Evergrande sẽ không gây khủng hoảng tài chính toàn cầu?
Cuộc khủng hoảng nợ ở công ty bất động sản khổng lồ Evergrande của Trung Quốc đã làm dấy lên mối lo về một sự kiện tương tự “khoảnh khắc Lehman Brothers” – ngân hàng đầu tư Mỹ sụp đổ, “châm ngòi” cho khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008...
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng có cơ sở để tin những gì đang diễn ra ở Evergrande sẽ không kéo theo những hậu quả đáng sợ như vậy.
Gánh khối nghĩa vụ nợ lên tới hơn 300 tỷ USD, Evergrande chứng kiến giá cổ phiếu niêm yết tại thị trường Hồng Kông giảm gần 90% trong thời gian từ tháng 7 năm ngoái tới nay, khi Chính phủ Trung Quốc siết chặt kiểm soát đối với hoạt động đầu cơ trên thị trường địa ốc. Những ngày gần đây, việc Evergrande ngấp nghé bờ vực vỡ nợ đã gây nhiều sóng gió trên thị trường tài chính thế giới.
Dù vậy, giới phân tích đã chỉ ra một khác biệt lớn giữa cuộc khủng hoảng Evergrande và vụ sụp đổ Lehman Brothers: Evergrande có đất đai, còn Lehman chỉ nắm tài sản tài chính.
EVERGRANDE NẮM NHIỀU TÀI SẢN THỰC TẾ
Trao đổi với hãng tin CNBC, ông Rob Carnell, Trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ING, nói rằng Evergrande có vấn đề về dòng tiền, nhưng nói về rủi ro hệ thống “thực lòng, là hơi quá một chút”. “Hãy đối diện với thực tế, đây không phải là một vụ như Lehman hay LTCM”, ông Carnell nhắc đến Quỹ đầu cơ Mỹ Long-Term Capital Management sụp đổ vào thập niên 1990 và gây ra sự hoảng loạn trên thị trường tài chính.
Ông nhấn mạnh rằng Evergrande “không phải là một quỹ đầu cơ với trạng thái đòn bẩy nợ khổng lồ hay một ngân hàng với những tài sản tài chính đang rớt giá về 0. Evergrande là một công ty phát triển bất động sản nợ rất nhiều, khoảng hơn 300 tỷ USD”.
Theo ông Carnell, nếu có được dòng tiền, Evergrande có thể hoàn thành các dự án đang dang dở, bán đi và trả nợ.
Cũng nhìn vào khối tài sản của Evergrande, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của Macquarie, ông Larry Hu nói rằng tài sản là đất đai và các dự án phát triển nhà của Evergrande có trị giá trên 1,4 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 220 tỷ USD. “Dù đang cạn thanh khoản, nhưng Evergrande nắm rất nhiều đất đai”, ông Hu phát biểu.
Theo ông Hu, vụ “sập tiệm” Lehman Brothers đã biến các sản phẩm tài chính phái sinh như hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) và các nghĩa vụ nợ có đảm bảo (CDO) thành mớ giấy lộn, khiến thị trường nghi ngờ về “sức khoẻ” của các ngân hàng khác.
“Nhưng khó có chuyện khủng hoảng Evergrande khiến giá đất giảm chóng mặt. Xét cho cùng, giá đất vẫn minh bạch và ổn định hơn các tài sản tài chính. Điều này đặc biệt đúng ở Trung Quốc, nơi các chính quyền địa phương là nguồn cung cấp đất duy nhất. Họ có động lực mạnh mẽ để ổn định giá đất. Trong trường hợp xấu nhất, chính quyền thậm chí có thể mua lại đất như đã làm hồi năm 2014-2015”, ông Hu nói.
SỰ KIỂM SOÁT MẠNH MẼ CỦA CHÍNH PHỦ TRUNG QUỐC
Một khác biệt quan trọng nữa giữa khủng hoảng Evergrande với vụ Lehman là mức độ kiểm soát lớn và tham gia nhiều của Chính phủ Trung Quốc trong lĩnh vực bất động sản.
Công ty nghiên cứu China Beige Book nhận định trong một báo cáo: “Các ngân hàng Trung Quốc và nhiều thực thể khác trước hết có vai trò là cánh tay của Chính phủ, sau nữa mới là vai trò trung gian. Ngay cả những công ty tài chính phi quốc doanh ở Trung Quốc cũng được kiểm soát ở một cấp độ cao hơn nhiều so với ở các quốc gia khác. Một công ty vỡ nợ hay không sẽ tuỳ thuộc vào lựa chọn của Chính phủ. Nếu Bắc Kinh nói hãy cho vay, thì các ngân hàng của họ sẽ cho vay. Sẽ không có một câu chuyện như Lehman”, báo cáo nhận định.
