Dòng tiền “cố thủ”, blue-chips tụt giá, VN-Index đỏ
Độ rộng thị trường sáng nay vẫn khá tích cực, cổ phiếu tăng giá nhiều hơn, nhưng VN-Index vẫn để mất 0,59 điểm. Nguyên nhân là do nhóm blue-chips VN30 giảm cả loạt, đặc biệt ở các cổ phiếu vốn hóa lớn, tạo sức ép mạnh lên chỉ số. Lực cầu ở nhóm này lùi giá sâu khiến bên bán phải hạ giá xuống...
Độ rộng thị trường sáng nay vẫn khá tích cực, cổ phiếu tăng giá nhiều hơn, nhưng VN-Index vẫn để mất 0,59 điểm. Nguyên nhân là do nhóm blue-chips VN30 giảm cả loạt, đặc biệt ở các cổ phiếu vốn hóa lớn, tạo sức ép mạnh lên chỉ số. Lực cầu ở nhóm này lùi giá sâu khiến bên bán phải hạ giá xuống.
VN30-Index chốt phiên sáng giảm 0,21% trong khi VN-Index giảm 0,05%, Midcap tăng 0,23% và Smallcap tăng 0,59%. Độ rộng tổng thể ở sàn HoSE tích cực với 220 mã tăng/143 mã giảm, trong khi VN30 chỉ có 9 mã tăng/16 mã giảm.
VCB đã dừng giảm sáng nay, đang chốt tham chiếu nhưng cả loạt trụ khác lại rơi. GAS giảm 0,93%, CTG giảm 0,86%, VIC giảm 0,58%, VHM giảm 0,36%, MSN giảm 0,66%. Dù mức giảm này khá nhẹ nhưng trên thực tế giá đã có hành trình trượt dốc đáng kể. Ví dụ CTG đã để mất 1,19% so với giá đỉnh, GAS tụt 0,93%, VIC tụt 1,33%, VHM tụt 0,72%... Đầu phiên cả rổ chỉ duy nhất HDB là đỏ, cùng 3 mã khác tham chiếu, còn lại đều tăng.
Nguyên nhân khiến các blue-chips giảm giá là lực cầu quá yếu ở vùng giá xanh. Thanh khoản cả rổ VN30 đến gần 10h vẫn còn kém, nhưng sau đó tăng rất nhanh. Cùng với đó là chỉ số đạt đỉnh và các cổ phiếu bắt đầu trượt dốc dần. Đến hết phiên nhóm VN30 tăng 44% so với sáng hôm qua, đạt 1.875,4 tỷ đồng. STB, HPG, SSI, NVL… là những mã thanh khoản cao nhất nhóm thì đều trượt giá mạnh.
Ít phút cuối phiên sáng cổ phiếu nhóm VN30 đã cân bằng hơn và bắt đầu giằng co đi ngang. Nguyên nhân là áp lực bán đẩy giá xuống đã bắt đầu chạm tới lượng chờ mua giá đỏ. Nếu thanh khoản chững lại đầu phiên chiều thì có khả năng nhu cầu bán đã giảm đi. Đó là thời điểm trông đợi một đợt phản công từ phía mua. Hiện thanh khoản tại rổ này mới chiếm khoảng 25% tổng khớp ở HoSE.
Ngoài nhóm blue-chips, phần còn lại giao dịch khá tốt. Độ rộng áp đảo phía tăng tuy không có biên độ lớn nhưng cũng khá mạnh. Toàn sàn HoSE có 220 mã tăng giá thì 90 mã tăng trên 1%. Dòng tiền tập trung mạnh vào nhóm Midcap dù nhóm này cũng phân hóa 32 mã tăng/26 mã giảm. Sức ép cũng xuất hiện ở một số cổ phiếu của nhóm như VND giảm 0,26%, DIG giảm 1,6%, SHB giảm 0,79%, DBC giảm 0,24%, DXG giảm 0,66%. Những mã này đều thanh khoản trên trăm tỷ đồng.
Tuy vậy nhiều cổ phiếu khác nhận được dòng tiền mạnh và tăng giá. GEX tăng 4,95%, HCM tăng 3,48%, VIX tăng 3,62%, PVD tăng 1,64%, KBC tăng 0,87%, VCI tăng 1,08% đều thuộc nhóm thanh khoản cao nhất thị trường.
Tính theo mức phân bổ vốn, giao dịch ở nhóm tăng giá sáng nay chiếm 55,8% tổng khớp sàn HoSE và giao dịch ở nhóm giảm chiếm 32,1%. Như vậy thị trường vẫn đang tích cực ở góc độ dòng tiền, giúp mức tăng thanh khoản 78% ở sàn này có yếu tố mua giá cao rõ rệt. Điều bất lợi là sự “cố thủ” của bên mua đối với các cổ phiếu blue-chips cản trở cơ hội tăng giá nhóm này và trực tiếp cản trở khả năng tăng ở chỉ số, gây ra trạng thái “đỏ vỏ xanh lòng”.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay bán ròng 140,3 tỷ đồng tại HoSE, chủ yếu tập trung vào VNM với mức bán ròng 124,3 tỷ đồng. TPB, FCN, GEX, VCB, CTG, VRE là các mã khác bị bán ròng loanh quanh 10 tỷ đồng. Phía mua có STB +91,6 tỷ, DBC +26,4 tỷ là đáng chú ý. Mức giải ngân của khối này mới chiếm 8,3% tổng giao dịch sàn HoSE và bán chiếm xấp xỉ 10%.
Như vậy giao dịch đang tăng lên ở nhóm nhà đầu tư trong nước. Điểm khá thú vị là tuần trước nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước ghi nhận mức bán ròng đột biến khoảng 3.407 tỷ đồng thì hai phiên đầu tuần này đã quay lại mua ròng hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó mua ròng qua khớp lệnh 919 tỷ đồng.