15:56 03/06/2013

Đổi tên nước: “Không thế lực nào xuyên tạc được”

Nguyên Thảo

Nhiều đại biểu lo đổi tên nước sẽ tốn kém và gây nhiều hệ lụy, chỉ một vị có quan điểm khác

Theo Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, ông Chu Sơn Hà, “chúng ta có cả một hệ thống truyền thông hùng mạnh cùng với bản lĩnh 
một dân tộc Việt Nam anh hùng, thì không thể một thế lực nào có thể 
xuyên tạc, làm dân ta xa rời mục tiêu chủ nghĩa xã hội” - Ảnh: TP.
Theo Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, ông Chu Sơn Hà, “chúng ta có cả một hệ thống truyền thông hùng mạnh cùng với bản lĩnh một dân tộc Việt Nam anh hùng, thì không thể một thế lực nào có thể xuyên tạc, làm dân ta xa rời mục tiêu chủ nghĩa xã hội” - Ảnh: TP.
Phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được phát thanh, truyền hình trực tiếp sáng 3/6 đã có 22 vị đại biểu đăng đàn. 98 đại biểu khác cũng đã bấm nút đăng ký.

Dự thảo Hiến pháp mới nhất sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân đã nhận được sự đồng thuận khá cao của đại biểu. Nhiều ý kiến đã khẳng định mạnh mẽ sự cần thiết của điều 4.

Tuyệt đại đa số ý kiến đều đồng ý với việc giữ nguyên tên nước hiện tại.  Theo phân tích của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) thì tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã sử dụng ổn định và được ghi nhận ở cả Hiến pháp 1980 và 1992. Nếu đổi sẽ gây tốn kém phức tạp.

Lo ngại việc đổi tên nước sẽ gây xáo trộn không cần thiết cũng được Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, ông Trần Văn Tư bày tỏ. Ông Tư cho rằng nếu đổi tên nước thì cái không được sẽ nhiều hơn cái được.

"Với Đồng Nai, hơn 700 nghìn ý kiến thì chỉ một ý kiến đề nghị đổi tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau đó chúng tôi trực tiếp phỏng vấn ý kiến này, thì chỉ có tâm tư tình cảm muốn trở về tên nước khi thành lập, chứ không có gì khác", ông Tư nói.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, ông Phạm Đức Châu phân tích, khi chế độ chính trị vẫn ổn định, khi bản chất, mục tiêu Nhà nước và định hướng phát triển của nước ta không thay đổi, thì không có lý do gì để thay đổi tên nước. “Cho nên, tôi hoàn toàn nhất trí với dự thảo về tên nước ta vẫn là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

Cho rằng ý kiến đặt vấn đề đổi tên nước là không phù hợp, đại biểu Huỳnh Thế Kỳ, Ủy viên Uỷ ban Quốc phòng và An ninh nhấn mạnh tên gọi hiện nay gắn với giai đoạn hòa bình, độc lập dân tộc của đất nước, là tên gọi "khẳng định rõ con đường, mục tiêu mà chúng ta đang đi và hướng đến là phấn đấu thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".

Vẫn theo vị đại biểu này thì việc giữ tên nước sẽ tránh được "những tác động bất lợi và thậm chí xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và có thể gây phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự".

Phát biểu gần cuối phiên thảo luận, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, ông Chu Sơn Hà nói, thể chế chính trị của nước ta là cộng hòa, bản chất nhà nước là dân chủ đã được ghi nhận trong bản tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc ngày 2/9/1945, và tiếp tục được khẳng định trong Hiến pháp. Điều này phù hợp điều kiện với đất nước trong giai đoạn hiện nay mà không ảnh hưởng tới mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta. Trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng đưa ra nhiều nội dung về quyền con người, quyền công dân, thể hiện ý chí của nhân dân là xây dựng một nhà nước dân chủ, của dân, do dân và vì dân.

Ông nhấn mạnh, nhiều cử tri đề nghị lấy lại tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vì cho rằng tên gọi này gắn với chính thể cộng hòa đầu tiên, là thành quả của cuộc cách mạng giành độc lập.

“Chúng ta vẫn đang triển khai cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cử tri nhận thấy, tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bền vững với thời gian và cho rằng nó rất thiêng liêng, là niềm tin của mọi công dân Việt Nam trong và ngoài nước”, ông Hà nhấn mạnh.

Vị đại biểu này cũng cho rằng, “chúng ta có cả một hệ thống truyền thông hùng mạnh cùng với bản lĩnh một dân tộc Việt Nam anh hùng, thì không thể một thế lực nào có thể xuyên tạc, làm dân ta xa rời mục tiêu chủ nghĩa xã hội”.

Nhắc lại quan điểm đổi tên nước là tốn kém, ông Hà đặt vấn đề: "Vậy các lần đổi tên nước trước đây thì sao? Phải chăng không tốn kém? Nếu có tốn kém kinh phí cho việc sửa đổi để cho ra đời một bản Hiến pháp hiệu quả, phù hợp với lòng dân thì nhân dân ta cũng đồng thuận cao".

Hơn nữa, vẫn theo phản ánh của ông, thì cử tri cho rằng nhiều nội dung trong Hiến pháp đã khẳng định quyết tâm của dân tộc ta là xây dựng nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, đó là khẳng định bản chất xuyên suốt trong nội hàm của Hiến pháp sửa đổi.