08:00 15/10/2022

Gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp xây dựng vẫn lạc quan về triển vọng phát triển

Phan Nam

Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn bởi tác động của đại dịch Covid – 19 và bị nợ đọng kéo dài, tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành xây dựng vẫn đang nỗ lực thích nghi với điều kiện mới, nâng cao năng lực cạnh tranh để bứt tốc trong thời gian tới...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Hai năm qua, dưới sự bùng phát mạnh của các đợt dịch bệnh, nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội và TP. HCM buộc phải thực hiện giãn cách xã hội. Phần lớn các dự án ở các địa phương bị giãn cách đều phải ngừng thi công. Các dự án nằm ngoài khu vực giãn cách thì bị đình trệ do đứt gãy nguồn cung vật tư và nhân lực. Tổn thất kinh tế đối với các doanh nghiệp xây dựng có thể nhìn thấy rõ nhất là các chi phí để duy trì bộ máy, phòng chống dịch, huy động nguồn lực sau các đợt giãn cách...

NHIỀU NHÀ THẦU CÀNG LÀM CÀNG LỖ

37,9% số doanh nghiệp xây dựng tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết trên 20% số dự án/hợp đồng của họ bị chậm tiến độ hoặc ảnh hưởng chi phí do dịch Covid-19. Bên cạnh diễn biến phức tạp của đại dịch, biến động giá nguyên vật liệu đã trở thành “cơn ác mộng” đối với các nhà thầu xây dựng. Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu dùng trong xây dựng tăng 6,4% so với cùng kỳ do nhu cầu vật liệu xây dựng tăng cao, trong khi chuỗi cung ứng chưa hết gián đoạn từ năm 2020.

Hai loại vật liệu xây dựng quan trọng nhất là thép và xi măng lần lượt tăng giá khoảng 40% và 8,4%. Do chi phí vật liệu xây dựng chiếm khoảng 65-70% giá dự toán xây dựng công trình, nên việc tăng giá vật liệu xây dựng ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu tư xây dựng, hiệu quả của nhiều dự án, bào mòn biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Một số chuyên gia trong ngành nhận định “bão giá” đã quét sạch những lợi nhuận có thể hy hữu còn lại, đẩy nhiều doanh nghiệp rơi vào thua lỗ.

Trong khi đó, khảo sát của VACC với trên 2.000 doanh nghiệp xây dựng cho thấy, quy mô vốn chủ yếu là dưới 100 tỷ đồng. Bởi vậy, trong quan hệ giữa nhà thầu và chủ đầu tư thường không có sự bình đẳng. Chỉ rất ít nhà thầu làm được công trình đòi hỏi chất lượng rất cao, thi công phức tạp mới có thể thương thảo, đàm phán, còn lại đa số khó kiếm được hợp đồng, công việc bị phụ thuộc vào chủ đầu tư. Do vốn nhỏ, hoạt động các doanh nghiệp xây dựng đầu tiên dựa trên vốn tạm ứng của chủ đầu tư (song hầu hết chỉ được tạm ứng 10 -15% giá trị gói thầu), sau là vốn vay ngân hàng, làm xong 1-2 tháng mới được quyết toán. Tuy nhiên, hiện nay, tín dụng cho doanh nghiệp xây dựng bị hạn chế và mặt bằng lãi suất còn cao nên nhiều doanh nghiệp xây dựng càng làm càng lỗ.

Gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp xây dựng vẫn lạc quan về triển vọng phát triển - Ảnh 1

Đặc biệt, khung khổ pháp lý giữa chủ đầu tư – nhà thầu (hợp đồng xây dựng) vẫn còn nhiều vướng mắc, thủ tục pháp lý rắc rối, phức tạp trong khâu thanh quyết toán, nên phần thua thiệt luôn thuộc về nhà thầu. 100% doanh nghiệp xây dựng, từ những công ty nhỏ cho đến các tập đoàn, tổng công ty lớn đều có nợ đọng, nhất là ở khoảng giá trị khối lượng còn lại khoảng 20 – 25% cuối của dự án. Nhiều doanh nghiệp vốn bị nợ gấp đôi vốn hiện có, nên nợ chồng nợ, lấy được nợ cũ lại bù cho nợ mới. Tình trạng liên tục bị nợ đọng, nợ kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tình trạng đóng bảo hiểm người lao động, nộp thuế nhà nước gây hệ lụy xã hội và đang làm suy kiệt sức cạnh tranh của doanh nghiệp xây dựng Việt Nam.

