Gạo Việt Nam muốn sang Nhật Bản nhiều hơn cần tạo sự khác biệt
Gạo là mặt hàng nhạy cảm mà Nhật Bản muốn bảo hộ và đưa ra khỏi danh sách đàm phán cắt giảm thuế quan trong các hiệp định. Nên trong các FTA mà Việt Nam và Nhật Bản là thành viên, Nhật Bản không có cam kết ưu đãi đặc biệt nào cho gạo nhập khẩu từ Việt Nam...
Vào đầu tháng 7, lần đầu tiên 100 tấn gạo ST25 Việt Nam được quảng bá, bày bán chính thức tại các siêu thị, cửa hàng tại thị trường Nhật Bản.
Sự kiện đã thu hút sự tham dự của đông đảo cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến việc phân phối và bán sản phẩm gạo Việt Nam.
CÓ TIỀM NĂNG NHƯNG THÁCH THỨC LỚN
Đây là sự kiện được tổ chức bởi Liên minh Ngân hàng Kiraboshi, Công ty Suntomi Internatianal, Công ty Spice House và Tập đoàn Tân Long, với sự bảo trợ của Bộ Công Thương Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Tập đoàn Nikkoku Trust nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Nhật Bản.
Ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản nhận định: “Sự kiện 100 tấn gạo ST25 được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng của Nhật Bản đánh dấu một cột mốc quan trọng khi gạo Việt Nam sẽ chính thức xuất hiện trên bàn ăn của các gia đình Nhật Bản. Đây là tín hiệu đáng mừng cho gạo Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản trong tương lai”.
Nói về cơ hội cho gạo Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Nhật Bản, ông Minh cho biết, người Nhật hiện muốn đa dạng, làm phong phú khẩu phần ăn của họ. Như họ muốn ăn món người Ấn thì mua gạo của Ấn Độ, mua gạo của Thái Lan để chế biến món Thái Lan, món ăn Việt Nam phải có gạo từ Việt Nam… xuất phát từ nhu cầu này, người Nhật đang tìm mua gạo Việt Nam.
Đặc biệt năm 2019, gạo ST25 Việt Nam được đánh giá là loại gạo ngon nhất thế giới, giá cả phù hợp nên người Nhật cũng muốn sử dụng, tiêu thụ sản phẩm gạo này của Việt Nam.
Hơn nữa, người Việt là cộng đồng nước ngoài đông thứ hai tại thị trường Nhật Bản, nên ngoài bún, miến, phở, gia vị… gạo cũng là sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người Việt tại Nhật Bản rất lớn.
Ngoài ra, những người gốc Á sinh sống tại Nhật như người Thái, người Ấn quen ăn gạo hạt dài để phù hợp với món ăn của họ như cơm rang, cà ri…
Tuy nhiên, gạo Việt Nam vào Nhật Bản cũng sẽ gặp nhiều thách thức không nhỏ. Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nhật cho biết, trong xu hướng tự do hóa thương mại diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, Nhật Bản vẫn là nước có sự bảo hộ ở mức cao đối với nền nông nghiệp nội địa.
Gạo cũng là mặt hàng nhạy cảm mà Nhật Bản muốn bảo hộ và đưa ra khỏi danh sách đàm phán cắt giảm thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do.
Do vậy, trong các FTA mà Việt Nam và Nhật Bản là thành viên (gồm các Hiệp định AJCEP, VJEPA, CPTPP, RCEP), Nhật Bản không có cam kết ưu đãi đặc biệt nào cho gạo nhập khẩu từ Việt Nam.
Gạo Việt Nam muốn xuất khẩu sang Nhật Bản phải tham gia vào các gói đấu thầu quốc tế (theo các cơ chế tiếp cận thị trường thông thường - OMA, hoặc cơ chế mua bán song song - SBS).
Nên trong những năm gần đây gạo Việt Nam vào thị trường Nhật chủ yếu qua đường phi mậu dịch với số lượng không đáng kể và chủ yếu dùng làm nguyên liệu chế biến các thực phẩm khác như bánh, tương miso... mà không có gạo Việt Nam trên thị trường Nhật Bản.
TÌM THỊ TRƯỜNG NGÁCH CHO GẠO
Hơn nữa, tại thị trường Nhật Bản, gạo Việt Nam chưa có đủ sức cạnh tranh so với gạo của Hoa Kỳ, Thái Lan, Trung Quốc hay Úc.
Ngoài ra, để vào được thị trường Nhật, gạo Việt Nam phải đạt 600 thông số rất cao mà phía Nhật đặt ra như: đất trồng, giống lúa, sâu bệnh, dư lượng thuốc trừ sâu – thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng gạo…
Một thách thức nữa là người tiêu dùng Nhật Bản đã quen với gạo Japonica dẻo, ngon, an toàn, họ đề cao sản phẩm quốc nội.
Để gạo Việt Nam được nhiều người tiêu dùng Nhật Bản biết tới, theo ông Minh, Thương vụ sẽ tìm mọi ngõ ngách để gạo Việt Nam đến với “bếp ăn” của người Nhật nhiều hơn. Kết nối, tiếp tục quảng bá, giới thiệu gạo Việt tới người tiêu dùng Nhật nhiều hơn nữa, giúp họ hiểu gạo Việt Nam ăn với các món ăn Việt Nam rất là hợp.
Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật muốn sử dụng gạo Việt Nam để làm quà tặng cho các chính khách và lãnh đạo cấp cao của Nhật… qua đó cũng giúp quảng bá gạo Việt Nam nhanh hơn.
Bên cạnh sự nỗ lực của Thương vụ, các doanh nghiệp cần tăng cường tham hội chợ, triển lãm, các chương trình xúc tiến thương mại để nắm bắt các cơ hội xuất khẩu gạo.
Một tin vui theo ông Minh, gạo ST25 của Tập đoàn Tân Long lần này đưa sang bán trên thị trường Nhật không phải là gạo được trồng, chăm sóc riêng cho thị trường Nhật, mà đã đang được tiêu thụ trên thị trường Việt Nam nhưng được người tiêu dùng Nhật đón nhận.
Điều này chứng tỏ năng lực sản xuất đã được nâng cao, chất lượng sản phẩm gạo Việt Nam đã rất tốt… đáp ứng được yêu cầu khắt khe của người Nhật. Song muốn xuất khẩu được nhiều hơn cần đồng bộ quy trình sản xuất, tuyên truyền cho người nông dân sản xuất những sản phẩm có chất lượng, đảm bảo các quy trình như Global Gap, có vùng trồng ổn định và đồng đều.
“Gạo Việt Nam cần gắn liền với thương hiệu, hình ảnh của Việt Nam, có sự khác biệt nổi trội, đặc thù riêng thì chắc chắn sẽ cạnh tranh được với các loại gạo đã bước chân vào thị trường Nhật từ nhiều năm nay của Thái Lan, Trung Quốc”, ông Minh tự tin nói