, giới thiệu các giải pháp tiên tiến cho các vấn đề môi trường, xã hội và kinh tế, cũng như học hỏi từ chuyên gia và tìm kiếm nguồn tài trợ và đầu tư.