14:08 31/12/2024

Động lực thúc đẩy hoạt động tái chế

Tùng Dương

Theo chuyên gia, EPR là cơ hội lớn với ngành tái chế Việt Nam, tạo ra nguồn tài chính để thúc đẩy tái chế. Đặc biệt, với những sản phẩm xuất khẩu, việc sử dụng nguyên liệu tái với tỷ lệ nhất định, đáp ứng tiêu chuẩn như một “thẻ xanh” để vào các thị trường khó tính…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chính sách Trách nhiệm Mở rộng của Nhà sản xuất (EPR) được quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 đối với việc tái chế các sản phẩm như: Pin, ắc quy, dầu nhớt, săm lốp và bao bì thương phẩm.

Theo các chuyên gia, điều này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quản lý chất thải và thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế ở Việt Nam, tạo ra một cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực thi; giúp các doanh nghiệp hiểu rõ trách nhiệm của mình và có định hướng cụ thể trong hoạt động tái chế, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Thông tin về kết quả sau 1 năm triển khai, tại tọa đàm toàn cảnh triển khai EPR tại Việt Nam mới đây, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Giám đốc Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia cho biết các nhà sản xuất, nhập khẩu đã đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải từ 1/1/2022, dự kiến, hết năm 2024 đạt khoảng 1.500 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được sử dụng hỗ trợ chính quyền các địa phương thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

EPR LÀ CƠ HỘI LỚN VỚI NGÀNH TÁI CHẾ VIỆT NAM PHÁT TRIỂN

Các chuyên gia nhận xét, ngành tái chế ở Việt Nam đã hình thành nhưng còn non trẻ, hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu so với triển khai chính sách EPR.

 Luật Bảo vệ môi trường đã có những quy định ưu đãi hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường trong đó có hoạt động tái chế. Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 08 của Chính phủ quy định các dự án, hoạt động tái chế sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai, vốn, tín dụng và trợ giá theo quy định của Chính phủ.

EPR là cơ hội lớn với ngành tái chế Việt Nam, tạo ra nguồn tài chính để thúc đẩy tái chế. Theo ông Hùng nếu như trước đây các nhà tái chế dựa trên quy luật thị trường, chỉ đầu tư, thực hiện khi có lợi nhuận nhưng hiện nay, khi có thêm nguồn lực từ nhà sản xuất nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm, phải đầu tư thực hiện tái chế.

Động lực thúc đẩy hoạt động tái chế - Ảnh 1

Bên cạnh đó, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trình Chính phủ ban hành quy định về ưu đãi tín dụng xanh cho các dự án xanh trong đó có các dự án, hoạt động tái chế được ưu đãi vay vốn.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường còn có Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hỗ trợ các dự án tái chế vay vốn ưu đãi, với lãi suất thấp hơn ngân hàng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận nguồn vốn này để đầu tư mở rộng quy mô nhà máy tái chế…

Từ góc nhìn của doanh nghiệp tái chế, ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững, Công ty Nhựa tái chế Duy Tân, cho biết với EPR, vấn đề tái chế và thu gom được quan tâm nhiều hơn. Minh chứng trong năm 2024, sản lượng thu gom đã tăng gấp rưỡi so với năm trước. Nếu như trước đây chỉ có khoảng 3 đơn vị tìm hiểu về tái chế nhưng sang năm nay đã có gần 10 đơn vị. Ngoài những doanh nghiệp FDI tiên phong trong thu gom, tái chế các sản phẩm của đơn vị đã đưa ra thị trường, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tìm hiểu tham gia.

Thống kê trong năm 2024, mỗi ngày doanh nghiệp thu gom 180 tấn rác thải nhựa đã qua sử dụng. Với chính sách EPR và sự ủng hộ, sử dụng của các nhà sản xuất, nhập khẩu, ông Lê Anh cho biết công ty có thể tăng công suất lên tối đa 100.000 tấn/năm. Nếu trước đây chỉ tái chế những sản phẩm thấp cấp nhưng với công nghệ hiện nay có thể tái chế các chai nhựa cho ra sản phẩm hạt nhựa có thể thổi tạo ra chai nhựa (tái sinh chai nhựa), cung cấp khoảng 6,5 tỷ chai mỗi năm vào năm 2026.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp tái chế trong thời gian đầu chính là nguồn nguyên liệu đầu vào và tìm đầu ra cho sản phẩm. Nếu như trước đây khái niệm sản phẩm tái chế còn khá xa với thì từ khi có quy định về EPR, sự quan tâm và tiêu dùng trong nước đã tăng lên rõ rệt. Hiện nay, có nhiều sản phẩm chai tái chế trên thị trường có tỷ lệ nhựa tái chế 50%, thậm chí 100%. 