Nguyên nhân là do sau khi công trình được nghiệm thu đưa vào sử dụng, chủ đầu tư chậm bố trí vốn trả nợ các dự án đã hoàn thành bàn giao, thậm chí còn cố tình chiếm dụng vốn, chây ì trong việc trả nợ; Công tác thanh tra, kiểm toán, quyết toán công trình hoàn thành chậm, kéo dài do vướng mắc, chồng chéo các thủ tục, quy định, làm ảnh hưởng đến việc thu hồi công nợ… Thế nhưng đến nay vẫn chưa có một cơ chế thanh toán hay chế độ hỗ trợ nhà thầu giải quyết các vướng mắc kể trên.

Nói về thực trạng này, ông Vũ Xuân Thắng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí COMA, thừa nhận rằng với gần 50 năm kinh nghiệm thi công và thanh quyết toán các công trình, chúng tôi thấy thủ tục thanh quyết toán rất rườm rà, phiền phức mà người thiệt hại trước hết là nhà thầu. Tất cả đều xuất phát từ hệ thống cơ chế. Tâm lý chung là ai cũng sợ trách nhiệm, ai cũng sợ mình làm sai, nên tất cả cứ tròn vo, ba phải, đùn đẩy trách nhiệm, nhất là các cơ quan quản lý nhà nước. Hệ thống qui định về hồ sơ thanh toán quá rườm rà và phức tạp, nhiều loại giấy tờ, biểu mẫu. Nhìn qua thấy có vẻ chặt chẽ nhưng cuối cùng lại không chặt mà chỉ gây phiền nhiễu thiệt hại cho nhà thầu.

Các cơ quan thanh kiểm tra đôi khi cũng có những trường hợp nặng về bệnh thành tích, đi kiểm tra thì kiểu gì cũng phải phát hiện ra sai phạm nên hay bắt bẻ, vặn vẹo câu chữ để buộc lỗi nên gây ra tâm lý như vậy. Mỗi hợp đồng thi công, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đơn giá cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, lãi chỉ được 3-5%, thậm chí hòa hoặc lỗ nhưng phê duyệt quyết toán chậm thì coi như lỗ.

Ngoài ra, 50% trong số 10.200 doanh nghiệp ngành xây dựng tham gia khảo sát của VCCI năm 2021 cho biết họ gặp khó khăn khi tiến hành các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và 48% phản ánh gặp vướng mắc khi thực hiện các thủ tục về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

NỖ LỰC NÂNG CAO KHẢ NĂNG CẠNH TRANH, PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU

Trước bối cảnh u ám đó, uy tín doanh nghiệp chính là động lực mạnh mẽ nhất giúp 96,6% số doanh nghiệp trong ngành bền bỉ vượt qua những khó khăn liên tiếp trong suốt thời gian qua (theo khảo sát của Vietnam Report).

Gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp xây dựng vẫn lạc quan về triển vọng phát triển - Ảnh 2

“Xây dựng một thương hiệu uy tín cần mất nhiều thời gian, đặc biệt đối với các doanh nghiệp trong ngành xây dựng – vật liệu xây dựng do thời gian thi công thường kéo dài từ 2-3 năm, chưa kể vòng đời sản phẩm/dự án (thiết kế, sản xuất vật liệu, xây dựng, sử dụng, phá dỡ) có thể kéo dài tới vài chục năm. Để có thể xây dựng được thương hiệu mạnh, doanh nghiệp phải phát triển đồng thời 7 yếu tố: Sản phẩm, Đổi mới, Môi trường làm việc, Trách nhiệm xã hội, Năng lực quản trị, Khả năng lãnh đạo và Kết quả kinh doanh, chứ không phải chỉ 1 hoặc 2 khía cạnh”, các doanh nghiệp chia sẻ.

