17:14 14/10/2015

Đua vào Nhà Trắng: Hillary Clinton ghi điểm

An Huy

Trong phiên tranh luận này, bà Clinton tái khẳng định quan điểm phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)

Ông Bernie Sanders (trái) và bà Hillary Clinton trong cuộc tranh luận tối ngày 13/10 - Ảnh: Reuters.<br>
Ông Bernie Sanders (trái) và bà Hillary Clinton trong cuộc tranh luận tối ngày 13/10 - Ảnh: Reuters.<br>
Bà Hillary Clinton đã gây ấn tượng nổi bật trong cuộc tranh luận đầu tiên giữa các ứng cử viên của đảng Dân chủ tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016.

Email, Phố Wall và chủ nghĩa tư bản

Theo tin từ Reuters, trong cuộc tranh luận đầu tiên được truyền hình trực tiếp giữa các ứng cử viên Dân chủ, bà Clinton bất ngờ được đối thủ chính là ông Bernie Sanders ủng hộ trong vấn đề bà sử dụng hộp thư điện tử cá nhân khi còn là Ngoại trưởng Mỹ. Động thái này của ông Sanders giúp làm “hạ nhiệt” cuộc gây tranh cãi vốn phủ bóng lên chiến dịch tranh cử của bà Clinton thời gian gần đây.

“Hãy để tôi nói một điều gì đó có thể không tuyệt vời lắm về mặt chính trị, nhưng tôi cho rằng vị Ngoại trưởng đã đúng”, Sanders nói. “Người dân Mỹ đã mệt mỏi và chán ngấy vì phải nghe về những bức email chết tiệt của bà”.

Đám đông khán giả ồ lên và bà Clinton cười rạng rỡ.

“Cảm ơn Bernie”, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ nói, miệng mỉm cười và bắt tay vị thượng nghị sỹ đến từ bang Vermont trong tiếng vỗ tay tán thưởng.

Phát biểu của Sanders về “những bức email chết tiệt” đã trở thành khoảnh khắc được bình luận nhiều nhất trên mạng xã hội Facebook trong suốt 2 giờ đồ hồ tranh luận. Bản thân ông Sanders cũng là ứng cử viên được nói đến nhiều nhất trên Facebook.

Nhưng ngay sau khoảnh khắc có vẻ thân tình này, bà Clinton và ông Sanders chuyển sang xung đột trong những vấn đề như Phố Wall, chủ nghĩa tư bản, kiểm soát súng, và chính sách của Mỹ ở Syria...

Sanders chỉ trích chính quyền của cựu Tổng thống Bill Clinton, phu quân của bà Clinton, vì đã nới lỏng kiểm soát đối với Phố Wall trong thập niên 1990.

“Quốc hội không điều tiết Phố Wall, mà Phố Wall đang điều tiết Quốc hội”, Sanders phát biểu.

Đáp trả, bà Clinton nói nước Mỹ cần làm nhiều việc hơn là chỉ tập trung chú ý vào các ngân hàng lớn.

“Chúng ta có nhiều việc để làm. Tôi sẽ không tranh cãi đâu, nhưng tôi biết nếu chúng ta không đưa ra một chương trình cứng rắn và toàn diện như kế hoạch mà tôi sẽ đề xuất, thì chúng ta sẽ tụt hậu thay vì dẫn trước”, bà Clinton nói.

Ông Sanders, 74 tuổi, đang dẫn trước bà Clinton, 67 tuổi, trong cuộc thăm dò diễn ra ở New Hampshire, một trong những bang sẽ bỏ phiếu đầu tiên.

Bà Clinton, người đang nỗ lực chặn đà vươn lên của ông Sanders, đã tấn công trực diện vào việc đối thủ này nói rằng nước Mỹ nên học theo mô hình phát triển kinh tế của các quốc gia châu Âu như Đan Mạch, Thụy Điển và Nauy.

“Tôi cho rằng những gì thượng nghị sỹ Sanders đang nói chắc chắn là hợp lý với tình trạng bất bình đẳng ở Mỹ hiện nay. Nhưng chúng ta không phải là Đan Mạch. Chúng ta yêu mến Đan Mạch, nhưng chúng ta là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”, bà Clinton nói.

