Đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 30-2022
Mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 30 phát hành ngày 25-07-2022 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...
Mặc dù chiếm 1/5 dự trữ ngoại hối thế giới và được xem là “đối trọng” của đồng USD, thế nhưng, đồng Euro đang rơi vào vòng xoáy mất giá kể từ năm 2002. Cả thế giới ngỡ ngàng với hiện tượng lần đầu tiên sau 20 năm, từ chỗ giá trị cao hơn khoảng 20% thì ngày 13/7 vừa qua, 1 Euro chỉ đổi chưa được 1 USD.
Sự biến động ngược chiều giữa 2 đồng tiền chủ chốt trong giao thương và dự trữ của thế giới tác động như thế nào đến Việt Nam, nhất là đối với cán cân thương mại, vay nợ của doanh nghiệp và Chính phủ?
Việt Nam vốn là nước có độ mở nền kinh tế cao nên dễ bị tổn thương và cuốn vào vòng xoáy của những biến động bên ngoài. Điều này càng thêm nhạy cảm trong bối cảnh nền kinh tế đang chật vật phục hồi sau những tác động tiêu cực nặng nề của đại dịch Covid - 19 trong hơn 2 năm qua.
Trong số báo ra sáng mai, thứ Hai ngày 25/07/2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy sẽ dành trọn chuyên mục Tiêu điểm: "Biến động ngược chiều giữa hai đồng tiền Euro và USD: Tác động đến Việt Nam" để phản ánh và phân tích câu chuyện này với những bình luận và khuyến nghị từ các chuyên gia đối với doanh nghiệp và hoạt động điều hành của cơ quan quản lý.
Bao gồm các bài viết:
-Đồng Euro mất giá tác động thế nào đến xuất nhập khẩu Việt Nam? Theo nhận định của các chuyên gia, việc đồng Euro mất giá sẽ tác động nhất định tới thương mại giữa Hoa Kỳ và EU với các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, Hoa Kỳ và EU là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. (Thu Văn).
-“Cú” trượt dài của EUR và những ảnh hưởng tới Việt Nam. Lần đầu tiên trong gần 20 năm qua, đồng tiền chung châu Âu (EUR) bị giảm giá trị so với đồng USD. Trong bối cảnh lạm phát leo thang, đà trượt dài của đồng EUR kể từ tháng 2/2022 sẽ khiến nền kinh tế châu Âu bị suy yếu. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải có những kịch bản ứng phó phù hợp. (Ngân Hà).
-Điều hành tỷ giá như thế nào khi các đồng tiền mất giá so với đồng USD. Ngân hàng Nomura (Nhật Bản) tiên đoán giá trị mỗi Euro sẽ xuống dưới giá trị 1 USD và điều này đã trở thành hiện thực. Nhưng đó là câu chuyện của thế giới, còn với Việt Nam thì điều hành tỷ giá nên như thế nào, khi giá trị Euro giảm nhưng USD lại tăng? Phỏng vấn ông Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia. (Nguyễn Hoài).
- Cẩn trọng với rủi ro tỷ giá. Trong bối cảnh các đồng tiền quốc tế có những biến động phức tạp, hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần có các kịch bản ứng phó với rủi ro tỷ giá. (Anh Nhi).
-Ứng xử với cú sốc lớn. Lần đầu tiên trong vòng 2 thập kỷ, đồng Euro của châu Âu (EU) trải qua một “cú sốc lớn” khi tỷ giá giảm xuống gần ngang bằng với đồng USD. Theo đánh giá ban đầu, các doanh nghiệp Việt Nam đang có quan hệ thương mại bằng đồng Euro và cả nền kinh tế sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do đồng Euro giảm giá. Tuy nhiên, nếu đồng Euro tiếp tục suy giảm, thì giá hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu có thể đắt đỏ hơn. Điều này ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam so với hàng hóa của các quốc gia khác ở thị trường trọng điểm này. (Nhóm phóng viên).
-Khi Euro ngang giá USD: Euro mất giá nhiều hay USD tăng quá mạnh? Xu hướng mất giá trong một năm qua của đồng Euro (EUR) đã đưa đồng tiền chung châu Âu về mức ngang bằng với đồng Đôla Mỹ (USD) lần đầu tiên trong vòng 20 năm, thậm chí có lúc dưới ngang giá. Hồi cuối tháng 5/2021, tỷ giá Euro/USD còn ở mức khoảng 1,22 USD đổi 1 Euro và giờ đây, tỷ giá là 1 Euro đổi khoảng 1 USD, có thời điểm 1 Euro chỉ tương đương 0,98 USD. Một câu hỏi mà nhiều người đặt ra lúc này là vì sao đồng Euro mất giá mạnh đến vậy, hoặc cũng có thể là vì sao USD tăng giá nhiều đến thế? (An Huy).
Cùng nhiều chuyên mục hấp dẫn khác:
- Ba kịch bản dự báo về xuất, nhập khẩu và xuất, nhập siêu năm 2022. Ba kịch bản dự báo này xuất phát từ kết quả nửa đầu năm và các yếu tố tác động đến xuất, nhập khẩu, xuất, nhập siêu trong nửa năm còn lại và cả năm. (Đỗ Văn Huân).