Bên cạnh đó, gần 2/3 số doanh nghiệp cho biết đã nắm bắt công nghệ để duy trì hoạt động kinh doanh trong những thời điểm bị gián đoạn và giải quyết một số vấn đề chính của ngành: tính an toàn, năng suất và tình trạng thiếu lao động khá hiệu quả. Trong đó, hệ thống hoạch định nguồn nhân lực doanh nghiệp (ERP); Nền tảng công nghệ di động; Điện toán đám mây; và Dữ liệu lớn là 4 công nghệ có mức độ ứng dụng cao nhất. Các doanh nghiệp lớn trong ngành cũng đã và đang áp dụng mô hình xây dựng xanh theo các tiêu chuẩn gắt gao, tiết kiệm nguyên nhiên liệu, vận hành các khâu khép kín, tuần hoàn để tạo ra thế mạnh cạnh tranh cũng như giá trị cho khách hàng nói riêng và cho xã hội nói chung.

Các chuyên gia của Vietnam Report nhìn nhận, mặc dù hoạt động kinh doanh có phần trầm lắng do ảnh hưởng của những đợt bùng phát dịch nhưng hoạt động truyền thông của doanh nghiệp trong ngành vẫn rất tích cực, phần lớn nhà thầu đều có tần suất xuất hiện trên truyền thông nhiều hơn năm trước. Đáng chú ý, khoảng cách giữa 3 nhà thầu thu hút truyền thông nhiều nhất là Coteccons, Hòa Bình và Vinaconex đã thu hẹp đáng kể, đặc biệt là khoảng cách giữa Coteccons và Hòa Bình. Bên cạnh đó, Ricons, Fecon là những nhà thầu có hoạt động truyền thông hiệu quả hơn khi xét về mức độ "an toàn" thông tin (tỷ lệ chênh lệch tin tích cực và tiêu cực trong tổng số thông tin được mã hóa của doanh nghiệp).

Mặc dù mất đà tăng trưởng từ trước đại dịch, nhưng thị trường xây dựng Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng hơn 8,71% trong giai đoạn 2022-2027.

Gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp xây dựng vẫn lạc quan về triển vọng phát triển - Ảnh 3

Trên thực tế, tín hiệu tích cực đến ngay từ những tháng đầu năm nay, khi backlog (giá trị hợp đồng chưa thực hiện) của các doanh nghiệp đầu ngành xây dựng dân dụng tiếp tục “lập đỉnh”. Thêm vào đó, dòng vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam là điểm sáng đối với mảng xây dựng công nghiệp. Hơn nữa, một loạt các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ được triển khai đã và đang tạo ra những xung lực mới cho các doanh nghiệp trong ngành phục hồi và tăng tốc.

Tại phiên họp cuối tháng 8 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ đối với danh mục phân bổ vốn của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với số vốn 176.000 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định của Luật Đầu tư công. Trong đó, đa phần là đầu tư vào hạ tầng giao thông.

Cũng trong 2022, Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hơn 50.300 tỷ đồng – mức lớn nhất từ trước đến nay. Việc hàng loạt các dự án cao tốc sẽ được đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn 2022-2025 sẽ mở ra cơ hội bứt phá lợi nhuận cho nhóm các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông. Nhu cầu huy động vật liệu xây dựng lớn tại các dự án cũng sẽ tác động tích cực đến nhóm doanh nghiệp thép xây dựng, đá xây dựng, nhựa đường và xi măng thời gian tới.

Song song với đó, môi trường pháp lý cũng có một số chuyển biến tích cực. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua dự án “1 luật sửa 8 luật” tháo gỡ khá nhiều nút thắt pháp lý trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản. Ngoài ra, Nghị quyết 02/2022 của Chính phủ về thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được kỳ vọng sẽ tạo ra áp lực đủ lớn để tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý kinh tế, tạo thành trợ lực giúp các doanh nghiệp trong ngành sẵn sàng tăng tốc, chinh phục mốc son mới trong năm 2022 và những năm tiếp theo…