05:01 14/02/2013

Động lực mới cho sự thay đổi của nền kinh tế

Nguyên Thảo

“Chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang hiệu quả, năng suất, năng lực cạnh tranh thì thay đổi đó là đương nhiên không cần bàn cãi”

TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.
TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.
Không hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước khi sửa đổi Hiến pháp, với TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, đó chính là động lực mới cho sự thay đổi của nền kinh tế, không chỉ trong năm 2013.

Còn với riêng doanh nghiệp nhà nước - lực lượng chủ yếu để thực hiện vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước - vị chuyên gia này cho rằng sửa đổi nói trên đóng vai trò rất quan trọng để tạo nên một áp lực tích cực cho khu vực này.

Thưa ông, cách đây một năm, khi đón năm con Rồng thì nhiều nhà kinh tế và cả doanh nhân vẫn nhắc nhiều đến hai chữ “cơ hội”. Vậy nhưng tại thời điểm đón Tết năm con Rắn thì dường như mọi dự báo cho sự phục hồi của nền kinh tế đã dè dặt hơn nhiều, trong khi ông lại khá lạc quan?


Nói lạc quan thì cũng không hẳn nhưng tôi cũng không bi quan mà nhìn theo hướng khách quan, cái gì đến sẽ đến, cưỡng lại cũng không được.

Chính sách kinh tế lâu nay hay nhìn về phía cầu của nền kinh tế, rằng cầu đang ọp ẹp không thể có cách nào kích lên được, nhiều doanh nghiệp thì phá sản… nên cái nhìn là bi đát.

Tôi nhìn dài hạn hơn về phía cung của nền kinh tế, phía cung có một định lý có lẽ ai học kinh tế cũng biết là cung tạo ra cầu của chính nó, phải thay đổi nguồn cung với loại sản phẩm mới giá rẻ hơn, đổi mới cung để tạo ra cầu.

Động lực mới cho sự thay đổi của nền kinh tế 1Anh làm sai thì anh phải trả giá cho những sai lầm của mình, cái đó mới cần làm và như thế phải có động lực mới cho sự thay đổi. TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

Với cách nhìn đó thì cứu trợ bất động sản là không hợp lý mà phải để cho giá giảm xuống tạo ra áp lực thị trường buộc chủ đầu tư bất động sản phải đổi mới hoặc là chết. Chứ cứ nói “cứu” thì người ta cứ ngồi chờ. Anh làm sai thì anh phải trả giá cho những sai lầm của mình, cái đó mới cần làm và như thế phải có động lực mới cho sự thay đổi.

Cái gì đến nó sẽ đến nhưng trong bối cảnh này các chính sách mà nhìn về phía cầu sẽ không có tác dụng vì không có lực và khả năng đẩy cầu lên. Mà nếu có khả năng đẩy cầu lên mà vẫn giữ nguyên trạng thái cung thì lại sẽ quay lại tình trạng như bây giờ. Vì thế các doanh nghiệp bắt buộc hoặc là tự đổi mới hoặc là “chết”.

Tự đổi mới hoặc là “chết”, điều đó có lẽ đúng với các doanh nghiệp tư nhân. Còn với các doanh nghiệp nhà nước, khu vực mà nói theo đúc kết của chính ông là “lời ăn lỗ dân chịu” thì đâu có dễ “chết” phải không, thưa ông?

Đúng là các doanh nghiệp nhỏ thì đã bươn chải để thay đổi, nhưng các doanh nghiệp lớn cũng phải đổi mới thì mới tạo thành đầu tàu được. Cũng có nghĩa là phải buộc các doanh nghiệp nhà nước đừng nghĩ đến chuyện cứu cái này, hỗ trợ cái kia nữa mà hãy tạo ra động lực mới cho họ để thay đổi nguồn cung từ đó tạo ra cầu như tôi đã phân tích ở trên.

Với sự điều hành tương đối nhất quán theo hướng ổn định vĩ mô hiện nay thì dư địa để thay đổi cầu là không có hoặc rất nhỏ. Các doanh nghiệp, tôi tin là cũng đọc được bài này và phải thay đổi về phía cung. Các chương trình tái cơ cấu của Chính phủ đích thực về mặt bản chất cũng là phân bổ nguồn lực và thay đổi nguồn cung.

Nhưng như ông cũng thấy đấy, đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được đề cập mạnh mẽ từ khá lâu rồi, nhưng kết quả thực tế thì dường như chưa được là bao?


