06:40 19/05/2021

Facebook chỉ 3 lỗi vi phạm quảng cáo phổ biến nhất tại Việt Nam

Nhĩ Anh

Với những hành vi vi phạm nghiêm trọng chính sách quảng cáo và tiêu chuẩn cộng đồng, các nhà quảng cáo có thể bị vô hiệu hóa tài khoản quảng cáo, các trang, trình quản lý kinh doanh và tài khoản người dùng cá nhân...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chia sẻ với báo chí về chính sách quảng cáo trên Facebook và quy trình thực thi những chính sách này chiều 18/5/2021, Bà Supriya Singh, Giám đốc Marketing giải pháp, bộ phận Chính sách quảng cáo, Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương đã chỉ ra 3 lỗi vi phạm quảng cáo phổ biến nhất tại Việt Nam.

Theo đó, thứ nhất là quảng cáo loại hình phương thức kinh doanh bị cấm, không thể chấp nhận. Đó là những hình thức quảng bá sản phẩm, dịch vụ, chương trình hoặc ưu đãi sử dụng các phương thức lừa đảo hoặc gây hiểu nhầm, bao gồm những phương thức lừa tiền hoặc thông tin cá nhân của mọi người.

Thứ hai là mua bán hoặc sử dụng tài khoản quảng cáo bị xâm phạm, hack, sử dụng các trang/ nhóm/ hồ sơ bị xâm phạm; tạo tương tác giả; sửa đổi quảng cáo để né tránh hệ thống kiểm soát… Trong số này, việc sửa đổi quảng cáo để né tránh hệ thống kiểm soát được Facebook nhấn mạnh là một trong những lỗi vi phạm rất nặng.

Lỗi thứ ba được Supriya Singh nhấn mạnh là sức khỏe cá nhân. Theo đó, quảng cáo phải hạn chế các nội dung khẳng định các thuộc tính, đặc điểm cá nhân như tình trạng sức khỏe, tuổi tác, khuyết tật... Đặc biệt không quảng cáo chứa hình ảnh kết quả trước và sau mang tính so sánh mà khó đạt được.

Đây là những vi phạm nên tránh và là những quảng cáo Facebook không muốn xuất hiện, đại diện mạng xã hội này nhấn mạnh.

Ngoài việc xem xét các quảng cáo riêng lẻ, bà Supriya Singh cho biết Facebook cũng có thể xem xét và điều tra hành vi của nhà quảng cáo như: số lần từ chối quảng cáo trước đó; mức độ nghiêm trọng hoặc loại vi phạm; các hành vi lừa đảo hoặc không trung thực (như mạo danh), cố gắng lách quá trình xét duyệt quảng cáo…

Với những hành vi vi phạm nghiêm trọng chính sách quảng cáo và tiêu chuẩn cộng đồng, các nhà quảng cáo có thể bị vô hiệu hóa tài khoản quảng cáo cụ thể, các trang, trình quản lý kinh doanh và tài khoản người dùng cá nhân..., thậm chí thu hồi tính đủ điều kiện để quảng cáo trong tương lai.

 

Tuy nhiên Facebook cũng thừa nhận không thể phát hiện tất cả vi phạm có thể xảy ra bởi một quảng cáo đang chạy không phải lúc nào cũng tuân thủ chính sách. Bên cạnh đó, cả máy móc và con người đều có thể mắc sai lầm khiến việc thực thi chính sách không thật sự hoàn hảo.

Hiện nay, bên cạnh tiêu chuẩn cộng đồng, chính sách quảng cáo của Facebook đặt ra các yêu cầu bổ sung đối với nhà quảng cáo để giúp bảo vệ người dùng khỏi những quảng cáo kém chất lượng và có khả năng gây hại. Các chính sách bổ sung này giúp kết nối giữa doanh nghiệp và người dùng ý nghĩa hơn. Ví dụ, Facebook không cho phép các quảng cáo lừa đảo và những nội dung nhạy cảm, ảnh khỏa thân hoặc bạo lực quá mức…

Không giống như nội dung không trả phí, hệ thống xét duyệt quảng cáo của Facebook được thiết kế để kiểm duyệt tất cả các quảng cáo trước khi chúng hiển thị trên nền tảng. Hệ thống xét duyệt chủ yếu dựa vào công nghệ tự động để thực thi chính sách đối với hàng triệu quảng cáo chạy trên các ứng dụng. Bên cạnh đó, Facebook cũng sử dụng các kiểm duyệt viên để cải thiện, đào tạo hệ thống tự động, cũng như xem xét thủ công trong một số trường hợp vi phạm.

Hệ thống xét duyệt quảng cáo sẽ xem xét các quảng cáo có vi phạm chính sách quảng cáo không. Quá trình này có thể bao gồm các thành phần cụ thể của quảng cáo như hình ảnh, video, văn bản và thông tin mục tiêu quảng cáo, trang đích của quảng cáo (nơi người dùng được hướng tới sau khi nhấp vào quảng cáo, ví dụ một trang web). Dựa trên kết quả xét duyệt, một quảng cáo có thể bị từ chối hoặc được phép chạy.

Với những quảng cáo bị từ chối, bà Supriya Singh cho biết, nhà quảng cáo có thể tạo mới hoặc chỉnh sửa để giải quyết các vi phạm chính sách. Trong cả hai trường hợp, những quảng cáo này được coi là quảng cáo mới và được hệ thống xét duyệt quảng cáo xem xét lại.

Còn với những quảng cáo bị từ chối một cách không hợp lý, nhà quảng cáo có thể yêu cầu xét duyệt lại. Facebook sẽ dựa vào đội ngũ xét duyệt nhiều hơn để xử lý các yêu cầu này, nhưng vẫn liên tục đánh giá các phương pháp tăng cường tự động hóa để giúp cải thiện tốc độ và hiệu quả.

Trước đó mạng xã hội này từng nhiều lần “dính” vi phạm về quảng cáo được cơ quan quản lý cảnh báo trong đó có việc cung cấp quảng cáo cho các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp tại Việt Nam; quảng cáo vũ khí, vật liệu cháy nổ, buôn bán hàng giả, động vật hoang dã, lô đề cơ bạc, các mặt hàng không được phép quảng cáo trên phương tiện truyền thông đại chúng như rượu, thuốc lá…

 

Thống kê hiện có 2,6 tỷ người trên thế giới sử dụng một hoặc nhiều ứng dụng của Facebook mỗi ngày, hơn 200 triệu doanh nghiệp sử dụng các công cụ miễn phí để tiếp cận người tiêu dùng và hơn 10 triệu nhà quảng cáo đang hoạt động trên các dịch vụ của mạng xã hội này.