Ngân hàng đầu tư huyền thoại của Mỹ sụp đổ cách đây 13 năm, trong một khoảnh khắc đã trở thành biểu tượng của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Lehman bảo lãnh phát hành hàng chục tỷ USD chứng khoán đảm bảo bằng nợ dưới chuẩn trong bong bóng nhà đất ở Mỹ. Chính phủ Mỹ cuối cùng đã để mặc cho Lehman sụp đổ, nhưng chìa tay cứu các định chế tài chính khác.
Về phần mình, Trung Quốc những năm gần đây đã cho phép thị trường đóng một vai trò lớn hơn trong nền kinh tế, chẳng hạn đã cho phép xảy ra một số vụ vỡ nợ của các doanh nghiệp quốc doanh. Nhưng theo chuyên gia Hu của Macquarie, Bắc Kinh sẽ kiên nhẫn trong trường hợp Evergrande, vì hai mục tiêu là vừa giải quyết tình trạng doanh nghiệp liều lĩnh thái quá trong đầu tư, vừa giữ vững sự ổn định của thị trường bất động sản.
“Đầu tiên, các nhà hoạch định chính sách sẽ chờ, và sau đó họ sẽ vào cuộc để đảm bảo một cuộc tái cơ cấu nợ có trật tự”, ông Hu dự báo. “Một cuộc giải cứu toàn diện là điều khó xảy ra, và các cổ đông/chủ nợ có thể phải gánh tổn thất lớn. Nhưng Chính phủ sẽ đảm bảo rằng những căn hộ bán trước của Evergrande sẽ hoàn thành và được giao cho người mua nhà”.
Ông Hu cũng đề cập đến cách mà Chính phủ Trung Quốc gần đây tái cơ cấu những doanh nghiệp khổng lồ khác của nước này như Công ty bảo hiểm Anbang, Ngân hàng Baoshang, Tập đoàn đa lĩnh vực HNA Group, và Công ty quản lý nợ xấu Huarong. “Hệ thống ngân hàng của Trung Quốc đạt lợi nhuận hàng năm 1,9 nghìn tỷ Nhân dân tệ và nguồn vốn dự phòng 5,4 nghìn tỷ Nhân dân tệ, có thể dễ dàng hấp thụ tổn thất mà Evergrande gây ra”, ông Hu phát biểu.
IMF: “TRUNG QUỐC CÓ CÔNG CỤ”
Trên một số phương diện Evergrande có mối ràng buộc trực tiếp với các nhà đầu tư nước ngoài thậm chí còn lớn hơn cả với toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc. Theo dữ liệu của ngân hàng UBS, công ty này có 19 tỷ USD dự nợ trái phiếu phát hành ở nước ngoài, tương đương khoảng 9% tổng dư nợ trái phiếu USD của các nhà phát hành Trung Quốc. Trong khi đó, tổng nghĩa vụ nợ của Evergrande là 313 tỷ USD, chỉ tương đương khoảng 6,5% tổng nghĩa vụ nợ của toàn ngành bất động sản Trung Quốc.
Các nhà phân tích của UBS cho rằng Evergrande sẽ trải qua một cuộc tái cấu trúc nợ và giá trái phiếu công ty này sẽ thoát đáy, hạn chế ảnh hưởng lan rộng. Giới phân tích cũng tính đến khả năng Evergrande phải thanh lý toàn bộ tài sản, nhưng khả năng này là thấp.
Trao đổi với hãng tin Reuters, chuyên gia kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Gita Gopinath, cho biết định chế này tin rằng “Trung Quốc có công cụ và dư địa chính sách để ngăn vụ Evergrande trở thành một cuộc khủng hoảng hệ thống”.
Tuy nhiên, chưa có gì đảm bảo chắc chắn 100% Bắc Kinh sẽ can thiệp. Các quan chức Chính phủ Trung Quốc đến nay chưa đưa ra tuyên bố công khai nào về Evergrande, cho dù ngành bất động sản và các lĩnh vực liên quan như xây dựng chiếm hơn 1/4 GDP Trung Quốc, theo ước tính của tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s.
Cho tới thời điểm hiện tại, hành động mới chỉ đến từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC). Cơ quan này đã có 4 phiên bơm vốn ngắn hạn liên tiếp vào hệ thống ngân hàng Trung Quốc trong thời gian từ ngày 18-23/9, với tổng lượng vốn bơm là 430 tỷ Nhân dân tệ.
“Trung Quốc sẽ làm những gì cần thiết để giảm thiểu ảnh hưởng”, ông Peter Garny, Trưởng bộ phận chiến lược thuộc Saxo Bank, nhận định. “Đối với Trung Quốc lúc này, việc quan trọng là sự giao tiếp đúng đắn và đưa ra một kế hoạch chuẩn xác về việc thị trường bất động sản sẽ như thế nào theo định hướng chính sách mới. Khi đã có được kế hoạch rồi, họ sẽ hành động rất nhanh và trên quy mô lớn”.