- Chấn chỉnh thị trường bất động sản về đúng cung – cầu thật. Phỏng vấn TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, xung quanh vấn đề “nóng” của thị trường bất động sản hiện nay. (Linh Lan).
- Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước: “Nản bước” trước khó khăn. Tiến độ “rùa bò” của công tác cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025 dường như là điềm báo trước từ việc “vỡ” kế hoạch giai đoạn trước đó. Những vướng mắc trong việc định giá đất, định giá tài sản và các đơn vị triển khai thiếu quyết liệt, tiếp tục được ghi nhận. (Tuyết nhi).
- Chứng khoán sau 22 năm: Lùi một bước để tiến xa hơn. Bất kỳ một sự chuyển động nào cũng cần có thời gian tích lũy. Thị trường chứng khoán cũng vậy, sau chu kỳ tăng trưởng dài sẽ có một khoảng thời gian - như hiện tại - để tích lũy, sẵn sàng cho những bước tiến xa hơn trong tương lai. (Kiều Linh).
-Khung pháp lý cho hoạt động tín dụng bằng phương thức điện tử. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. So với Thông tư cũ, điểm nổi bật nhất của Thông tư mới là việc bổ sung “hoạt động cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử”. (Đào Vũ).
-Dệt may hướng tới mục tiêu xuất khẩu 43 tỷ USD. Dù đạt xuất siêu nửa đầu năm 2022 là 8,86 tỷ USD, tăng 32% so với 6 tháng năm 2021, nhưng ngành dệt may vẫn đối diện với nhiều thách thức trong những tháng cuối năm. Do đó, nhiều giải pháp cần được thực hiện ngay để ngành có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 43 tỷ USD trong năm nay. (Song Hà).
-Hàn Quốc mở rộng danh mục đầu tư vào Việt Nam. Nếu như hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc trước đây tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh lân cận đông dân cư, thì nay đã và đang trải rộng ra nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị xúc tiến đầu tư FDI Hàn Quốc vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam diễn ra ngày 22/07/2022 trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Việt - Hàn (VIKO30). (Tú Uyên).
-Chính sách “khập khiễng ”: Khiến đường sắt tụt hậu, lép vế. Ngành đường sắt ngày càng tụt hậu và trở nên thất thế do nhiều quy định thiếu đồng bộ cũng như thiếu cơ chế để doanh nghiệp đầu tư phát triển, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt. Để hiện thực hóa quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, cần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông vận tải đường sắt và tăng kết nối với các phương thức khác. (Ánh Tuyết).
-Hành lang giao dịch điện tử: Vẫn còn khoảng trống pháp lý. Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng đang được lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện. Góp ý cho dự thảo Luật, nhiều chuyên gia cho rằng một số quy định trong dự thảo còn bất cập, cần được cân nhắc xem xét điều chỉnh cho phù hợp hơn. (Vũ Khuê).
-Đưa Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu về e-logistics tại Đông Nam Á. Cùng với các cơ hội đến từ sự thay đổi của hành vi người dùng với quy mô của nền kinh tế số, Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia chứng kiến sự bùng nổ của thương mại điện tử và e-logistics. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn những thách thức đặc thù, đòi hỏi phải có một chiến lược kinh doanh và phát triển dài hơi của các bên tham gia. (Bảo Bình).
-Doanh nghiệp cần có kế hoạch bài bản: Đãi ngộ, giữ chân người lao động. Theo Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê), trong 6 tháng đầu năm nay,
có khoảng 1,2 triệu người thiếu việc làm, chiếm 2,4% lực lượng lao động. Trong khi đó lại có tình trạng một số doanh nghiệp của những ngành thâm dụng lao động đang bị thiếu nhân công trầm trọng. (Tuệ Mỹ).
- Công nghiệp điện tử: Bao giờ hết cảnh gia công, lắp ráp? Thúc đẩy đối thoại xã hội và tuân thủ pháp luật tại nơi làm việc là những yếu tố then chốt để phát triển ngành công nghiệp điện tử bao trùm, bền vững. Trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế, sản xuất sau đại dịch Covid-19, Việt Nam đang đứng trước cơ hội hiếm có để tạo ra nhiều việc làm tốt hơn, môi trường làm việc tốt hơn, nâng cao năng suất và nâng tầm kỹ năng lao động trong chuỗi cung ứng điện tử. (Dũng Hiếu).
-Phẫu thuật thẩm mỹ: “Dao hai lưỡi”ăn theo Zoom thời Covid. Trong cuộc khảo sát của Công ty nghiên cứu CBNData, hơn 80% người tiêu dùng Gen Z tại châu Á bày tỏ mức độ lo lắng rất cao về ngoại hình. Họ cũng có hiệu ứng tâm lý chi tiền mạnh tay cho những món đồ và dịch vụ xa xỉ, bao gồm phẫu thuật thẩm mỹ để ăn mừng sau khoảng thời gian phong tỏa bởi đại dịch Covid -19. (Minh Nguyệt).