Động lực thúc đẩy chuyển đổi kinh tế xanh từ sáng kiến Cơ chế tín chỉ chung JCM
Ra mắt hơn 10 năm trước, JCM đóng vai trò then chốt trong hợp tác khí hậu quốc tế của Nhật Bản bằng cách thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính (GHG) thông qua chuyển giao các công nghệ khử carbon tiên tiến cho các quốc gia đối tác. Mỗi dự án JCM không chỉ đơn thuần là một giải pháp công nghệ, mà còn mang lại giá trị kinh tế- môi trường bền vững. JCM không chỉ là một cơ chế tín chỉ carbon, mà còn là động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên phạm vi quốc tế...

Năm 2013, Nhật Bản giới thiệu Cơ chế Tín chỉ Chung (JCM) như một sáng kiến đổi mới trong hợp tác thị trường carbon quốc tế. Sau hơn một thập kỷ phát triển, JCM đã trở thành cơ chế quan trọng trong việc chuyển giao công nghệ carbon thấp và thúc đẩy phát triển bền vững trên toàn cầu.
Sáng kiến này khởi đầu với Mông Cổ (tháng 1/2013) và đến nay đã mở rộng đến 29 quốc gia tại châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh và châu Âu, theo tài liệu của Carbon Market Express. Việt Nam ký ghi nhớ hợp tác về tăng trưởng carbon thấp với Nhật Bản vào tháng 7/2013 nhằm triển khai thực hiện Cơ chế JCM.
JCM tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các dự án carbon thấp tại các nước đối tác, giúp cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính một cách rõ ràng và có thể đo lường. Những mức giảm này được ghi nhận theo thỏa thuận song phương, cho phép cả Nhật Bản và nước chủ nhà đóng góp vào các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của mình.
HỖ TRỢ ĐẦU TƯ CÔNG NGHỆ, TẠO NỀN TẢNG TÀI CHÍNH ĐỂ CÁC DỰ ÁN MỞ RỘNG QUY MÔ
Kể từ khi ra mắt, JCM đã phát triển thành một hệ thống bù đắp carbon song phương vững mạnh, trong đó Nhật Bản hỗ trợ đầu tư vào các công nghệ khử carbon tại các quốc gia đối tác, tạo ra tín chỉ giảm phát thải. Cơ chế này đảm bảo tuân thủ Điều 6.2 của Thỏa thuận Paris (quy định rõ cách tính chuyển nhượng tín chỉ carbon) bằng cách ngăn ngừa việc tính toán gấp đôi (double counting) và duy trì tính minh bạch thông qua các quy trình đo lường, báo cáo và xác minh (MRV) mạnh mẽ.
Các dự án JCM tập trung vào thúc đẩy các phương thức bền vững như triển khai năng lượng tái tạo, công nghệ tiết kiệm năng lượng, quản lý chất thải và các giải pháp giao thông giảm carbon. Trong suốt thập kỷ qua, Nhật Bản đã liên tục cải tiến cơ chế này để phù hợp với các chính sách khí hậu quốc tế thay đổi và đảm bảo hiệu quả trong việc giảm phát thải toàn cầu.
Nhật Bản đã triển khai nhiều cơ chế tài trợ để hỗ trợ các dự án trong khuôn khổ JCM, giúp đảm bảo tính khả thi về kinh tế và mở rộng quy mô các dự án giảm phát thải. Trong suốt 10 năm qua đã có một số chương trình tài trợ quan trọng.

Cụ thể như Chương trình Dự án mô hình JCM cung cấp tài trợ lên tới 50% chi phí đầu tư ban đầu cho các công nghệ giảm phát thải, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiên tiến; Chương trình hỗ trợ thu hồi và tiêu hủy khí F-gas tập trung vào giảm phát thải từ khí làm lạnh, giúp thu hồi và phá hủy các loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh.
Bên cạnh đó là Quỹ Hỗ trợ JCM của Nhật Bản tại ADB (JFJCM) cung cấp các khoản tài trợ nhằm thúc đẩy triển khai công nghệ giảm phát thải tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, hợp tác với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB); Chương trình Hỗ trợ từ UNIDO nhắm đến các quốc gia châu Phi, hỗ trợ doanh nghiệp và chính phủ địa phương tích hợp công nghệ bền vững nhằm giảm phát thải khí nhà kính, hợp tác với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO).
Chương trình thử nghiệm công nghệ khử carbon mới tài trợ các dự án thí điểm giúp thử nghiệm và mở rộng các giải pháp đổi mới nhằm cắt giảm phát thải hiệu quả hơn; dự án JCM tại Khu vực tư nhân, khuyến khích các doanh nghiệp tự triển khai sáng kiến khử carbon...
Các chương trình này không chỉ giúp thúc đẩy chuyển giao công nghệ mà còn tạo nền tảng tài chính vững chắc để các dự án JCM mở rộng quy mô, góp phần đạt được mục tiêu giảm phát thải của cả Nhật Bản và các nước đối tác.
Một cải tiến quan trọng là Nhật Bản đã chủ động làm rõ các yêu cầu với các quốc gia đối tác từ trước, đảm bảo kế hoạch phân bổ tín chỉ phù hợp với các quy định pháp lý địa phương. Điều này giúp các dự án JCM trở nên hấp dẫn hơn với doanh nghiệp muốn bù đắp carbon.
