16:13 02/12/2024

Dự kiến, năm 2025 bố trí khoảng 16,5 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội

Hoàng Lan

Theo Dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng soạn thảo, lãi suất cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội bằng lãi suất cho vay hộ nghèo được Thủ tướng quy định trong từng thời kỳ. Dự kiến năm 2025 bố trí 16,5 nghìn tỷ đồng...

Bộ Xây dựng ước tính cần 500.000 tỷ đồng để thực hiện Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ trong giai đoạn 2021-2030.
Bộ Xây dựng ước tính cần 500.000 tỷ đồng để thực hiện Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ trong giai đoạn 2021-2030.

Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành Trái phiếu chính phủ. 

Tiêu chí, điều kiện vay của gói áp dụng theo Nghị định số 100/2024/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Theo đó, người dân được vay tối đa 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội. Trường hợp xây mới, sửa chữa nhà ở, mức vay tối đa là 70% và không quá 1 tỷ đồng. Lãi suất bằng mức cho vay với hộ nghèo được Thủ tướng quy định trong từng thời kỳ. Thời hạn vay tối đa 25 năm. Thời gian giải ngân gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho đến khi giải ngân hết gói tín dụng này, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2030.

Việc phân bổ giải ngân gói tín dụng ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội dự kiến được thực hiện như sau. Năm 2025 bố trí khoảng 16.500 tỷ đồng; năm 2026 bố trí khoảng 16.500 tỷ đồng; năm 2027 bố trí khoảng 16.500 tỷ đồng; năm 2028 bố trí khoảng 16.500 tỷ đồng; năm 2029 bố trí khoảng 16.500 tỷ đồng; năm 2030 bố trí khoảng 17.500 tỷ đồng. 

 

Theo Bộ Xây dựng, để thực hiện Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ trong giai đoạn 2021-2030 cần nguồn vốn lên tới 500.000 tỷ đồng.

Để thực hiện gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng phát hành trái phiếu Chính phủ để có vốn cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Cũng theo dự thảo, đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan phân bổ nguồn vốn Trái phiếu chính phủ cho phát triển nhà ở xã hội. Trong quá trình thẩm định chủ trương đầu tư các dự án hạ tầng khu công nghiệp, phải thẩm định việc dành quỹ đất phát triển nhà ở công nhân theo quy định Luật Nhà ở.

Đối với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ giao cơ quan này phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để triển khai hiệu quả chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội.

Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng đề án phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, gửi hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh cho Bộ Tài chính để trình Thủ tướng phê duyệt, cấp bảo lãnh Chính phủ cho Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ, quản lý nguồn vốn theo quy định.

Cùng đó, các địa phương phải có cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.

Trước đó, trong báo cáo về quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023, Đoàn giám sát Quốc hội đánh giá việc triển khai đề án xây một triệu căn nhà xã hội chưa đạt yêu cầu, đa số địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu.

Theo báo cáo, việc triển khai còn bị động, do ngân sách chưa bố trí thỏa đáng. Vì thế, phần lớn dự án xây bằng nguồn lực ngoài nhà nước do doanh nghiệp hoặc hợp tác xã xây dựng. Trong khi thực tế nhiều doanh nghiệp tại khu công nghiệp không mặn mà việc xây nhà cho công nhân.