19:05 03/04/2023

Dư địa hợp tác thương mại giữa các địa phương của Việt Nam và tỉnh Tứ Xuyên còn rất lớn

Vũ Khuê

Tuy có vị trí, vai trò quan trọng và là thị trường đầy tiềm năng với dân số khoảng 84 triệu người, nhưng hợp tác kinh tế, thương mại Tứ Xuyên (Trung Quốc) với Việt Nam còn chưa xứng với tiềm năng của hai bên…

Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu sản phẩm thuỷ sản sang Trung Quốc.
Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu sản phẩm thuỷ sản sang Trung Quốc.

Ngày 3/4, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Xúc tiến thương mại Tứ Xuyên (CCPIT) tổ chức “Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc (Tứ Xuyên)”.

KIM NGẠCH SONG PHƯƠNG CÒN RẤT KHIÊM TỐN

Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Lê Hoàng Tài cho rằng mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 nhưng hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Những năm gần đây, hợp tác Việt Nam – Trung Quốc (Tứ Xuyên) không ngừng đi vào chiều sâu và ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực nhờ tận dụng tốt lợi thế hợp tác giữa hai nước, cơ hội do “Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực” (RCEP) mang lại và sự kết nối của tuyến đường sắt liên vận Trung Quốc – Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp lớn của tỉnh Tứ Xuyên đã đầu tư tại Việt Nam và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của các địa phương của Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở giao lưu kinh tế, thương mại, Việt Nam – Trung Quốc (Tứ Xuyên) còn duy trì chặt chẽ giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa và các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau.

Mặc dù vậy, đại diện Cục xúc tiến Thương mại thẳng thắn, tuy có vị trí, vai trò quan trọng và thị trường đầy tiềm năng với dân số khoảng 84 triệu người, nhưng hợp tác kinh tế, thương mại Tứ Xuyên với Việt Nam còn chưa xứng với tiềm năng của hai bên.

Năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Quốc (Tứ Xuyên) mới chỉ đạt trên 11 tỷ USD, chiếm tỷ trọng còn rất khiêm tốn trong tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Quốc.

Hơn nữa, năm 2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên sụt giảm khoảng 20% so với năm 2021.

“Hiện tại, trong bối cảnh hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc đã cơ bản khôi phục hoàn toàn như trước khi xảy ra đại dịch Covid - 19, có thể thấy tiềm năng và dư địa để khai thác, phát triển hợp tác kinh tế, thương mại giữa các địa phương của Việt Nam và tỉnh Tứ Xuyên còn rất lớn”, ông Tài nhấn mạnh.

KHAI THÁC LỢI THẾ GIAO THÔNG THUẬN LỢI HAI BÊN

Chia sẻ tại hội nghị, bà Hoàng Lê, Chủ tịch Uỷ ban Xúc tiến Thương mại tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) cho biết Tứ Xuyên đứng vị trí thứ 4 trong khu tự trị, diện tích đứng thứ 5 toàn Trung Quốc, là địa phương đứng thứ sáu về kinh tế của Trung Quốc, với GDP năm 2022 đạt hơn 4.500 tỷ nhân dân tệ, tăng 2,9% và GDP bình quân theo đầu người đạt hơn 10.000 USD. Quy mô ngoại thương của tỉnh Tứ Xuyên năm 2022 đạt 151,1 tỷ USD, tăng 2,7% so với năm 2021.

Điều này chứng tỏ Tứ Xuyên có vị trí địa lý vô cùng đặc biệt và có tiềm năm kinh tế vô cùng to lớn, có môi trường rộng lớn nhiều tiềm năng cho phát triển.

Số liệu của Cục Thống kê tỉnh Tứ Xuyên cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và tỉnh Tứ Xuyên đạt khoảng 11,3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 7,4% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh Tứ Xuyên. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của tỉnh Tứ Xuyên trong các nước ASEAN.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Vũ Khuê.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Vũ Khuê.