Là một trong những đơn vị sớm tiếp cận tái chế, vào thời điểm vận hành nhà máy năm 2021, khoảng 90% sản lượng sản phẩm tái chế là xuất khẩu. Nhưng hiện nay, tỷ lệ này đã thay đổi, tiêu thụ trong nước chiếm khoảng 50%, còn lại được xuất khẩu đi 15 nước trên thế giới.

Để các nhà tái chế hoạt động hiệu quả hơn, tối ưu nhất, ông Lê Anh cho rằng cần thiết kế sinh thái cho sản phẩm chai nhựa thân thiện với tái chế. Thực tế sản lượng thu gom trên thị trường 100 tấn nhưng doanh nghiệp chỉ tái chế được khoảng 60- 65% bởi 1 chai nhựa thường gồm 3 loại vật liệu khác nhau (nắp, thân chai và nhãn dán, keo…).

“THẺ XANH” CHO CÁC DOANH NGHIỆP VÀO THỊ TRƯỜNG KHÓ TÍNH

Để khuyến khích thúc đẩy EPR triển khai mạnh mẽ hơn, Vụ Pháp chế cho biết dự kiến sẽ nghiên cứu ban hành một số chính sách mới. Một số nhà sản xuất, nhập khẩu đã đề xuất cần có quy định tỷ lệ ưu đãi khi họ sử dụng nguyên liệu tái chế, có thể giảm trừ trách nhiệm thực hiện EPR. Đây là một đề xuất mới, giúp thúc đẩy thực hiện EPR, phát triển kinh tế tuần hoàn, khép kín vòng đời sản phẩm nhưng chưa có tiền lệ, cần xem xét cân nhắc.

Ngoài ra bên cạnh tái chế có thể có chính sách quy định liên quan đến tín chỉ carbon. Theo nghiên cứu, nếu tái chế 1 tấn nhựa PET, bao bì, giấy hoặc lon nhôm… có thể quy đổi ra tín chỉ carbon. Với cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ông Hùng cho biết đang nghiên cứu quy định vấn đề này trong thời gian tới để thúc đẩy đầu tư hoạt động tái chế, hưởng lợi nhuận; đồng thời tạo thêm nguồn tài chính từ việc bán tín chỉ carbon.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh vấn đề truyền thông thay đổi nhận thức hành vi người tiêu dùng ủng hộ các sản phẩm có nguồn gốc từ tái chế. Thực tế thời gian đầu, các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm tái chế ghi rõ tỷ lệ tái chế trên bao bì nhưng hiện nay nhiều đơn vị đã không nêu thông tin này. Một trong những nguyên nhân là do phản ứng của một bộ phận người dùng thị trường về vấn đề này.

Đại diện nhà tái chế Duy Tân cho hay mặc dù các sản phẩm nhựa của doanh nghiệp đạt các chứng chỉ của Hoa Kỳ và châu Âu để xuất khẩu sang nhiều nước, nhưng ở thị trường tiêu dùng Việt Nam có đặc thù riêng nên các chứng nhận này là chưa đủ. Để các chai nhựa tái chế xuất hiện trên thị trường, doanh nghiệp phải mất 2-3 năm để test thử nghiệm tại các đơn vị.

Chia sẻ điều này, ông Hùng đặt vấn đề người tiêu dùng còn e dè trong sử dụng các sản phẩm tái chế vì những lo ngại chất lượng sản phẩm. Ở Việt Nam không nhiều doanh nghiệp tái chế có thể đạt được tiêu chuẩn của Mỹ về an toàn thực phẩm. Do đó, nếu các doanh nghiệp tái chế đầu tư công nghệ hiện đại, có được những chứng chỉ tiêu chuẩn này thì người tiêu dùng sẽ an tâm, tin tưởng sử dụng các sản phẩm tái chế hơn.

Đặc biệt, ông Hùng cho rằng hiện nay, một tín hiệu tích cực từ các thị trường các nước phát triển đặt ra các yêu cầu với sản phẩm hàng hóa. Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu và để hàng hóa vào được các thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ thì các sản phẩm phải đáp ứng điều kiện, đạt được tỷ lệ tái chế nhất định. Do đó, việc sử dụng các nguyên liệu tái chế cho sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn như một “thẻ xanh” để vào các thị trường khó tính.

 

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, thế giới thải ra hơn 300 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, trong đó 79% nằm ở các bãi rác hoặc ngoài môi trường tự nhiên, 12% bị đốt và chỉ có 9% được tái chế. Mỗi phút có khoảng 1 triệu chai nhựa và 5.000 tỷ túi ni-lông được tiêu thụ. 

Tại Việt Nam, theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó 0,28- 0,73 triệu tấn bị thải ra biển. Bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng, riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon. Tuy nhiên, việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn hạn chế, 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại được tái chế.