Ông Sanders, người tự miêu tả bản thân là một người “xã hội chủ nghĩa dân chủ”, nói ông không tán thành hệ thống tư bản Mỹ.

“Liệu tôi có coi bản thân mình là một phần của quy trình tư bản kiểu sòng bạc mà ở đó một số ít người có quá nhiều và quá nhiều người có quá ít, ở đó sự tham lam và bất cẩn của Phố Wall phá hỏng nền kinh tế? Không, tôi không phải là một phần trong đó”, ông Sanders tuyên bố.

Quản lý súng, TPP

Hai ứng cử viên cũng “đấu khẩu” quyết liệt về các vụ xả súng liên tiếp xảy ra tại các trường học Mỹ thời gian qua, một vấn đề đang giữ vị trí ngày càng lớn trong cuộc bầu cử.

Bà Clinton nói ông Sanders không đủ cứng rắn trong vấn đề này và nhắc lại việc ông đã bỏ phiếu chống lại một điều luật buộc các nhà sản xuất súng phải có trách nhiệm lớn hơn dưới thời Tổng thống Clinton.

Bảo vệ quan điểm của mình, Sanders nói ông ủng hộ việc tăng cường kiểm tra nhân thân người muốn mua súng và lấp đầy những lỗ hổng luật pháp cho phép dễ dàng mua và bán súng tại các triển lãm súng.

Ngoài hai ứng cử viên dẫn đầu của đảng Dân chủ, tham gia cuộc tranh luận còn có các ứng cử viên khác gồm Lincoln Chafee, Thống đốc bang Rhode Island; Martin O’Malley, cựu Thống đốc bang Maryland; và James Webb, cựu Thượng nghị sỹ bang Virginia.

Các ứng cử viên kém nổi bật này tập trung vào việc ngầm công kích bà Clinton. Ông Chafee nói ông không có vụ bê bối nào trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, ám chỉ vụ bê bối email của bà Clinton, và nói điều quan trọng đối với vị tổng thống tiếp theo của Mỹ là cần phải tuân thủ chặt chẽ các chuẩn mực cao nhất về đạo đức.

Tuy nhiên, khi được người dẫn chương trình hỏi bà có muốn đáp trả không, bà Clinton đáp ngắn gọn: “Không”, và nhận được một tràng vỗ tay tán thưởng.

Có một nhân vật không xuất hiện trên sân khấu của cuộc tranh luận này, nhưng vẫn khiến các ứng cử viên Dân chủ lo ngại. Đó là đương kim Phó tổng thống Joe Biden, người đang cân nhắc tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng.

Bà Clinton ngầm công kích ông Biden bằng cách nhấn mạnh việc bà tham gia vào quyết định của chính quyền Barack Obama ra lệnh tiến hành cuộc tấn công tiêu diệt trùm khủng bố Ossama bin Ladden. Bà Clinton là người ủng hộ cuộc tấn công này, trong khi ông Biden phản đối.

Trong phiên tranh luận này, bà Clinton tái khẳng định quan điểm phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khi được người dẫn chương trình của kênh CNN đặt câu hỏi về TPP, bà Clinton thừa nhận đã ủng hộ TPP trong thời gian còn là Ngoại trưởng Mỹ, thậm chí hy vọng rằng TPP sẽ đạt được “tiêu chuẩn vàng”. Nhưng sau khi đàm phán kết thúc, thì TPP “không đạt được những tiêu chuẩn mà tôi mong muốn”, bà Clinton phát biểu.

“Cũng giống như hầu hết mọi người mà tôi biết, tôi có một dãy quan điểm. Chúng đều xuất phát từ giá trị và những kinh nghiệm của bản thân tôi”, bà Clinton nói.

Về phần mình, ông Sanders cũng là một người phản đối mạnh TPP. Sau khi thỏa thuận này hoàn tất đàm phán hồi tuần trước, ông miêu tả đó là một thỏa thuận “thảm họa” đối với người tiêu dùng và việc làm Mỹ, đồng thời tuyên bố “sẽ làm tất cả những gì có thể để khiến TPP thất bại”.

Tuy nhiên, trong nội dung tranh luận giữa bà Clinton và ông Sanders tối 13/10, vấn đề TPP hầu như không được nhắc tới.