Hơn nữa, bà Hoàng Lê cho rằng Tứ Xuyên có vị thế quan trọng, nằm trong các quy hoạch chiến lược phát triển liên kết vùng trọng điểm của Trung Quốc như: “Sáng kiến vành đai con đường”, “Vành đai kinh tế sông Trường Giang”, nằm trên tuyến đường vận tải liên vận quốc tế trên bộ - trên biển mới, chiến lược “Song Thành” (Trùng Khánh – Thành Đô), tuyến đường sắt Trung Quốc - châu Âu. Do đó, Tứ Xuyên có vai trò kết nối liên thông giữa khu vực nội địa Trung Quốc với các nước láng giềng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó là sự thuận tiện về giao thông. Tuyến đường sắt giữa thành Đô – Trung Khánh tới châu Âu mới mở nhưng mang lại hiệu quả lớn. Tứ Xuyên có hơn 2 sân bay quốc tế, mở hơn 130 tuyến bay quốc tế. “Như vậy, giờ đây chúng tôi có con đường tơ lụa trên không, nên sự kết nối giữa các quốc gia với nhau sẽ chặt chẽ”, Chủ tịch Uỷ ban Xúc tiến Thương mại tỉnh Tứ Xuyên nhấn mạnh.

Ông Lê Hoàng Tài cho biết thêm, ngày 18/4/2022, Trung Quốc khai trương chuyến tàu chở hàng đầu tiên từ Thành Đô đến Hà Nội, Việt Nam. Đó là chuyến tàu Shuangliu (Song Lưu) – là mô hình liên vận tải quốc tế đường không - đường sắt. Việc khai trương chuyến tàu chở hàng Thành Đô (Shuangliu) - Hà Nội sẽ cải thiện hơn nữa mạng lưới vận tải hàng không, đường biển, đường bộ phía Tây Trung Quốc, giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa các cơ hội từ RCEP và tăng cường kết nối thương mại quốc tế giữa Trung Quốc (Tứ Xuyên) với các nước ASEAN nói chung, với Việt Nam nói riêng.

Ngày 11/6/2022, tuyến vận tải đường bộ cao tốc xuyên biên giới ASEAN Việt Nam – Trung Quốc (Tứ Xuyên) đã được thông xe hai chiều để hỗ trợ việc xây dựng hành lang vận chuyển liên vận đất liền – trên biển mới ở phía Tây Trung Quốc.

Tiếp đến, ngày 29/09/2022, Trung Quốc tiếp tục khai trương chuyến tàu vận tải thẳng từ Thành Đô đến ga Đồng Đăng, Lạng Sơn, Việt Nam, mở ra một kênh hậu cần quốc tế mới, an toàn và nhanh chóng để vận tải hàng hóa từ Tứ Xuyên đến các nước ASEAN trong đó có Việt Nam.

“Như vậy, với quy mô dân số lớn và các thế mạnh về du lịch, công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo, khai khoáng và cơ sở giao thông vận tải hiện đại, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã, đang và sẽ là đối tác tiềm năng của nhiều địa phương của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực hợp tác”, ông Lê Hoàng Tài nhấn mạnh.

Bà Hoàng Lê nói: “Mong rằng sự hợp tác hai bên trở nên thiết thực hơn. Đây cũng là cơ hội để hai nước mở ra một chương mới, giai đoạn hợp tác mới tốt hơn, hiệu quả hơn. Hai bên cần cố gắng hợp tác hơn nữa để các sản phẩm thâm nhập được vào thị trường của nhau, đến tận tay của người tiêu dùng hai nước”.

Đồng thời, bà đề xuất, phía Việt Nam cần tổ chức nhiều hơn hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư để các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, tìm hiểu thị trường Tứ Xuyên hơn nữa. Thúc đẩy kết nối qua nhiều nền tảng, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp hai nước.