Facebook, Google, Tiktok đã gỡ bỏ hơn 15.000 nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam
Năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục duy trì việc đấu tranh, yêu cầu các nền tảng phải ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam, theo đó hơn 15.000 nội dung vi phạm đã được các nền tảng xuyên biên giới gỡ bỏ…
Ngày 28/11, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá hoạt động lĩnh vực thông tin điện tử năm 2024, định hướng năm 2025 và phổ biến nghị định số 147/2024/NĐ-CP quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Báo cáo đánh giá về hoạt động thông tin điện tử, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho hay, năm 2024, đã có thêm 80 trang thông tin điện tử tổng hợp và 40 mạng xã hội trong nước được cấp phép. Năm 2024, có 40 mạng xã hội được cấp phép. Tính đến 15/11/2024 có 1.056 giấy phép thiết lập mạng xã hội.
Tổng số lượng tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng xã hội trong nước khoảng 110 triệu, trong đó số số lượng tài khoản người dùng Zalo hàng tháng là 76,5 triệu (tính đến 30/6/2024). Tổng số tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng xã hội nước ngoài khoảng 203 triệu, trong đó: Facebook là 72 triệu, YouTube - 63 triệu và Tiktok - 67 triệu. “Như vậy, đến thời điểm hiện tại, nền tảng Zalo có đông tài khoản đăng ký sử dụng hơn 3 nền tảng xuyên biên giới”, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đánh giá.
Theo báo cáo, năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã cấp 23 Giấy phép trò chơi điện tử G1, 30 Giấy chứng nhận trò chơi điện tử G2, G3, G4. Bộ cũng đã cấp 13 Giấy xác nhận thông báo thông tin liên hệ của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.
Theo ước tính của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, năm 2024 doanh thu ngành game ước đạt khoảng 12.500 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2023. Số lượng lao động ngành game năm 2024 ước khoảng 4.100 người, tăng 31% so với năm 2023.
Trong năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương đã kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh 236 trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, tài khoản mạng xã hội. Trong đó, xử phạt 46 trường hợp với tổng số tiền phạt là hơn 1 tỷ đồng,
Các Sở Thông tin và Truyền thông địa phương cũng đã thực hiện kiểm tra 1.040 trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, phát hiện, xử lý và chấn chỉnh 290 trang có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật (20 trường hợp biểu hiện “báo hóa”), rà soát xử lý 83 tên miền có dấu hiệu vi phạm (buộc thu hồi 2 tên miền).
Bên cạnh các hoạt động trên, năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục duy trì việc đấu tranh, yêu cầu các nền tảng phải ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam. Kết quả là Facebook đã chặn, gỡ 8.981 nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam (tỷ lệ 94%); Google đã chặn, gỡ 6.043 nội dung vi phạm trên YouTube (tỷ lệ 91%); TikTok chặn, gỡ 971 nội dung vi phạm, (tỷ lệ 93%). Năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục duy trì việc đấu tranh, yêu cầu các nền tảng phải ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đánh giá, các nền tảng xuyên biên giới đã tích cực hợp tác với cơ quan quản lý, để xử lý các nội dung vi phạm và đẩy mạnh truyền thông giúp người dân cảnh giác với tin giả, tin lừa đảo.
Trung tâm Xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử) đã kết nối với các địa phương, hình thành mạng lưới xử lý tin giả quốc gia (20 tỉnh, thành phố). Nhờ đó, các địa phương đã chủ động xác minh và xử lý ngay vi phạm tại địa bàn.
Tình trạng “báo hóa” trang tin và mạng xã hội đã được nhận diện, tập trung chấn chỉnh thông qua thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ hoạt động. Nhờ đó, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã giảm đáng kể.
Hoạt động quản lý quảng cáo xuyên biên giới đã đi vào nền nếp, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lớn đều ý thức, nhận thức phải tuân thủ quy định về quảng cáo.
Trong năm qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp cùng các doanh nghiệp sản xuất và phát hành trò chơi điện tử triển khai được nhiều hoạt động quan trọng có tính chất định hướng phát triển ngành. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã sát cánh với cơ quan quản lý, cùng nhau thúc đẩy ngành game Việt Nam phát triển vươn tầm thế giới.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng game lậu, game cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường game trong nước, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng. Trong năm 2025, cơ quan chức năng sẽ phối hợp với các doanh nghiệp và địa phương rà soát, xử lý.
Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết trong năm 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung triển khai Nghị định số 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; việc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại di động Việt Nam; yêu cầu các mạng xã hội chặn, khóa tài khoản, trang, kênh thường xuyên vi phạm; tiếp tục xử lý "báo hóa" trang thông tin điện tử và mạng xã hội...