12:09 06/04/2022

FLC bị xả sát giá sàn, cổ phiếu ngân hàng “rục rịch” nổi sóng

Kim Phong

Ảnh hưởng của cổ phiếu VIC sáng nay quá lớn, chiếm một nửa điểm số mất đi của VN-Index. Nhóm blue-chips VN30 một lần nữa cho thấy khả năng điều tiết khi đa số cổ phiếu vẫn tăng và thu hút thanh khoản vượt trội.

Trong nhóm vốn hóa lớn nhất của VN-Index, các mã tăng vượt trội vẫn chỉ là nhóm tầm trung, nên chỉ kéo được VN30-Index.
Trong nhóm vốn hóa lớn nhất của VN-Index, các mã tăng vượt trội vẫn chỉ là nhóm tầm trung, nên chỉ kéo được VN30-Index.

Ảnh hưởng của cổ phiếu VIC sáng nay quá lớn, chiếm một nửa điểm số mất đi của VN-Index. Nhóm blue-chips VN30 một lần nữa cho thấy khả năng điều tiết khi đa số cổ phiếu vẫn tăng và thu hút thanh khoản vượt trội.

VN-Index kết phiên sáng giảm 4,7 điểm tương đương 0,31%. Đây có thể xem là một thất bại nho nhỏ, vì lúc gần 11h chỉ số này đạt đỉnh đã tăng 0,24% so với tham chiếu. VIC sụt giá là nguyên nhân chính.

Thông tin dừng cho vay ký quỹ với VIC đã khiến áp lực bán ra ở cổ phiếu này tăng cao. Mới hết phiên sáng mà khối lượng chuyển nhượng tại VIC đã bằng cả ngày hôm qua, khoảng 5,33 triệu cổ, tương đương 284,4 tỷ đồng. VIC giảm 2,55% là mức rơi mạnh nhất kể từ đầu tháng 3 vừa qua.

Cùng với VIC, một vài mã lớn khác cũng gây tác động xấu là NVL giảm 2,51%, VCB giảm 1,08%, VHM giảm 1,05%. Sức mạnh vốn hóa của những cổ phiếu này, nhất là 3 cổ phiếu lớn nhất thị trường VCB, VIC, VHM, đã triệt tiêu toàn bộ sức tăng của các mã khác.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng sáng nay có sự phân hóa đáng kể giữa các blue-chips lớn nhất và nhóm nhỏ hơn. VCB, BID là hai mã lớn nhất và duy nhất giảm. Phía tăng tốt là LPB tăng 0,73%, VPB tăng 3,79%, MBB tăng 1,23%, NVB tăng 3,1%, PGB tăng 3,1%. Trong 27 mã ngân hàng, có 9 mã giảm và 12 mã tăng.

VPB là cổ phiếu mạnh vượt trội trong nhóm ngân hàng, thậm chí là mạnh nhất rổ blue-chips VN30. Tăng 3,79% nhờ thanh khoản đột biến gần 26,66 triệu cổ trị giá 1.047,4 tỷ đồng, VPB đã tiến sát tới đỉnh cao lịch sử của chính mình. Chỉ riêng phiên sáng thanh khoản của VPB đã tưng 69% so với cả ngày hôm qua và cao gấp đôi mức bình quân 20 phiên.

VN30-Index thể hiện sức mạnh tốt của các cổ phiếu blue-chips tầm trung.
VN30-Index thể hiện sức mạnh tốt của các cổ phiếu blue-chips tầm trung.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng là một phần nguyên nhân giúp VN30-Index kết phiên sáng tăng 0,46% so với tham chiếu, trong khi VN-Index giảm 0,31%, Midcap giảm 0,44%, Smallcap giảm 0,88%. VPB có vốn hóa lớn thứ 3 trong VN30-Index nhưng còn chưa vào Top 10 của VN-Index. Ngoài ra HPG tăng 2,71%, MWG tăng 2,58%, FPT tăng 1,74% đều là các trụ của VN30, dù chỉ là mã tầm trung của VN-Index.

Nhóm VN30 hôm nay cũng khá mạnh, độ rộng duy trì 14 mã tăng/12 mã giảm và nhất là dòng tiền đã quay lại ấn tượng. Tổng giá trị khớp lệnh rổ này gần 6.394 tỷ đồng, tương đương 38% giá trị khớp sàn HoSE. Điều duy nhất VN30 còn thiếu là nhóm trụ của VN-Index lại không nằm trong số tăng giá.

Nhóm cổ phiếu FLC hôm nay bước vào phiên T+3 then chốt khi hơn 100 triệu cổ bắt đáy hôm 1/4 về tài khoản. Mức giao dịch sáng nay của FLC là 34,39 triệu cổ, tức là vẫn nhỏ so với lượng hàng bắt đáy. Tuy nhiên một phần vì giá FLC lại giảm tới 6,17%, sát mức sàn, nên lợi nhuận bắt đáy không nhiều. Nếu nhà đầu tư mua được giá sàn hôm 1/4 thì lợi nhuận cũng chưa tới 4%, còn nếu đua giá thì chắc chắn lỗ. Do vậy không phải nhà đầu tư nào cũng bán ra hôm nay, nhất là khi vẫn có hơn 6 triệu cổ đang kê mua giá sàn.

Tất cả các cổ phiếu “họ” FLC hôm nay đều diễn biến giảm mạnh: Ngoài FLC, ROS giảm 6,86%, KLF giảm 5,26%, AMD giảm 5,17%, HAI giảm 5,54%, ART giảm 5,62%.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ sáng nay yếu, khi độ rộng của các rổ đều hẹp. Nhất là với Smallcap, chỉ có 55 mã tăng/142 mã giảm. Độ rộng chung của HoSE cũng không tốt, với 159 mã tăng/273 mã giảm. Như vậy vẫn chỉ có VN30 là duy trì được mặt bằng giá tốt nhất.

Tổng thanh khoản khớp lệnh hai sàn niêm yết phiên sáng đã tăng trên 43% so với sáng hôm qua, đạt 18.956 tỷ đồng. Sàn HoSE tăng 44%, đạt 16.853 tỷ đồng. Phần lớn mức tăng thanh khoản này là nhờ giao dịch của cổ phiếu blue-chips.