Đua xây nhà ở xã hội, nhiều địa phương cần gọi vốn hàng chục nghìn tỷ đồng
Hàng loạt dự án nhà ở xã hội đã và đang được các địa phương lên kế hoạch mời gọi đầu tư, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp…
Cùng với chủ trương của Chính phủ, Bộ Xây dựng về xây dựng nhà ở xã hội, khu nhà dành cho công nhân, nhiều tỉnh, thành phố đã khẩn trương phê duyệt đầu tư, xây dựng hàng loạt dự án nhà ở xã hội.
NHIỀU DỰ ÁN ĐÃ TÌM ĐƯỢC CHỦ ĐẦU TƯ
Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau đã công bố tìm được chủ đầu tư cho dự án nhà ở xã hội (Khóm 5, phường 9, TP. Cà Mau), quy mô 13,2ha, vốn đầu tư trên 724 tỷ đồng sau khi công bố thông tin chào thầu vào tháng 6/2021.
Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển hạ tầng Á Đông, dự kiến sẽ đầu tư xây dựng trong 60 tháng, tính từ quý 4/2021 đến hết quý 4/2026.
Ngoài ra, cũng trên địa bàn TP. Cà Mau, tại phường Tân Xuyên, Sở Xây dựng tỉnh này cũng đang mời thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư nhà ở xã hội quy mô 3,44ha, có sẵn đất sạch, không phải bồi thường giải phóng mặt bằng. Dự kiến tổng mức đầu tư gần 108 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau, đến năm 2025, tỉnh sẽ phát triển khoảng 1.000 nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp, vì trên địa bàn có khoảng 4.200 hộ có nhu cầu nhà ở nên đòi hỏi cần quỹ đất rất lớn.
Tại Đồng Tháp, UBND tỉnh này đã chấp thuận đầu tư dự án nhà ở xã hội Mỹ Phú (phường Mỹ Phú, TP. Cao Lãnh), quy mô 1,163ha, với 504 căn hộ và dãy nhà liên kế với 20 căn hộ thương mại, vốn đầu tư gần 530 tỷ đồng.
Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Khai thác xây dựng vận tải Phương Nam sẽ triển khai thi công từ quý 1/2022 đến quý 1/2025, hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động trong quý 2/2025.
Tỉnh Hậu Giang cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng cho 02 dự án nhà ở xã hội đều nằm trên địa bàn TP. Ngãy Bảy. Trong đó, dự án Khu nhà ở xã hội (ấp Mái Dầm, xã Đại Thành), quy mô hơn 11ha, tổng vốn đầu tư trên 1.042 tỷ đồng đã tìm được chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng.
Nhà đầu tư này sẽ thực hiện xây dựng hoàn chỉnh khu nhà ở xã hội thấp tầng, liền kề với 722 căn nhà (603 căn nhà ở xã hội và 119 căn nhà ở thương mại).
Dự án Khu nhà ở xã hội (đường 3 tháng 2, khu vực 6, phường Ngã Bảy) quy mô 8,942ha, tổng vốn đầu tư hơn 692 tỷ đồng cũng đã được phê duyệt. Đối với dự án này, UBND tỉnh Hầu Giang yêu cầu phải hoàn thành không quá 24 tháng kể từ khi hoàn thành giao đất cho nhà đầu tư.
Tỉnh Bình Định vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Công ty cổ phần Hàng hải Bình Định thực hiện dự án nhà ở xã hội Hàng hải Bình Định. Quy mô dự án hơn 5.066m2, tổng chi phí thực hiện 1.075 tỷ đồng, dự án sẽ hoàn thành vào quý 4/2026.
TP. Đà Nẵng đang kêu gọi đầu tư 04 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích 117.025m2. Cụ thể, dự án nhà ở xã hội tại khu đất B4-1, B4-2 Khu tái định cư Hòa Hiệp 4, quận Liên Chiểu; Khu đất nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ, giai đoạn 2; 02 dự án tại huyện Hoà Vang là khu đất chung cư số 3 và số 5 thuộc khu B - khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ.
Mới đây, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã lên danh sách 10 dự án nhà ở xã hội kêu gọi đầu tư xây dựng, gồm: 05 dự án nhà ở công nhân tại Khu 14,5ha Khu đô thị mới Phú Mỹ; 02 dự án nhà ở xã hội tại TP. Vũng Tàu; 01 dự án tại TP.Bà Rịa; 02 dự án tại các huyện Châu Đức và Đất Đỏ.
