08:33 24/12/2022

Gắn kết doanh nghiệp - trường nghề: Hiệu quả khi đào tạo những gì thị trường cần

Nhật Dương

Việc hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp giúp đào tạo đúng trọng tâm, nâng tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm. Sự gắn kết này sẽ hiệu quả hơn khi trường nghề xác định rõ đào tạo những gì thị trường lao động đang có nhu cầu…

Việc hợp tác với doanh nghiệp tạo môi trường thực tập cho sinh viên. Ảnh - N.Dương.
Việc hợp tác với doanh nghiệp tạo môi trường thực tập cho sinh viên. Ảnh - N.Dương.

Công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp ngày càng được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường nghề đẩy mạnh, từ đó đem lại hiệu quả thiết thực, nâng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngày càng tăng lên rõ rệt.

PHÂN LUỒNG, ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP TỪ SỚM

Tại Trường Trung cấp Quốc tế Hà Nội, thầy Nguyễn Trọng Tiến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, xác định tầm quan trọng của việc gắn kết đào tạo với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, từ 3 năm nay, trường đã có các hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp, nâng tổng số đơn vị có kí kết đào tạo đến nay lên 13 doanh nghiệp. Nội dung hợp tác tập trung vào giải quyết việc làm cho học sinh cũng như đảm bảo chỗ thực hành, thực tập đối với các mã ngành trọng điểm của nhà trường có liên quan là chăm sóc sắc đẹp, pha chế đồ uống và làm bánh.

“Sau khi ra trường, doanh nghiệp cam kết giải quyết việc làm cho toàn bộ sinh viên của nhà trường. Hiện ngành nghề tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao nhất là chăm sóc sắc đẹp, mức lương nếu đi làm nhân viên từ 8 – 15 triệu đồng/tháng, ăn theo sản phẩm. Ngoài ra, các em khi học xong chuyên ngành của nhà trường cũng có thể về tự mở cửa hàng về làm tóc, trang điểm, làm nail…”, thầy Nguyễn Trọng Tiến chia sẻ.  

Mặc dù việc hợp tác với doanh nghiệp đã cho những hiệu quả thiết thực với nhà trường, trực tiếp là sinh viên, song thầy Tiến cũng mong muốn việc gắn kết này cần chặt chẽ hơn nữa, các cơ quan quản lý có thể hỗ trợ là kênh cầu nối chính thức để quảng bá, giúp kết nối nhà đào tạo, người học và doanh nghiệp.

Nói về triển vọng việc làm khi chọn con đường học nghề, thầy Tiến cũng nhắn nhủ, các em học sinh hãy cứ đam mê lựa chọn ngành nghề phù hợp. “Hãy học và làm nghề bằng cái tâm thì chúng ta sẽ đều nhận được kết quả tốt đẹp”, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Quốc tế Hà Nội Nguyễn Trọng Tiến chia sẻ.

Học viên Trường Trung cấp Quốc tế Hà Nội trình diễn kỹ năng nghề chăm sóc sắc đẹp. Ảnh - N.Dương. 
Học viên Trường Trung cấp Quốc tế Hà Nội trình diễn kỹ năng nghề chăm sóc sắc đẹp. Ảnh - N.Dương. 

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Hoàng Thanh Hà, Chuyên viên đào tạo tuyển dụng, Công ty Dịch vụ mặt đất Sân bay Việt Nam (VIAGS) đánh giá cao sinh viên tốt nghiệp trường nghề và cho rằng, công ty đang rất quan tâm đến nhóm lao động này khi bước vào thị trường lao động. Theo bà Hà, thông thường ứng viên từ các trường nghề, đặc biệt liên quan đến chuyên ngành đào tạo về dịch vụ rất được nhà tuyển dụng tìm kiếm vì phù hợp cho doanh nghiệp. Việc ứng viên có quá trình thực hành kỹ năng nghề, am hiểu văn hóa ngành dịch vụ sẽ là một điểm cộng lớn cho doanh nghiệp trong quá trình đào tạo sau này.

Vì vậy, theo bà Hà, việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp sẵn từ khi các em học sinh đang học cấp 3, thậm chí cấp 2 là rất cần thiết. Bởi thực tế, nhiều trường hợp học xong 4 năm đại học cũng chưa hẳn tìm được một công việc theo đúng ngành nghề, từ đó có thể gây lãng phí nguồn nhân lực.

ĐÀO TẠO THEO NHU CẦU DOANH NGHIỆP

Từ địa phương có đông cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội nhấn mạnh, việc đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng tay nghề, gắn kết với doanh nghiệp là đòi hỏi rất cấp thiết. Hiệu quả thấy rõ là số lượng tuyển sinh vào giáo dục nghề nghiệp năm 2022 trên địa bàn thành phố tăng so với năm 2021. “Hầu hết các em ra trường có công ăn việc làm ổn định. Các trường nghề đã định hướng theo những danh mục ngành nghề mà doanh nghiệp có nhu cầu”, ông Thái thông tin.

Với vai trò tham mưu cho thành phố về quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, ông Thái cho biết, hiện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng đang yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với doanh nghiệp, từ đó biết nên đào tạo gì, thị trường lao động đang cần gì, chứ không phải đào tạo những gì mình có.

“Yêu cầu đặt ra trong năm nay cũng như các năm tiếp theo là chú trọng đào tạo những gì doanh nghiệp cần, vì vậy sự phối hợp giữa các doanh nghiệp và trường nghề đòi hỏi càng ngày càng gắn chặt hơn. Chính sự hợp tác này cũng là niềm tin đối với học sinh, sinh viên, bởi sau khi được đào tạo, ra trường các em sẽ có công ăn việc làm tốt”, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái nhấn mạnh.

Khẳng định tầm quan trọng của hợp tác giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, trong chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã nhấn mạnh: Phát triển giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực để tranh thủ thời cơ dân số vàng, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong nhiều giải pháp đặt ra, thì việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động được xác định là một trong các giải pháp đặc biệt quan trọng.

Tại Hội nghị trực tuyến về phát triển thị trường lao động cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; xây dựng chính sách ưu đãi cho học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đánh giá công nhận trình độ kỹ năng cho người lao động. Cùng với đó, cũng cần rà soát nguồn kinh phí, tiếp tục tăng cường đầu tư cho đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.