Lào Cai “thấp thỏm” vì giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc liên tục sụt giảm
Hiện tại, Trung Quốc đang thực hiện kiểm tra 100% các mặt hàng nông sản, trái cây chủ lực của Việt Nam do Việt Nam chưa ký kết được Nghị định thư về kiểm dịch với phía Trung Quốc...
Sáng ngày 31/3/2023, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp thương mại, xuất nhập khẩu, logistics trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Theo báo cáo tại Hội nghị, tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2022 đạt 2.245,24 triệu USD; giảm 35,91% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu 423,62 triệu USD, giảm 15,03% so với cùng kỳ 2022, đạt 8,47% kế hoạch. Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 164,59 triệu USD, giảm 36,57% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 7,66% Kế hoạch năm.
Giá trị nhập khẩu đạt 89,96 triệu USD, giảm 21,81% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 10,34% Kế hoạch năm; các loại hình khác đạt 169,07 triệu USD, tăng 36,33% so với cùng kỳ 2022, đạt 8,54% Kế hoạch.
Trong năm 2022, do phía Trung Quốc tiếp tục duy trì thực hiện chính sách “Zero Covid”, đồng thời tại Việt Nam tình hình dịch bệnh các tháng đầu năm vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, do đó phía Trung Quốc tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 rất chặt chẽ, dẫn đến giá trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu tỉnh Lào Cai đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện nay, tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Việt Nam) - Bắc Sơn (Trung Quốc), hoạt động xuất nhập khẩu cơ bản đã được khôi phục hoàn toàn như trước khi diễn ra dịch Covid-19; trung bình mỗi ngày có khoảng 300 phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu, trong đó có 100 - 130 phương tiện Việt Nam vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, chiếm khoảng 30 - 40% tổng số phương tiện xuất nhập khẩu.
Từ ngày 15/02/2023 phía Trung Quốc đã chính thức cho phép người điều khiển phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được nhập cảnh vào Trung Quốc để đưa hàng hóa vào khu vực kho, bãi tại cửa khẩu để giao hàng, sang tải.
Mặc dù mở cửa, nhưng Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, các biện pháp kiểm dịch đối với người và hàng hóa qua biên giới đã được chính quyền các tỉnh giáp biên giới triển khai mạnh mẽ, hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng rất lớn.
Hiện tại, đối với các mặt hàng nông sản, trái cây chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc như thanh long, dưa hấu, xoài, mít, nhãn, vải, chôm chôm,… phía Trung Quốc thực hiện kiểm tra với tỷ lệ 100% các lô hàng hóa nhập khẩu do hầu hết các loại nông sản, trái cây của Việt Nam chưa ký kết được Nghị định thư về kiểm dịch với phía Trung Quốc. Việc này làm tăng nhiều thời gian và chi phí trong quá trình thông quan hàng hóa.
Tổng Cục Hải quan Trung Quốc (GACC) ban hành và triển khai thực hiện Lệnh 248 và 249 về việc đăng ký doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc, quy định về bao bì, kiểm dịch động, thực vật.
Hiện nay, đối với một số loại mặt hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh như sắn lát, ớt quả, cà phê... phía Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu phải thực hiện đăng ký mã GACC mới có thể xuất khẩu vào thị trường này.
Thời gian gần đây, phía Hà Khẩu, Trung Quốc điều tiết, thay đổi cơ chế, chính sách quản lý hoạt động thương mại biên giới (tăng thuế khoán đối với hàng hóa nhập khẩu theo hình thức biên mậu) dẫn đến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chi phí tăng cao.
Trong 03 năm trở lại đây do các cửa khẩu phụ, lối mở bị đóng cửa, việc xuất khẩu hàng hóa hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động của cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành là rào cản rất lớn trong việc thông quan hàng hóa.
Không chỉ gặp khó với các quy định của nước bạn, tại Lào Cai, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, logistics như: các doanh nghiệp kho bãi, logistics gặp khó khăn trong thu hút, tìm kiếm khách hàng do cạnh tranh trực tiếp về giá dịch vụ đối với Trung tâm dịch vụ cửa khẩu (Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh); doanh nghiệp vẫn còn mất nhiều thời gian trong thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục hải quan...
Đại diện nhiều doanh nghiệp mong muốn tỉnh Lào Cai tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác xuất nhập khẩu, logistics; cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị chức năng tích cực vào cuộc và tiếp tục đồng hành với các doanh nghiệp, xóa bỏ các rào cản hiện tại, tránh tình trạng trên nóng dưới lạnh, trên nhanh dưới chậm;
Một số ý kiến của doanh nghiệp đề xuất, Lào Cai làm tốt hơn nữa công tác ngoại giao, kết nối với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong thời gian tới; các ngành chức năng, chuyên môn cần đưa ra các giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao giá trị xuất nhập khẩu từ nay đến cuối năm...
Trước các khó khăn của doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Lào Cai yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng phương án phân luồng, giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất, đạt hiệu quả tối đa nhất để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistics hoạt động; nhanh chóng đưa bộ phận hành chính công cửa khẩu tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh vào hoạt động theo cơ chế công khai, minh bạch, hiệu quả; tăng cường hoạt động cửa khẩu số...
Đối với các lực lượng ở cửa khẩu như biên phòng, hải quan, giao thông... tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp tại Hội nghị, tiến hành kiểm tra, rà soát các khâu, bộ phận liên quan; đảm bảo cán bộ, công chức ngành mẫu mực, chuyên tâm, tinh thần trách nhiệm cao trong việc thực thi nhiệm vụ.