Theo UBND Bà Rịa – Vũng Tàu, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở khoảng 6.900 trường hợp. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện với 09 dự án (diện tích 15,1ha để bố trí cho 5.214 căn). Bảo đảm cho một bộ phận công nhân có chỗ ở ổn định, 14 dự án (diện tích 19,67ha để bố trí cho 4.819 căn) cũng được đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Tỉnh Ninh Thuận cũng dự kiến huy động hơn 9.878 tỷ đồng để thực hiện chương trình phát triển nhà ở đối với 770 căn nhà ở cho công nhân và 2.364 căn nhà ở xã hội; 1.118 căn nhà ở cho người có công với cách mạng; 7.268 căn nhà ở cho hộ nghèo nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tự do và người thu nhập thấp.
KẾ HOẠCH 1 TRIỆU CĂN NHÀ GIÁ THẤP
Là những địa phương có đông công nhân làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn, mới đây, cả 03 địa phương là TP.HCM, Bình Dương, Long An đều tuyên bố xây dựng đề án 01 triệu nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động.
Theo đó, TP.HCM đang có hơn 99.000 căn hộ cho thuê với hơn 723.000 phòng, số người thuê gần 1,7 triệu người, trong đó, có 886.000 công nhân, ghi nhận từ Sở Xây dựng TP.HCM.
Khoảng 280.000 công nhân làm việc tại tại 17 khu công nghiệp và khu chế xuất, nhưng chỉ có 8% công nhân được ở trong khu lưu trú các khu công nghiệp. Do đó, TP.HCM sẽ phát triển 01 triệu căn hộ giá rẻ để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân tại thành phố.
Hiện tại tỉnh Bình Dương đang có 40 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, đưa vào sử dụng. Ngoài ra, có đến trên 600.000 phòng trọ cho thuê đã góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho trên 1.481.000 người lao động.
Mục tiêu của Bình Dương đặt ra trong giai đoạn 2021-2025 là phát triển thêm 01 triệu căn nhà nhằm giải quyết chỗ ở cho công nhân, người thu nhập thấp, nhất là người lao động tại các khu, cụm công nghiệp.
Tại tỉnh Long An, tỉnh ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, địa phương đang xây dựng đề án 500.000 - 1 triệu nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động. Với quy hoạch 35 Khu công nghiệp, hiện có 16 khu đang hoạt động, 19 khu đang giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư. Nếu 19 khu này lấp đầy và đi vào hoạt động, Long An có tổng cộng gần 2 triệu công nhân, người lao động. Do đó, nhu cầu đối với nhà ở xã hội cho công nhân rất lớn và đây cũng là chủ trương của tỉnh để giữ chân công nhân lao động.
CỞI TRÓI CHÍNH SÁCH
Để hỗ trợ cho các dự án nhà ở giá thấp, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia các dự án này, mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) kiến nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét bổ sung vào Luật Nhà ở (sửa đổi) các cơ chế hỗ trợ nhà thương mại giá thấp với mức ưu đãi bằng 25-50% chính sách đang áp dụng cho nhà ở xã hội.
Cụ thể, HoREA đề nghị giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho các dự án nhà thương mại giá thấp (dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất); giảm 25% thuế suất thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với mô hình nhà thương mại giá thấp (ở nhóm thuế này các dự án nhà ở xã hội được giảm 50%).
Nếu có chính sách ưu đãi, doanh nghiệp có thể làm được nhà ở thương mại giá thấp với mức giá không quá 25 triệu đồng một m2 tại các đô thị đặc biệt và đô thị loại I là thành phố trực thuộc Trung ương. Nhà không quá 23 triệu đồng một m2 có thể được phát triển đối với các đô thị loại I khác và không quá 20 triệu đồng một m2 đối với các đô thị còn lại.
Ngoài ra, Hiệp hội cũng kiến nghị cho người mua nhà thương mại giá thấp được vay ưu đãi với lãi suất 7,2-7,5% một năm trong 10-15 năm, bằng khoảng 1,5 lần lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội.
Hiện nay, người mua nhà ở xã hội được vay ưu đãi lãi suất khoảng 4,8-5% một năm, tối đa không quá 25 năm. Người mua nhà ở thương mại giá thấp sau 5 năm cũng cần được Luật Nhà ở (sửa đổi) bảo vệ quyền bán, chuyển nhượng mà không phải nộp lại tiền sử dụng đất đã được hỗ trợ khi mua nhà.
Về phía cơ quan quản lý đầu ngành, Bộ Xây dựng cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 gói tín dụng 65.000 tỷ đồng và cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất... Các dự án này có chất lượng xây dựng như nhà ở thương mại.
Ông Bùi Hồng Minh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết Bộ sẽ sớm rà soát tiêu chuẩn, quy chuẩn của nhà trọ, nhà lưu trú cho công nhân cũng như các chính sách cho nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội, nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn cuộc sống và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của ngành xây dựng.