Đúng là với khu vực doanh nghiệp nhà nước thì hiện nay mới tập trung vào nhiều tái cơ cấu nội bộ, như thay đổi danh mục đầu tư, ngành nghề kinh doanh… Nếu cổ phần hóa với quy mô lớn thì mới có thể tạo ra động lực thay đổi bên ngoài, nhưng cổ phần hóa lại hơi chậm.

Không phải chỉ có các chuyên gia kinh tế mà Thủ tướng cũng đã nói nhiều là buộc các doanh nghiệp nhà nước phải cạnh tranh theo cơ chế thị trường. Nhưng điều này chưa đạt được và là một trong cái yếu nhất hiện nay.

Tôi cho rằng doanh nghiệp nhà nước cũng phải chịu sự trừng phạt nếu có những sai lầm, không phải trừng phạt bằng pháp luật mà bởi cạnh tranh thị trường, còn nếu lời hay lỗ cũng như nhau, vẫn được bao bọc cả thì không thể chấp nhận được.

Điều này phụ thuộc nhiều vào việc tạo lập thể chế, một việc mà tiến độ và sự mong muốn còn khoảng cách lớn, thưa ông?

Đây là đoạn yếu nhất của tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Như tôi đã nhiều lần đề cập, quá trình này có ba vòng, vòng ngoài, giữa và bên trong. Mà vòng ngoài đang thiếu vắng trong khi lẽ ra phải làm đầu tiên.

Hiện nay vòng ngoài bắt đầu đã chuyển động, thể hiện rõ nhất ở dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã không hiến định kinh tế nhà nước là chủ đạo và không hiến định doanh nghiệp nhà nước như một lực lượng chủ yếu để thực hiện vai trò chủ đạo ấy. Cái đó rất quyết định để thay đổi thể chế, đó là hệ tư tưởng để thiết kế các thể chế với doanh nghiệp nhà nước, cái đó thay đổi mới thiết kế được những định chế và thể chế tương ứng làm thay đổi động lực bên ngoài và áp lực với doanh nghiệp nhà nước. Điều đấy rất là quan trọng.

Nhưng có ý kiến cho rằng không hiến định không có nghĩa là không công nhận vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước? Hơn nữa, theo dự kiến thì đến cuối năm 2013 việc sửa Hiến pháp mới hoàn thành, rồi để xây dựng cơ chế cho doanh nghiệp nhà nước còn là câu chuyện của sau đó nữa. Vậy áp lực cho đổi mới ngay năm nay có vẻ khá mờ nhạt?

Không thể vài tháng có sự thay đổi lớn được nhưng phải nhìn lạc quan hơn thế này, có thể có cái căn bản chưa làm được thì có cái chưa căn bản lắm nhưng không kém phần quan trọng thì cứ làm đi. Trong các chính sách đã và sắp ban hành có nhiều điểm tốt thì phải thúc đẩy đi.

Động lực mới cho sự thay đổi của nền kinh tế 2Chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang hiệu quả, năng suất, năng lực cạnh tranh thì thay đổi đó là đương nhiên không cần bàn cãi. TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

Ví dụ nghị định về công khai minh bạch hóa thông tin của doanh nghiệp nhà nước lấy tiêu chí tương tự như các doanh nghiệp niêm yết nếu làm được là đã tạo áp lực bên ngoài. Rất tốt. Rồi việc tập trung vào ngành chủ đạo cũng là việc tốt, đừng chờ mọi sự có sẵn mà hãy làm những việc mà mình thấy đúng là nó thúc đẩy cải cách, để tạo ra áp lực tích cực để buộc các doanh nghiệp phải hành động và thay đổi.

Đừng chờ tới khi sửa Hiến pháp, dù đấy là thay đổi rất lớn, rất căn bản, có thể coi là bước ngoặt quan trọng. Thay đổi tư duy của cả hệ thống cũng không đơn giản, nhưng đầu tiên phải bằng thay đổi ở đạo luật gốc là Hiến pháp, mọi người đều nhìn vào nền tảng pháp lý đó.

Chúng ta đều thấy quá trình cải cách và phát triển xã hội đã đến mức độ nhất định phải thay đổi. Hơn nữa ta nhấn mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang hiệu quả, năng suất, năng lực cạnh tranh thì thay đổi đó là đương nhiên không cần bàn cãi.

Và thay đổi đó, tôi muốn nhấn mạnh thêm lần nữa, đó chính là động lực mới cho cả nền kinh tế, không chỉ ở 2013.