GIẢM KHÍ NHÀ KÍNH, THÚC ĐẨY QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SANG NỀN KINH TẾ XANH
Nhật Bản cam kết giảm 46% lượng phát thải khí nhà kính (GHG) vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong hơn một thập kỷ qua, JCM đã đóng góp đáng kể vào hiện thực hóa mục tiêu này bằng cách tạo ra một lượng giảm phát thải quốc tế tích lũy khoảng 100 triệu tấn CO2 vào năm 2030. Các tín chỉ JCM được tính vào NDC của Nhật Bản, củng cố cam kết của quốc gia này với các mục tiêu khí hậu toàn cầu.
Ngoài những đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải, JCM còn thúc đẩy chuyển giao kiến thức và tiến bộ công nghệ cho các quốc gia đối tác, mang lại lợi ích bền vững lâu dài. Điều này phù hợp với các nỗ lực toàn cầu dưới Hiệp định Paris nhằm nâng cao khả năng chống chịu và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Nhiều dự án JCM đã chứng minh tác động mạnh mẽ đối với quá trình giảm phát thải và phát triển bền vững tại các quốc gia đối tác. Những dự án này không chỉ giúp giảm khí nhà kính mà còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Một trong những dự án tiêu biểu là điện mặt trời nổi tại Thái Lan, nơi các tấm pin mặt trời được lắp đặt trên mặt nước để tận dụng tối đa diện tích hồ chứa, giảm áp lực sử dụng đất đai, đồng thời tối ưu hóa hiệu suất phát điện.
Tại Philippines, dự án sản xuất điện nhiệt đôi đã tận dụng năng lượng địa nhiệt để cung cấp điện ổn định với lượng phát thải carbon thấp. Công nghệ nhiệt đôi cho phép khai thác nguồn nhiệt từ lòng đất một cách hiệu quả, giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và tận dụng tối đa nguồn năng lượng sạch sẵn có.
Bên cạnh đó, hệ thống làm lạnh tiết kiệm năng lượng tại Indonesia là một trong những dự án mang lại tác động rõ rệt trong lĩnh vực công nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ làm lạnh tiên tiến giúp giảm đáng kể mức tiêu thụ điện năng trong các nhà máy, từ đó giảm chi phí vận hành cho doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào mục tiêu giảm phát thải của Indonesia. Hiệu quả năng lượng không chỉ giúp giảm khí nhà kính mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Một dự án đáng chú ý khác là Dự án thu gom metan từ bãi rác tại Mexico, biến khí metan- một loại khí nhà kính có tác động mạnh hơn CO₂ thành nguồn năng lượng tái tạo. Bằng cách thu gom và chuyển hóa khí metan thành điện năng, dự án không chỉ giảm phát thải, mà còn tạo ra nguồn điện bền vững, phục vụ nhu cầu năng lượng địa phương.
Mỗi dự án JCM không chỉ đơn thuần là một giải pháp công nghệ, mà còn mang lại giá trị kinh tế- môi trường bền vững, giúp các quốc gia đối tác tiến gần hơn đến các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Những thành tựu này cho thấy JCM không chỉ là một cơ chế tín chỉ carbon, mà còn là động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên phạm vi quốc tế.
Ngoài ra, Nhật Bản đã thiết lập các sáng kiến xây dựng năng lực để nâng cao chuyên môn địa phương trong triển khai dự án, giám sát và xác nhận phát thải (MRV) và quản lý tín chỉ. Những nỗ lực này rất quan trọng để đảm bảo rằng các quốc gia đối tác có thể duy trì công nghệ carbon thấp một cách độc lập sau giai đoạn đầu tư ban đầu.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành công nhưng JCM vẫn đối mặt với một số thách thức, trong đó có độ phức tạp thể chế. Việc phối hợp các bên liên quan, bao gồm các cơ quan chính phủ, nhà đầu tư tư nhân và những người thực hiện dự án, đòi hỏi một khuôn khổ quản trị chặt chẽ.
Rào cản tài chính cũng là một thách thức vì việc mở rộng các dự án JCM đòi hỏi đầu tư liên tục. Mặc dù Nhật Bản cung cấp hỗ trợ tài chính đáng kể nhưng việc đảm bảo rằng các quốc gia chủ nhà và các đơn vị tư nhân có thể duy trì các dự án sau khi kết thúc giai đoạn tài trợ ban đầu vẫn là yếu tố quan trọng.
Bên cạnh đó, khoảng cách về kiến thức kỹ thuật giữa các bên liên quan có thể cản trở việc triển khai dự án. Các sáng kiến xây dựng năng lực, bao gồm các chương trình đào tạo và nỗ lực chuyển giao công nghệ, cần được mở rộng để giải quyết vấn đề này
Cuối cùng, sự thay đổi trong các động lực của thị trường carbon ảnh hưởng đến nhu cầu và giá trị của các tín chỉ JCM. Việc đảm bảo các tín chỉ JCM vẫn cạnh tranh trên các thị trường carbon quốc tế là điều thiết yếu để duy trì sự tin tưởng của các nhà đầu tư và tính bền vững của các dự án.